Trong ký ức của người dân Thanh Khê, khó có thể nào quên được những địa danh mà khi nhắc đến, người ta nghĩ ngay đến sự đói nghèo, dịch bệnh, các tệ nạn xã hội. Ai đã một lần đặt chân đến xóm Tre, xóm Chuối… của phường Vĩnh Trung ngày ấy chắc khó có thể nào quên được sự nhếch nhác và lạc hậu của hàng nghìn hộ dân ở ngay giữa trung tâm thành phố.
![]() |
Khu siêu thị BigC, căn hộ cao cấp Vĩnh Trung Plaza tại giao lộ Hùng Vương - Ông Ích Khiêm, Đà Nẵng. Ảnh: QUỐC TÍN |
Ngày ấy, vào mùa mưa, các phường Vĩnh Trung, Thạc Gián đều ngập sâu trong nước. Tôi đã nhiều lần đến UBND phường Thạc Gián công tác và phải đi bằng thuyền mặc dù trụ sở phường cách đường Hùng Vương không xa. Bàu Thạc Gián-Vĩnh Trung cỏ mọc um tùm, nước đọng hôi thối quanh năm, đầy muỗi và ruồi nhặng, là cái nôi của các ổ dịch bệnh… Đường Hùng Vương sầm uất với các cửa hàng, cửa hiệu, của các loại hàng hóa ngập tràn nhưng đi vào các kiệt, hẻm là cuộc sống lam lũ của những người dân quanh năm túng quẫn…
Dạo bước trên những đại lộ rộng lớn như Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Tri Phương, Điện Biên Phủ… bây giờ, chắc ít người biết được rằng, sự khởi đầu cho bước đột phá về xây dựng cơ sở hạ tầng ở quận Thanh Khê nói riêng, ở thành phố Đà Nẵng nói chung, chính là mở rộng đường Phan Thanh, con đường mang ý nghĩa với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đầu tiên của thành phố biển anh hùng. Tôi vẫn còn nhớ, đích thân đồng chí Nguyễn Bá Thanh, lúc bấy giờ là Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, đã đến nhiều hộ dân nằm trên con đường này để vận động người dân cùng với Nhà nước làm đường. Tấc đất, tấc vàng, thế nhưng trước nhu cầu của xã hội, của thành phố, hàng trăm hộ dân hai bên đường đã tự nguyện hiến đất, đập phá tường rào, cổng ngõ, các công trình phụ để mở rộng đường Phan Thanh.
Đường Phan Thanh hoàn thành đã cho thành phố nhiều bài học quý giá về xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để rồi sau đó thành phố có thêm hàng chục, hàng trăm con đường theo mô hình này. Đường Phan Thanh chật hẹp, ngập trũng ngày xưa nay là những cửa hàng, cửa hiệu buôn bán tấp nập và nhộn nhịp. “Phi thương bất phú”, từ khi đường Phan Thanh mở rộng, hàng trăm hộ dân hai ven đường đã giàu lên nhờ kinh doanh buôn bán. Tiếp theo đường Phan Thanh là đại lộ Nguyễn Văn Linh. Nhìn những tòa nhà cao tầng với các trường đại học, các nhà hàng, khách sạn, văn phòng, trụ sở cho thuê, các dịch vụ, v.v…, khó ai nghĩ rằng trước đây là vùng ngập úng, là bàu Thạc Gián-Vĩnh Trung, là vùng đất ô nhiễm nặng quanh năm. Đường Nguyễn Văn Linh là điểm nhấn, là niềm tự hào của người dân Đà Nẵng về sự đổi mới của xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị mà khi nhắc đến tên đường, người ta nghĩ ngay đến vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đã có công về sự nghiệp đổi mới của đất nước để được như ngày hôm nay…
Thêm một điểm nhấn nữa về quy hoạch xây dựng của quận Thanh Khê và thành phố Đà Nẵng là khu thương mại Vĩnh Trung Plaza. Một tòa tháp đôi sừng sững mọc lên giữa trung tâm thành phố ngay ngã tư đường Ông Ích Khiêm-Hùng Vương đã tạo cho Đà Nẵng một bộ mặt hoàn toàn mới, một đột phá về thương mại và dịch vụ. Để có một Vĩnh Trung bề thế như hôm nay, khó có ai nghĩ rằng, trước đó hơn 10 năm là một bến xe lam, là chợ Vĩnh Trung nhếch nhác và lạc hậu, là nơi tá túc của hàng nghìn hộ dân đói nghèo với đủ các nghề thợ “đụng”. Tôi đã được ông Đàm Quang Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đức Mạnh cho xem lại những bức ảnh của bến xe và chợ Vĩnh Trung ngày ấy.
Thật khó có thể nghĩ rằng, ngay giữa trung tâm phố thị lại có một khu phố xô bồ đến vậy. Ông Tuấn kể, khi đào móng để xây dựng Vĩnh Trung Plaza, dưới mặt đất có hàng trăm bộ hài cốt của chiến sĩ và người dân vô danh đã chết trong hai cuộc kháng chiến. Công ty ông Tuấn đã làm lễ vong linh và lo chu đáo, đưa toàn bộ các hài cốt về chôn cất tại các nghĩa trang. Người chết đã có nơi yên nghỉ đàng hoàng, hàng nghìn người sống tại Vĩnh Trung bây giờ đã giàu lên, hàng nghìn lao động đang làm việc và thu nhập ổn định ở Vĩnh Trung Plaza, Dragon Vĩnh Trung, mỗi ngày có hàng chục vạn người dân trong và ngoài thành phố đến mua sắm hàng hóa ở khu thương mại dịch vụ sầm uất nhất thành phố này…
Đề cập về xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị của quận, ông Trần Văn Huy, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê cho biết: “15 năm qua, trên địa bàn quận đã triển khai trên 180 công trình xây dựng cơ bản, trong đó có 49 dự án thành phố làm chủ đầu tư. Có 12.000 hộ dân liên quan đến giải tỏa, đền bù với trên 6.500 hộ giải tỏa di dời; nhân dân tự nguyện đóng góp hàng ngàn mét vuông đất ở và hàng tỷ đồng giá trị vật kiến trúc. Một số công trình trọng điểm giao thông như đường Hàm Nghi, Lê Đình Lý, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Văn Linh, Lê Duẩn, Nguyễn Tri Phương, Lê Độ, Trần Cao Vân, Hà Huy Tập, Điện Biên Phủ, nút giao thông ngã ba Cai Lang...; hệ thống cấp thoát nước, điện chiếu sáng, công trình cải tạo sông Phú Lộc; các công trình công cộng phục vụ dân sinh; trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, khách sạn, trường học, bệnh viện; các công trình kiến trúc văn hóa, trùng tu di tích, gắn bia lịch sử... được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, tạo cảnh quan bộ mặt đô thị mới, diện mạo phát triển của quận Thanh Khê”.
Thanh Khê đang tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 15 năm thành lập quận. Nhìn lại thành quả đạt được trong thời gian qua, mỗi người dân Thanh Khê đều có quyền tự hào và đây sẽ là động lực to lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Khê bước tiếp chặng đường xây dựng một Thanh Khê giàu và đẹp, xứng đáng là vùng đất anh hùng của một thành phố anh hùng.
Lê Văn Hoa