.

Việc làm cho thanh niên Cơtu

Sau khi học hết THPT, nhiều thanh niên người dân tộc Cơtu xã Hòa Bắc phải quay về núi sống với gia đình. Một số thanh niên kiếm sống bằng việc nương rẫy, hoặc đi làm lao động phổ thông ở dưới phố. Trong khi đó, chính quyền địa phương vẫn chưa có các giải pháp căn cơ để đào tạo nghề cho những thanh niên được xem là “có học” ở chốn rừng núi này.

Học xong, về lại nương rẫy!

Để học chương trình cấp 3, các em học sinh người dân tộc Cơtu ở hai thôn Tà Lang và Giàn Bí (Hòa Bắc) phải khăn gói xuống xã Hòa Sơn ở trọ học tại Trường THPT Phạm Phú Thứ. Mặc dù điều kiện học tập khó khăn, đường sá xa xôi, song nhiều em vẫn cố gắng nỗ lực hoàn thành chương trình học và thi lấy bằng tốt nghiệp THPT. Thế nhưng, sau khi tốt nghiệp THPT, nhiều học sinh không tiếp tục dự thi vào các trường ĐH, CĐ, THCN. Một mặt do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, mặt khác do các em không đủ sức dự thi “ngang ngửa” so với các thí sinh người Kinh. Vì vậy, hầu hết các em về lại gia đình làm nương rẫy, hoặc xin đi làm các công việc phổ thông. 

Ông Đinh Minh Hải, Bí thư Chi bộ thôn Tà Lang cho biết: Những năm qua, ở địa bàn thôn có hàng chục thanh niên đồng bào dân tộc Cơtu đã học hết chương trình THPT. Cứ tưởng, những thanh niên có học này sẽ tiếp tục học tập, có nghề nghiệp ổn định tự lo cho bản thân. Nhưng do việc học hành dang dở, các em lại quay về phụ giúp gia đình phát nương trồng rẫy, hoặc đi làm các công việc lao động phổ thông mà thôi. Chẳng hạn như trường hợp các thanh niên: Ph.Th.N; Đ.Th.H; Ng.Th.L; Ph.Th.L... hiện nay đang làm công nhân cho các công ty đóng tại Khu công nghiệp Hòa Khánh (Liên Chiểu). Ngoài ra, cũng có một số thanh niên sau khi học hết THPT, ở nhà đi chơi lông bông, thi thoảng phụ giúp các công việc lặt vặt trong gia đình.

Chị Đ.Th.N., đang làm công nhân tại Khu công nghiệp Hòa Khánh tâm sự: Hồi mới thi tốt nghiệp THPT xong, em cũng thích học tiếp nghề y sĩ, để sau này về lại địa phương làm việc. Nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại sợ thi không đậu, nên em không dám đăng ký dự thi. Sau khi ở nhà một thời gian, sợ cha mẹ buồn, em xin đi làm công nhân để kiếm tiền tự lo cho bản thân.

Bà Ngô Thị Nhàn, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết, từ năm học 2003-2004 đến nay, trên địa bàn xã đã có 88 thanh niên người dân tộc Cơtu tốt nghiệp THPT. Trong số đó, chỉ có 6 trường hợp đã tốt nghiệp ĐH, CĐ, TCCN và đang làm việc ở các cơ quan, đơn vị đóng tại địa phương; 15 trường hợp đang học ở các trường chuyên nghiệp. Những trường hợp còn lại đã lập gia đình sống tại địa phương và đi làm các công việc lao động phổ thông khác.   

Cần có chính sách hỗ trợ, đào tạo nghề

Những năm trước đây, để giải quyết việc làm cho thanh niên người dân tộc Cơtu ở hai thôn Tà Lang và Giàn Bí sau khi tốt nghiệp THPT, UBND xã Hòa Bắc phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện Hòa Vang đào tạo các nghề thủ công cho họ. Sau khi học nghề xong, những thanh niên này xuống các quận Liên Chiểu, Thanh Khê… làm việc, nhưng chỉ được thời gian ngắn, họ bỏ về lại địa phương. Lý do họ giải thích là lương thấp (chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng), mà còn phải đi lại xa xôi, vất vả.

Ông Nguyễn Ngưng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hòa Bắc cho biết, trước tình hình trên, UBND Hòa Bắc đã nhiều lần kiến nghị với các cấp chính quyền thành phố tạo điều kiện cho những trường hợp thanh niên người dân tộc Cơtu đã tốt nghiệp THPT được hỗ trợ kinh phí, cử tuyển đi học ở các trường ĐH, CĐ, TCCN để có nghề nghiệp chuyên môn sau này về phục vụ cho các cơ quan, đơn vị ở địa bàn xã Hòa Bắc. Song, những kiến nghị này đến nay vẫn chưa được quan tâm, giải quyết thấu đáo. Ông Ngưng tỏ ra lo lắng, hiện nay có 61 học sinh người dân tộc Cơtu ở hai thôn Tà Lang và Giàn Bí đang học lớp 10, 11, 12 ở Trường THPT Phạm Phú Thứ. Nhưng nếu không kịp thời có chính sách hỗ trợ học tập, giải quyết việc làm phù hợp, sau khi tốt nghiệp THPT, những học sinh này cũng sẽ theo vết xe cũ của các thế hệ đàn anh đàn chị của mình mà thôi. 

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, trong những năm vừa qua, có gần 100 thanh niên người dân tộc Cơtu đã tốt nghiệp THPT. Nhưng phần đông trong số ấy đến nay vẫn chưa có việc làm ổn định. Qua các buổi làm việc với các cơ quan, ban, ngành thành phố, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Trung Chinh đều kiến nghị thành phố có chủ trương giao cho các sở, ban, ngành liên quan rà soát, kiểm tra số học sinh người dân tộc Cơtu đã tốt nghiệp THPT, nhưng chưa có việc làm để có chính sách đào tạo, bố trí công việc phù hợp.

PHƯƠNG CHI

;
.
.
.
.
.