Ngày 12-1, tại Đà Nẵng, các đồng chí: Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị Ban Bí thư tổng kết 13 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng.
Đồng chí Lê Hồng Anh phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: N.THÀNH |
Tham dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các hội, đoàn thể Trung ương và các địa phương. Về phía lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, có đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố và các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, đại diện các hội, đoàn thể thành phố.
Báo cáo do đồng chí Hà Thị Khiết trình bày tại hội nghị nêu rõ những kết quả đạt được trong việc thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW. Theo đó, các Tỉnh ủy, Thành ủy đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các cơ quan, ban, ngành tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện bảo đảm yêu cầu. Trong lãnh đạo, các cấp ủy Đảng khẳng định công tác lãnh đạo các hội quần chúng luôn là nhiệm vụ quan trọng, là một bộ phận nằm trong công tác dân vận của Đảng. Các Tỉnh, Thành ủy đã tổ chức chỉ đạo việc kiểm tra, khảo sát để nắm chắc về tổ chức và hoạt động của các hội tại địa phương… Công tác quản lý Nhà nước, công tác phối hợp hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội đối với các hội được đẩy mạnh.
Qua đó, đến nay, cả nước có 437 hội hoạt động trên phạm vi toàn quốc; 3.511 hội hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh, huyện. Thông qua hoạt động của mình, các hội đã tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thông tin, phổ biến kiến thức, nâng cao nghiệp vụ cho hội viên; góp phần tích cực vào việc tư vấn, giám định và phản biện xã hội nhằm xây dựng môi trường thực hành dân chủ và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền; tham gia các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đất nước trên các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục-đào tạo, bảo vệ môi trường, kinh tế, hoạt động từ thiện nhân đạo và khắc phục hậu quả thiên tai; chủ động mở rộng quan hệ quốc tế nhằm góp phần tích cực vào hoạt động đối ngoại nhân dân và hợp tác quốc tế…
Tuy nhiên, qua 13 năm thực hiện, cũng còn những hạn chế, khuyết điểm như: Có nơi chưa thống nhất cao trong chỉ đạo, vai trò lãnh đạo của Đảng chưa được quan tâm đúng mức, việc thể chế hóa các văn bản pháp lý của Nhà nước còn chậm, công tác quản lý còn chưa thống nhất và chồng chéo; xu hướng hành chính hóa còn khá phổ biến trong hoạt động hội; một số hội chưa thực hiện đầy đủ chức năng, vai trò của mình, hoạt động còn mang tính hình thức, thiếu bền vững, ít quan tâm giáo dục hội viên…
Từ việc phân tích nguyên nhân, cũng như rút ra những bài học kinh nghiệm, hội nghị đã thảo luận, góp ý xây dựng quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với các hội. Trước tiên, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, mọi cán bộ, đảng viên và toàn xã hội về vị trí, vai trò của hội nhằm tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các hội.
Trong quản lý Nhà nước, đưa nội dung công tác hội vào kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế-xã hội dài hạn và hằng năm của Nhà nước ở các cấp; tạo môi trường pháp lý thuận lợi để các tổ chức hội hoạt động; rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động của hội, các cơ chế, chính sách nhằm phát huy vai trò của hội trong việc tham gia xây dựng, tư vấn, giám sát và phản biện xã hội về các chủ trương, chính sách. Bên cạnh việc đẩy mạnh phối hợp hoạt động giữa MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội với các hội, cần thường xuyên củng cố tổ chức, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hội; xây dựng đội ngũ cán bộ hội nhiệt tình, tâm huyết và có am hiểu sâu sắc về lĩnh vực hội…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian đến. Theo đó, đồng chí đề nghị cần tiếp tục quán triệt tinh thần hội nghị đến các cấp, các ngành, địa phương nhằm nâng cao nhận thức và hành động trong lãnh đạo xây dựng tổ chức và hoạt động hội; hoạt động hội ở cấp nào thì đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đó; ở những nơi có điều kiện thì sớm thành lập tổ chức Đảng trong hội, nơi nào chưa có điều kiện thì cần phát huy tốt vai trò nòng cốt của đảng viên là hội viên. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với các hội; xây dựng và ban hành luật về hội thống nhất trong phạm vi toàn quốc mà trước mắt là xây dựng Pháp lệnh về hội trong năm 2012; các bộ, ngành, chính quyền cần rà soát, bổ sung chính sách pháp luật phù hợp với tình hình.
Trong năm 2012, cần đánh giá hoạt động, quản lý của hội từ Trung ương đến địa phương; xây dựng chính sách đối với cán bộ hội; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật, xử lý vi phạm; tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế của hội. Đồng chí cũng đề nghị tiến hành các giải pháp đồng bộ trong việc phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội với tổ chức hội; thường xuyên củng cố tổ chức và hoạt động của hội… Đồng chí cho rằng, cần thành lập các Ban chỉ đạo việc thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW từ Trung ương đến địa phương để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hội.
N.T