.

Lối mở vào “ốc đảo”

.

Giờ đây, người dân xã Hòa Liên đầy tự tin khi chỉ đường cho khách lạ tới thôn Trường Định: “Đi thẳng, qua cầu là tới”. Nỗi ám ảnh “ốc đảo” đã trở thành kỷ niệm xa xôi.

Trên cây cầu mới, những trẻ thơ tung tăng đi về, không còn lo sợ đò chìm như ngày trước.
Trên cây cầu mới, những trẻ thơ tung tăng đi về, không còn lo sợ đò chìm như ngày trước.

Già mong, trẻ đợi

Đã từng đến xã Hòa Liên (huyện Hòa vang) nhiều lần, từ dạo người qua sông còn phải chờ đợi những chuyến đò ngang, nên hôm đến xã Hòa Liên trên cây cầu mới xây dài gần 300m, tôi có cảm nhận hoàn toàn khác biệt. Đứng trên cầu nhìn ra chung quanh, sông Cu Đê trong vắt giữa bốn bề núi thẳm trông như một lòng hồ rộng lớn. Người ở xa đến như tôi còn được truyền cảm hứng từ những gương mặt ngời sáng khi qua sông. Một tốp em nhỏ của Trường tiểu học Hòa Liên vừa qua sông tập bơi về, đang tung tăng chạy trên cầu. Một em nhanh nhảu khoe: “Bữa rày chạy cái ào là qua tới nơi rồi cô. Hồi trước, tụi con phải đi đò, xin ba mẹ miết mới được”. Ngày trước, cứ tới mùa lũ, mấy em học cấp 2, cấp 3 phải nghỉ học cả tuần vì nước lớn, không ai dám đưa đò. Cha mẹ để con đi học bên kia sông, còn thấp thỏm âu lo chuyện chìm đò, chìm ghe…

Thôn Trường Định, chốn ốc đảo ngày xưa, niềm vui bất tận của những trẻ thơ khi qua cầu này không phải là duy nhất, mà tất thảy mọi người, nhất là những cụ ông, cụ bà đã ở tuổi gần đất xa trời lại càng tha thiết với chuyện qua sông không cần đò. Đôi mắt mờ đục sương pha của những người thất thập cổ lai hy bỗng rạng ngời khi nói về cây cầu, như thể đó là niềm tự hào vĩ đại. Bởi vì từ đây, sau khi đã có điện, đường, trường, sự xuất hiện của cầu Trường Định chính thức đưa họ về gần với cuộc sống rộn rã của những vùng miền lân cận. Chính họ, khi đã đi gần hết cuộc đời mình, thấm thía nỗi cực ngày ngày trên chuyến đò dọc, đò ngang, mới càng là thế hệ khao khát cây cầu hơn ai hết. Ông Nguyễn Thế (74 tuổi), Trưởng Chi hội Người cao tuổi của thôn, kể rằng nhiều cụ trước khi về với đất đã kịp đi qua lại trên cầu, nhìn ngắm cho sướng con mắt, cho thỏa niềm ước ao từ thời ông cố, ông tổ.

Thênh thang về phố

Trên cây cầu mới, cứ tới mùa mía, bắp, lúa, tôm…, từng chuyến xe từ xa nhộn nhịp chạy về thênh thang, đưa sản vật của địa phương ra khắp Đà Nẵng. Xưa bị lái buôn ép giá vì viện lý do phải thuê ghe chở, nay người Trường Định có thể đàng hoàng ngã giá theo đúng giá thị trường. Người dân cũng không phải phụ thuộc quá nhiều vào những “bạn hàng” đưa các chợ “di động” từ Nam Ô, Kim Liên lên bán với giá đắt đỏ hơn bình thường. Nhiều người dân ở khu chợ Nam Ô còn nhớ rõ cảnh nhộn nhịp mỗi sáng ở bến sông ngày xưa, khoảng 8-9 giờ sáng là ghe đò í ới gọi nhau chở những “bạn hàng” tay gánh tay nải lên Trường Định, Nam Yên… cho kịp buổi chợ. Nay họ có thể chạy xe máy vèo vèo dọc theo triền núi, qua sông là đã bán được hàng, vừa nhanh, vừa tiện.

Những ai muốn làm đám cưới cho con không cần tính toán thêm một khoản chi phí không nhỏ cho khoản ghe thuyền. “Mỗi lần có đám cưới, người lái đò phải chuẩn bị một ghe to 45 chỗ và ghe nhỏ 20 chỗ. Người lên trước, kẻ lên sau, mặc đồ đẹp sợ bẩn, nên cãi cọ rần rần”, trưởng thôn Võ Văn Thành hồi tưởng. Con gái, con trai Trường Định không còn mang cái ám ảnh “ốc đảo” thua thiệt khi kết duyên với người khác vùng.

Trên tất cả, những người lái đò như ông Nguyễn Thế còn mừng vì mình không còn phải ngày ngày đưa người qua sông trong nỗi lo đò chìm, mà trao cái nhiệm vụ này cho ai, người đó cũng nguầy nguậy lắc đầu. “Tóm lại là lợi đủ bề. Mới đây còn có thêm nước máy. Tụi tui chết cũng nhắm mắt được rồi”, ông Thế hả hê.

Và từ đây, đường về phố xá đã thênh thang…

Bài và ảnh: HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.