.

Đa dạng nguồn nhà ở

.

Thực hiện chương trình an sinh xã hội, vấn đề nhà ở được quan tâm ở tầm vĩ mô và được triển khai thực hiện ở các địa phương. Đà Nẵng đang chủ động phát triển đa dạng nguồn nhà ở, tạo điều kiện cho nhiều đối tượng tiếp cận quỹ nhà ở, đất ở làm nơi an cư, lạc nghiệp.

Cư dân vùng ngập lụt sẽ được hỗ trợ xây dựng nhà ở.
Cư dân vùng ngập lụt sẽ được hỗ trợ xây dựng nhà ở.

Định hướng phát triển

Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Bộ Xây dựng công bố là đặt trọng tâm vào đối tượng xã hội khó khăn. Từ nay đến năm 2020, tập trung vào các mục tiêu đáp ứng nhu cầu có chỗ ở phù hợp của nhân dân và từng bước nâng cao chất lượng nhà ở; tạo động lực phát triển đô thị và nông thôn bền vững theo hướng CNH-HĐH. Trọng tâm của Chiến lược hướng tới là đẩy mạnh phát triển quỹ nhà ở dành cho người có thu nhập thấp, bao gồm cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, sinh viên và các đối tượng chính sách khác mua, thuê mua hoặc thuê; tiếp tục triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với đồng bào dân tộc thiểu số, các gia đình sinh sống tại các khu vực thường xuyên bị thiên tai và các hộ gia đình thuộc diện nghèo tại khu vực nông thôn. Từ 2012 đến 2015, diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt 21,5m2 sàn/người, 60% sinh viên có nhu cầu được thuê nhà ở trong ký túc xá và 50% công nhân KCN được thuê nhà ở trong các dự án nhà ở dành cho công nhân…

Việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng được thông qua hình thức hỗ trợ bằng tiền (từ nguồn ngân sách Nhà nước), được miễn, giảm tiền nhà, tiền sử dụng đất khi mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước hoặc khi được Nhà nước giao đất ở. Người nghèo khu vực nông thôn và hộ nghèo đô thị đặc biệt khó khăn, việc hỗ trợ áp dụng theo nguyên tắc Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, người dân tự làm. Với sinh viên các trường đại học, cao đẳng, công nhân, lao động trong các KCN, hỗ trợ theo nguyên tắc kết hợp giữa Nhà nước và các thành phần kinh tế để xây dựng nhà ở cho thuê.

Nhà nước sẽ trực tiếp đầu tư hoặc khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển quỹ nhà ở xã hội để cho thuê; đồng thời ban hành cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở giá thấp để bán, cho thuê hoặc cho thuê mua đối với đối tượng hưởng lương ngân sách có thu nhập thấp.

Phát triển nhà ở tại Đà Nẵng

Sở Xây dựng cho biết nguồn nhà ở, đất ở được thành phố chủ động đầu tư và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư. Đến đầu năm 2012, Đà Nẵng đã bảo đảm được quy mô và số lượng căn hộ phục vụ nhà ở theo chương trình Nhà ở xã hội với 7.000 căn hộ. Đà Nẵng cũng nâng chất lượng nhà ở khi đang chuẩn bị kế hoạch phát triển quỹ nhà ở dành cho các đối tượng có thu nhập trung bình.

Nguồn nhà ở đã mở rộng đối tượng khi Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố vừa triển khai dự án “Nhà ở phòng chống bão vì một thành phố Đà Nẵng có khả năng chống chịu” do Quỹ Rockefeller - Hoa Kỳ tài trợ với tổng giá trị gần 8,4 tỷ đồng, với việc xây dựng Quỹ vốn vay quay vòng để xây mới cũng như nâng cấp nhà ở. Dự án được thực hiện từ năm 2011 - 2014 tại các quận Sơn Trà, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang.

Ở nhóm đối tượng là quân nhân, Quân khu 5 đã đầu tư xây dựng khu nhà ở cho sĩ quan, chiến sĩ tại phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn với diện tích 2,5ha; Sư đoàn Phòng không 372 xây dựng khu đất ở chia lô diện tích gần 6ha tại phường Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu). Nhiều cơ quan quân sự địa phương, đơn vị độc lập cũng được giao đất làm nhà ở ổn định cho quân nhân.

Đà Nẵng cũng là địa phương được Bộ Xây dựng đưa vào nhóm địa phương thụ hưởng đề án Hỗ trợ nâng cao điều kiện an toàn nhà ở trong khu vực thường xuyên có lũ, lụt tại các tỉnh Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung. Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, đối tượng được hỗ trợ theo quy định của chính sách là hộ nghèo và hộ gia đình thuộc diện phải cư trú trong khu vực thường xuyên bị lũ, lụt.

Hiện chương trình Nhà ở xã hội đã bàn giao trên 1.000 căn và dự kiến bàn giao thêm 2.000 căn trong quý 1-2012. Chương trình cũng được doanh nghiệp tham gia đầu tư song do cơ chế quản lý, chính sách ưu đãi chưa được thống nhất ở các cấp quản lý dẫn đến nhiều dự án chậm triển khai, giá nhà ở xã hội còn cao. Thu nhập thực tế của một bộ phận người lao động, công chức, viên chức vẫn còn thấp so với khả năng tài chính để mua một căn hộ nhỏ. Một số giải pháp hiện hành về giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp nảy sinh không ít bất cập. Lãi suất ngân hàng còn cao nên người dân chưa tiếp cận vốn vay. Những vướng mắc này sẽ được tháo gỡ trong thời gian tới.

Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG
 

;
.
.
.
.
.