.

Xây dựng Cơ quan đạt chuẩn văn hóa: Chuyện còn dài…

.

Những ngày vừa qua, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phối hợp cùng Bộ VH-TT&DL tổ chức Hội thảo “Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN) văn hóa”, thảo luận dự thảo Thông tư về “Hướng dẫn cơ quan, đơn vị, DN đạt chuẩn văn hóa”.

Những hội thi như thế này luôn thu hút CNVC-LĐ tham gia, đây chính là một tiêu chí mà các đơn vị đăng ký thi đua xây dựng Cơ quan đạt chuẩn văn hóa đều phấn đấu để đạt được.  Trong ảnh: Tiểu phẩm dự thi của Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố tại Hội thi “XDNSVH-VMĐT năm 2011”.
Những hội thi như thế này luôn thu hút CNVC-LĐ tham gia, đây chính là một tiêu chí mà các đơn vị đăng ký thi đua xây dựng Cơ quan đạt chuẩn văn hóa đều phấn đấu để đạt được. Trong ảnh: Tiểu phẩm dự thi của Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố tại Hội thi “XDNSVH-VMĐT năm 2011”.

Cùng thời gian này, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) và Đề án Xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị (XDNSVH-VMĐT) chuẩn bị bước sang một giai đoạn mới. Kết thúc một giai đoạn với nhiều vấn đề còn đọng lại, việc xây dựng “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa” quả là đáng để cùng suy ngẫm.

Cùng chờ Thông tư hướng dẫn

Để khắc phục tình trạng hoạt động phối hợp giữa các ngành chưa đồng bộ, nhất là việc chỉ đạo cũng như thủ tục đề nghị xét duyệt các đơn vị đạt chuẩn văn hóa còn thiếu thống nhất, gây khó khăn cho việc triển khai tại các địa phương, Bộ VH-TT&DL cùng Tổng LĐLĐ Việt Nam dự thảo Thông tư về “Hướng dẫn cơ quan, đơn vị, DN đạt chuẩn văn hóa”, trong đó hướng dẫn cụ thể hoạt động xây dựng văn hóa trong CNVC-LĐ và bổ sung thêm danh hiệu cơ quan, đơn vị, DN đạt chuẩn văn hóa vào sự phát triển chung của phong trào TDĐKXDĐSVH.

Tại thành phố Đà Nẵng, phong trào TDĐKXDĐSVH và Đề án XDNSVH-VMĐT đã được triển khai và đạt nhiều kết quả khả quan. Hầu hết lãnh đạo chính quyền và Công đoàn cơ sở các đơn vị đều làm tốt công tác tuyên truyền thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tổ chức triển khai và thực hiện có kết quả việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với hàng trăm triệu đồng mỗi năm tiết kiệm từ điện, nước, văn phòng phẩm, xăng…, đã góp phần đáng kể vào việc cải thiện đời sống CNVC-LĐ.

Nhiều hội thao, hội diễn từng bước nâng cao đời sống tinh thần thông qua việc tổ chức các hoạt động văn hóa-thể thao mang tính nghệ thuật cao, thu hút hàng ngàn lượt CNVC-LĐ tham gia thi đấu, biểu diễn và cổ vũ. Thực hiện tốt các thủ tục cải cách hành chính và chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, đi đầu trong việc xây dựng nếp sống mới, chống xa hoa, lãng phí. Các hoạt động xã hội từng bước mở rộng cả về phạm vi, đối tượng và được sự quan tâm hưởng ứng của CNVC-LĐ. Cán bộ, đoàn viên, đảng viên ngày càng thực hiện tốt các tiêu chuẩn xây dựng gia đình văn hóa, mẫu mực, tiến bộ…

Có thể thấy, xây dựng Cơ quan đạt chuẩn văn hóa là một trong những nội dung cơ bản của phong trào TDĐKXDĐSVH và Đề án XDNSVH-VMĐT, bao hàm nhiều nội dung xoay quanh công sở, công chức và công vụ. Đây chính là một đợt sinh hoạt chính trị rộng rãi, do đó cần nâng cao nhận thức của CBCC về tầm quan trọng của phong trào, đợt sinh hoạt chính trị này và phải luôn tự kiểm tra, làm đúng những gì đã cam kết. Hằng năm, mỗi cơ quan đều nỗ lực thực hiện, tự chấm điểm theo các tiêu chí và kiểm tra, đánh giá chéo giữa các cơ quan, qua đó bình bầu, xếp loại. Được xem như một sân chơi văn hóa mang nhiều màu sắc, đơn vị nào bước vào cuộc chơi thì phải chịu những ràng buộc của luật chơi là các tiêu chuẩn chấm điểm, vì vậy ý thức của từng người, từng cơ quan, đơn vị chính là tiêu chí hàng đầu quyết định trong việc tự nhìn nhận và đánh giá đơn vị mình, để qua đó rút kinh nghiệm cho những năm tiếp theo thực hiện tốt hơn.        

Một số tiêu chuẩn cần phù hợp hơn

Tuy nhiên, đến thời điểm này, các tiêu chí trong bảng chấm điểm xây dựng Cơ quan đạt chuẩn văn hóa vẫn còn nhiều lấn cấn, trong đó 5 tiêu chuẩn cứng với 24 tiêu chí “con” chiếm 95 điểm và dành 5 điểm cho tiêu chuẩn mềm là đoàn kiểm tra xét trên cơ sở thực tế của các hoạt động tại đơn vị để thưởng. 24 tiêu chí “con” tưởng chừng rất chi tiết, cụ thể dễ dàng chấm điểm nhưng cảm giác còn dàn trải, trùng lắp nội dung là không tránh khỏi, đôi khi trở nên quá nhiều để thực hiện và đánh giá. Đối với 5 trường hợp là “điểm liệt” không công nhận Cơ quan đạt chuẩn văn hóa thì không cần đưa vào nội dung tính điểm của 5 tiêu chuẩn cứng…

Chính vì còn nhiều lấn cấn nên trở thành “cái khó” cho cả đơn vị thực hiện và người tham gia chấm điểm, rất khó định lượng mà nghiêng về định tính nhiều hơn. Vì vậy, các tiêu chí, tiêu chuẩn nên được xây dựng linh hoạt, phù hợp với các loại hình cơ quan, đơn vị, DN; làm sao cho phù hợp, sát hơn nữa với mỗi nhóm cơ quan có đặc thù công việc khác nhau, tránh chung chung, để đánh giá chính xác hơn. Từ đó hạn chế được tình trạng nương nhẹ với đơn vị này, gắt gao với đơn vị kia.

Ngọc Chân
 

;
.
.
.
.
.