Trong một đợt tuyển lao động, khi đang phỏng vấn và người lao động trả lời rất trơn tru, giám đốc một doanh nghiệp chợt hỏi: “Nếu căn nhà này bị phóng hỏa, bạn sẽ làm gì?” hay “Bạn làm gì để cải thiện những khiếm khuyết của bản thân?”... Người được phỏng vấn bối rối, ngồi im. Vậy là trượt.
Người lao động cần tìm hiểu kỹ nơi mình định nộp đơn xin việc. |
1.001 lý do trượt
Nguyễn Thị Hoài Thu (25 tuổi, quê ở Quảng Nam) tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng đã mấy năm mà chưa xin được việc, bởi Thu đã không vượt qua được các vòng phỏng vấn. Thu kể: “Xin đi dạy không được nên mình định vào làm ở các công ty tư nhân. Tuy nhiên, lần thì bị trượt do không nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về công ty, lần thì do những câu hỏi bất chợt từ phía người phỏng vấn mà mình ứng xử chậm quá, không biết trả lời ra sao”. Bằng loại khá, ngoại hình lại khá ưa nhìn, hiền lành, ngoan ngoãn nhưng cũng bởi thói quen thụ động ai nói sao nghe vậy, Thu đã không thể ứng xử được trong các tình huống nhà tuyển dụng đặt ra.
Còn Võ Thị Minh Châu (24 tuổi, quê ở huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) lại phải rời chỗ làm sau 6 tháng thử việc. Tốt nghiệp loại ưu bằng quản trị kinh doanh Trường Cao đẳng Thương mại tại Đà Nẵng, Châu rất tự tin khi vào làm cho một công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, thiếu kỹ năng làm việc nhóm, Châu đã không thể hòa nhập với mọi người trong phòng, không phối hợp tốt trong các công việc được giao khiến mọi việc cứ rối tung lên. Vậy là sau thời gian thử việc, Châu đã phải nghỉ làm trong sự băn khoăn và đổ lỗi do công việc quá nhiều.
Hầu hết các cuộc phỏng vấn tại các phiên chợ hoặc sàn giao dịch việc làm ở Đà Nẵng, một yếu tố mà người lao động rất dễ “mất điểm” đối với chủ doanh nghiệp là thiếu “kỹ năng mềm”. Đó là các kỹ năng quan trọng trong cuộc sống con người như: Kỹ năng sống, giao tiếp, lãnh đạo, làm việc theo nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, sáng tạo và đổi mới... Kỹ năng mềm khác với kỹ năng cứng để chỉ trình độ chuyên môn, kiến thức chuyên môn hay bằng cấp và chứng chỉ chuyên môn. Thực tế cho thấy khá nhiều bạn trẻ mặc dù có bằng cấp cao, chuyên môn vững, nhưng thiếu các kỹ năng mềm đã không thể được tuyển chọn khi phỏng vấn, khó thành công trong công việc.
Nên tự trang bị
10 kỹ năng cần có cho người lao động: Kỹ năng học và tự học, Kỹ năng lãnh đạo bản thân và hình ảnh cá nhân, Kỹ năng tư duy sáng tạo và mạo hiểm, Kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức công việc, Kỹ năng lắng nghe, Kỹ năng thuyết trình, Kỹ năng giao tiếp và ứng xử, Kỹ năng giải quyết vấn đề, Kỹ năng làm việc đồng đội, Kỹ năng đàm phán. |
Phiên chợ việc làm được Sở LĐ-TB&XH thành phố tổ chức ở Trung tâm Hội chợ triển lãm Đà Nẵng vừa qua thu hút hàng ngàn lao động đến dự tuyển, nhưng con số tuyển được chỉ có vài trăm. Ông Trương Quang Tuấn, Phòng Tổ chức sát hạch thuộc Công ty CP Dịch vụ hàng không Sân bay Đà Nẵng ngán ngẩm: “Người lao động quá rụt rè, thiếu tự tin vào bản thân và không tìm hiểu kỹ nơi mình đến nộp hồ sơ. Nhiều em chỉ đến xem cho biết hoặc nộp hồ sơ cho có, rồi trông chờ vào sự may mắn. Hiếm có trường hợp nào đam mê và mong tìm được đúng công việc mình ưa thích”. Công ty TNHH MTV DV Du lịch Phước Thông cũng là một trong những đơn vị thu hút khá đông thí sinh đến ứng tuyển. Tuy nhiên, chị Cao Thị Ánh Nguyệt, Trưởng phòng Bán hàng và quan hệ khách hàng của công ty này than thở: “Kỹ năng giao tiếp của các em còn quá yếu. Chúng tôi đặt ra những câu hỏi “lạc chủ đề” chủ yếu để các em biết ứng xử nhanh nhưng đều lúng túng, bị động”.
Hầu hết ở các trường đại học hiện nay đều chỉ trang bị kiến thức chung, kiến thức chuyên ngành cho sinh viên nên về kỹ năng xã hội, kỹ năng mềm trong mỗi em còn quá thiếu, không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Nhiều nhà tuyển dụng đều cho rằng, từ học đến làm việc hiệu quả là một khoảng cách khá xa và để lấp đầy khoảng cách đó các em phải trang bị cho mình một số kỹ năng trong công việc và cuộc sống. Để tự rèn luyện cho mình các kỹ năng trên, các bạn nên tham gia nhiều vào các hoạt động tình nguyện, hoạt động xã hội, làm thêm phù hợp và vừa sức ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ