.

Ngày Xuân, nghĩ về mục tiêu “hạnh phúc” trong Cương lĩnh của Đảng

Sau biết bao cân nhắc, lựa chọn mục tiêu cho hướng đi đất nước trong thời kỳ kinh tế thị trường, Đảng ta, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa Xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) được thông qua tại Đại hội XI vừa qua đã khẳng định: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện…“.

Còn nhiều nội dung quan trọng khác trong văn kiện có tính nền tảng này,  nhưng có lẽ, điều quan trọng nhất cho một con người sinh ra trên trái đất này, dù là ở những xứ sở chiến tranh liên miên, đại dịch hoành hành liên miên, cho đến những đất nước thanh bình hàng mấy trăm năm thì cuối cùng cũng chỉ mong hiện thực hóa được chừng ấy chữ: con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện. Rõ ràng, mục tiêu hạnh phúc đã được Đảng ta quan tâm hơn, đồng thời cũng quan tâm hơn đến cái cách để làm sao cho mục tiêu ấy được thực hiện thông qua những chương trình xã hội lớn.

Thường thì khi nói về hạnh phúc, người ta hay nghĩ đến hạnh phúc lứa đôi. Nhưng trong đời thường, hạnh phúc có nhiều nghĩa, có những ý nghĩa bình thường giản dị thôi, chẳng hạn một cuộc sống bình yên, an lành, không có cảnh bữa hôm lo bữa mai, con cái đủ tiền đi học, không thấp thỏm lo âu bị đe dọa bởi cái xấu cái ác rình rập. Nghĩ rộng ra, với một thể chế chính trị, với một đất nước thì hạnh phúc của người dân bình thường, như có lần nhà thơ Tố Hữu đã khái quát trong “Bài ca mùa xuân 1961”, đó là “Hạnh phúc đơn sơ, ước mơ nho nhỏ / Treo trước mắt của loài người ta đó/ Hòa bình, độc lập, ấm no/ Cho con người/ Sung sướng, tự do”.

Trong bản Tuyên ngôn bất hủ đọc tại Quảng trường Ba Đình 65 năm về trước, ngay từ những dòng đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc lại “quyền mưu cầu hạnh phúc” được nêu trong Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ, từ đó suy rộng ra quyền tự do độc lập của một dân tộc. Và dòng chữ tiêu đề cho mọi công văn hành chính của nước ta trước đây là Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều nêu rõ mục tiêu cao đẹp bất di bất dịch : “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”. Độc lập tự do cho cả dân tộc, tự do hạnh phúc cho mỗi con người.

Gần đây, giới nghiên cứu quan tâm nhiều hơn đến chỉ số hạnh phúc HPI là viết tắt của Happy Planet Index (Chỉ số Hành tinh Hạnh phúc) để đo đếm sức mạnh của một quốc gia, bên cạnh tiêu chí về chỉ số phát triển người HDI và tổng thu nhập quốc nội GDP. Tuy nhiên, cũng theo giới nghiên cứu, hạnh phúc là một đối tượng nghiên cứu cực kỳ khó nắm bắt, và chỉ số HPI chủ yếu cũng chỉ quan tâm đến vấn đề mức độ thỏa mãn cuộc sống của người dân ở một quốc gia nào đó và cùng với sự an lành của môi trường tự nhiên, chứ chưa đề ra những tiêu chí cụ thể thế nào là hạnh phúc. Bởi vậy cho nên, năm 2006, người ta đã bầu chọn quốc đảo Vanuatu, một quốc gia  vẫn còn có những bộ tộc sống theo hình thức sơ khai nhưng lại có một môi trường tự nhiên khá lý tưởng, chưa bị con người khai phá bao nhiêu, là đất nước hạnh phúc nhất thế giới. Việt Nam chúng ta cũng từng đạt được chỉ số HPI khá cao, xếp thứ 12/178 nước, trên cả Trung Quốc, Thái Lan, Italia, Nhật Bản, Mỹ và hơn 160 nước khác. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa chúng ta đã hoàn toàn thỏa mãn rằng mọi người dân chúng ta đã thực sự hạnh phúc…

Thời đại ngày nay, do thông tin cập nhật phong phú, công khai, mỗi chúng ta hằng ngày đọc thấy, nghe thấy không ít những cảnh ngộ, những gia đình, những con người còn nhiều bất hạnh. Bất hạnh do thiên tai, như những gì chúng ta đã chứng kiến hậu quả nặng nề của những cơn bão lũ hoành hành ở khu vực miền Trung và cả nước trong năm qua. Bất hạnh do hậu quả chiến tranh với những nạn nhân chất độc da cam do đế quốc Mỹ đã gây ra. Lại nói những cảnh ngộ bất hạnh cụ thể như câu chuyện đau xót năm nào, một người phụ nữ nghèo khó do mót cà-phê mà bị chó béc-giê của chủ trang trại cắn xé, dù biện minh cách gì thì đó cũng là điều khiến chúng ta thật đau lòng. Hoặc trường hợp một người lương thiện đi đường nghiêm túc đúng luật lại bị những kẻ lái xe điên cán chết một cách tức tưởi oan ức.

Gần gũi hơn như hoàn cảnh những người vợ bất hạnh luôn bị nạn bạo hành đe dọa ngày này qua tháng khác, hoặc những đứa trẻ thơ bị chính người sinh ra nó hành hạ không nương tay, v.v và v.v… Có rất nhiều cảnh ngộ diễn ra rất xa chúng ta, tưởng như không có gì liên quan, không phải rơi vào những người gần gũi thân thiết gì với mình, nhưng sao vẫn làm cho chúng ta cứ như bị xát muối vào lòng. Ở vào thời điểm của chúng ta đang sống, sau 36 năm sống trong hòa bình, độc lập, đã đến lúc phải nghĩ nhiều hơn, nghiêm túc hơn đến mục tiêu hạnh phúc. Chúng ta chưa đề cập đến một cuộc sống sung sướng, vì xã hội vẫn còn nhiều người nghèo khó, nhưng làm sao cho mọi người phải có được hạnh phúc trong cái nghĩa bình thường nhất của nó.

 Nhìn lại những chủ trương chính sách và một số việc làm thực tế của thành phố Đà Nẵng thời gian qua, có thể thấy, thành phố chúng ta đã bước đầu quan tâm nhiều hơn đến vấn đề thực hiện mục tiêu “hạnh phúc” cho công dân của mình, nhất là những công dân chịu nhiều thiệt thòi và những người dễ bị tổn thương trong cộng đồng. Với những đề án thực hiện chương trình “5 không”, “3 có”, đặc biệt là vấn đề có nhà ở, có việc làm với hàng nghìn căn hộ dành cho người nghèo, chúng ta đang phấn đấu cho mọi người dân có cuộc sống no đủ, vượt lên cái nghèo, không có trẻ em đến tuổi đi học mà không được đến trường, không có những cụ già vất vưởng cô đơn, lang thang xin ăn, người người có một mái ấm, có công ăn việc làm ổn định, không bị đe dọa bởi giết người cướp của, tất cả được sống trong một môi trường nhân ái, văn minh. Có những cách làm độc đáo của Đà Nẵng như tổ chức cuộc gặp những ông chồng bạo hành, gặp gỡ những thanh-thiếu niên hư để phân tích lẽ thiệt hơn, giáo dục, cảm hóa nhằm tránh những hậu quả xấu cho xã hội… tất cả những điều đó cũng đều là những cách thức để đi tới một cuộc sống hạnh phúc cho cộng đồng.

Chúng ta cũng lại đang phấn đấu cho một “thành phố môi trường”, “thành phố thông minh”, “thành phố đáng sống”, thực ra đấy cũng là một cách thể hiện quyết tâm chính trị để đạt mục tiêu vì hạnh phúc của cả cộng đồng dân cư.

Tất nhiên, hạnh phúc là một mục tiêu không giới hạn, vì vậy những gì đã đề ra và những việc đã làm vẫn còn rất nhỏ bé. Cho đến mùa Xuân này, vẫn còn những hộ gia đình giải tỏa chưa được bố trí đất tái định cư, vẫn còn những người con đi làm ăn xa chưa có đủ điều kiện về quê sum họp với gia đình. Cũng không phải đã chấm dứt những cảnh ngộ bất hạnh đang diễn ra âm thầm trong những hẻm phố, xóm quê. Mục tiêu “hạnh phúc” đơn sơ, ước mơ nho nhỏ vẫn còn “treo” trước mắt chúng ta, như một lời nhắn gửi, thúc giục mỗi người hãy làm một việc gì đó trên cương vị của mình vì hạnh phúc của mình và của mọi người để cuối cùng đạt tới mục đích cao cả Độc lập - Tự do - Hạnh phúc cho cả dân tộc.

12-2011

NẠI HIÊN

;
.
.
.
.
.