.

Tướng Nguyễn Chơn kể chuyện chiến dịch Đường 9-Nam Lào

.

Nhân kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào (1971-2011), được sự nhất trí của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: "Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 - Tầm vóc, ý nghĩa và bài học lịch sử". Thượng tướng Nguyễn Chơn (ảnh), nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa VI, VII, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng có bài tham luận gửi Hội thảo. Báo Đà Nẵng xin lược trích đăng bài tham luận này. Đầu đề do Tòa soạn đặt.

Sư đoàn 2 là Sư đoàn chủ lực của Quân khu 5. Tháng 6-1970, Sư đoàn được lệnh hành quân ra địa bàn Bắc Đường 9, cùng các sư đoàn chủ lực của Bộ tham gia Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào.

Chuẩn bị cho trận đánh lớn

Ngay từ giữa năm 1970, phán đoán địch sẽ mở các cuộc hành quân lớn ra vùng Trung Lào, Hạ Lào, ngã ba biên giới và Đông Bắc Campuchia, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo các chiến trường điều chỉnh lực lượng, vạch kế hoạch tác chiến, chuẩn bị vật chất, thiết bị chiến trường, phối hợp với bạn Lào sẵn sàng đánh địch.

Đang chiến đấu trên chiến trường Khu 5, ngày 10-6-1970, Sư đoàn 2 được lệnh hành quân ra Bắc Đường 9 nhận nhiệm vụ mới. Một nhiệm vụ thật đột xuất, khó tin: Sư đoàn 2 là đơn vị chủ lực của Quân khu 5, sao lại hành quân ra tận Bắc Đường 9? Bộ Tư lệnh Sư đoàn cho rằng cơ yếu dịch điện nhầm nên điện hỏi lại Quân khu. Từ đầu dây bên kia, Tư lệnh Quân khu trả lời dứt khoát: “Đó là mệnh lệnh, hãy nghiêm chỉnh chấp hành. Không hỏi lại!”.

Cuối tháng 6-1970, Sư đoàn bắt đầu hành quân. Trung đoàn 141 được điều về đội hình của Sư đoàn, thay cho Trung đoàn 21 tiếp tục đứng chân chiến đấu ở Quảng Ngãi. Đến Binh trạm 61, Sư đoàn được lệnh bàn giao lại toàn bộ vũ khí nặng và đạn dược, sau đó theo Đường 559 Tây Trường Sơn ra Bắc. Sau hơn một tháng hành quân, đến giữa tháng 8, toàn bộ Sư đoàn đã tập kết ở vùng rừng núi Bắc Đường 9, thuộc huyện Mường Phìn, tỉnh Khăm Muộn của Lào.

Thời gian này, trên cương vị Sư đoàn phó, tôi cùng một số cán bộ Sư đoàn ra Bắc dự lớp tập huấn cán bộ Quân khu, Binh chủng, Sư đoàn trong toàn quân do Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh mở. Ngày 24-8-1970, lớp tập huấn khai mạc. Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp đến phát biểu chỉ đạo lớp tập huấn, xác định: Đợt tập huấn này phải xác định tư tưởng đánh tập trung, hiệp đồng binh chủng; phải đánh lớn, thắng to, đánh tiêu diệt trung đoàn, chiến đoàn, sư đoàn địch…

Tháng 12-1970, đồng chí Hoàng Anh Tuấn, Sư đoàn trưởng được điều động về làm Tham mưu trưởng Quân khu 5, tôi được trên đề bạt làm Sư đoàn trưởng. Trung đoàn 31 hành quân trở lại chiến trường Tây Nguyên. Ngày 21-1-1971, khi địch chưa mở cuộc hành quân thì Sư đoàn 2 nhận được lệnh của Bộ: “Triển khai đội hình chiến đấu, sẵn sàng đánh địch đổ bộ trong khu vực từ Bản Đông đến Sê Pôn. Nhiệm vụ của Sư đoàn là diệt nhiều sinh lực địch, bắn rơi nhiều máy bay, bảo vệ vững chắc đường vận chuyển chiến lược…”.

Cho đến trước ngày địch mở cuộc hành quân lớn, mọi công tác chuẩn bị của ta từ cấp chiến lược đến các đơn vị đã cơ bản hoàn thành. Trên địa bàn Bắc-Nam Đường 9, Bộ đội 559 đã tổ chức 7 khu vực tác chiến tại chỗ; huy động tham gia chiến dịch 1 sư đoàn và 5 trung đoàn phòng không (có 1 trung đoàn tên lửa của Bộ), 10 tiểu đoàn pháo cao xạ, 25 đại đội và 33 trung đội súng máy cao xạ bố trí thành 8 cụm trên tâm điểm là tam giác Bản Đông - Tha Mé - La Hạp, hình thành lưới lửa phòng không nhiều tầng, nhiều vòng đợi chờ địch. Các mạng đường chiến dịch đã được hoàn chỉnh thêm. Các kho vật chất ở khu vực Đường 9 có hơn 3.000 tấn. Hàng dự trữ chiến lược trên tuyến có hơn 3.000 tấn.

Trước giờ nổ súng chiến dịch, tôi nhận được điện trực tiếp của đồng chí Đồng Sĩ Nguyên, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn hỏi về tình hình đạn dược, lương thực, thông tin... Tôi vui mừng báo cáo: Bộ đội Trường Sơn đã bảo đảm cho Sư đoàn đầy đủ. Nhất định chúng tôi sẽ đánh thắng! Bên kia đầu dây, giọng đồng chí Tư lệnh trầm ấm động viên: Chúc Sư đoàn 2 giành thắng lợi. Phải kiên quyết chặn đứng, bao vây, tiêu diệt không cho địch có đường về!

Ngày 31-1-1971, Mỹ và quân ngụy Sài Gòn bắt đầu cuộc hành quân “Lam Sơn 719” đánh ra Đường 9 - Nam Lào. Chúng đã huy động một lực lượng khổng lồ gồm hơn 40.000 quân ngụy Sài Gòn, trên 6.000 quân Mỹ, với một lực lượng không quân, xe tăng, thiết giáp, pháo binh yểm trợ, hùng hổ đổ quân đánh chiếm các điểm cao dọc theo Đường 9, hy vọng nhanh chóng đánh chiếm Sê Pôn, chiếm giữ Đường 9 đoạn Bản Đông - Sê Pôn lập thành tuyến ngăn chặn cắt đôi Đông Dương, đe dọa miền Bắc Việt Nam, uy hiếp cách mạng Lào và bịt được ‘’con đường sống‘’ của ta vào chiến trường miền Nam.

Địch không ngờ rằng chúng đang lọt vào thế trận đã giăng sẵn của ta. Các lực lượng tham gia chiến dịch được chuẩn bị kỹ càng đang chủ động chờ chúng “chui đầu vào rọ“ để tổ chức những trận đánh lớn, quyết không cho chúng đường về.

Đánh quỵ Sư đoàn 1 Quân đội Việt Nam cộng hòa

Sau khi triển khai chiếm lĩnh xong khu vực tập kết, ngày 8-2, được sự yểm trợ của hỏa lực Mỹ, 7 trung đoàn bộ binh, dù và thiết giáp ngụy hình thành 3 cánh quân vượt biên giới Việt - Lào. Cánh quân chủ yếu tiến theo Đường 9 lên Bản Đông. Hai cánh quân khác đổ bộ bằng máy bay lên thẳng chiếm một loạt các điểm cao ở Nam - Bắc Đường 9, lập các căn cứ, hỏa lực bảo vệ sườn cho cánh quân chủ yếu.

Ngay từ khi địch tiến công, Đoàn 559 đã tổ chức các chốt ngăn chặn ở Cô Bốc, Cô Rốc, các điểm cao 660, 723; Trung đoàn 24 tổ chức chốt ở điểm cao 351, cầu Cha Ky; Sư đoàn 308 tổ chức chốt ở điểm cao 311; lực lượng của B5 và Đặc công Hải quân đánh chìm 9 tàu chở vũ khí của địch ở Xuân Khánh, Vinh Quang, phục kích địch ở Bông Kho, Đầu Mầu, tập kích địch ở Kế Sóc, Ba Lào… Tiếp đó, trên hướng chủ yếu, Binh đoàn 70 đã phản công đánh tan cánh quân của địch ở phía Bắc Đường 9. Đặc biệt, từ ngày 19 đến 25-2, Trung đoàn bộ binh 64 cùng Trung đoàn pháo binh 45 và 1 đại đội xe tăng đã thực hiện thành công trận then chốt tiêu diệt căn cứ 31 của địch ở điểm cao 543, xóa sổ Lữ đoàn 3 dù, bắt sống Đại tá Thọ và Ban Tham mưu Lữ đoàn.

Ngày 4-3, Sư đoàn 1 quân đội Sài Gòn đổ quân xuống chiếm các điểm cao 660, 723, 748 làm bàn đạp chiếm Sê Pôn. Trong đó, Trung đoàn 1 ở điểm cao 723, Trung đoàn 2 và Trung đoàn 3 ở các điểm cao 660, 462 và 651.

Quyết tâm bẻ gãy cánh quân phía Nam, tiêu diệt Sư đoàn 1 địch, không cho chúng tiến lên Sê Pôn, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 2 (thiếu Trung đoàn 31) được tăng cường 1 tiểu đoàn (Trung đoàn 48, Sư đoàn 320), Trung đoàn pháo binh 368 thực hiện trận then chốt tiêu diệt Trung đoàn 1 địch ở điểm cao 723 (nằm trên trục đường vận tải chiến lược 559), tiếp theo là Trung đoàn 2 ở các điểm cao 660, 462.

Sau khi đi trinh sát và nghiên cứu lại, tôi thấy địch đang muốn tiến về Sê Pôn nên đề xuất phương án mới: Đánh ép mặt trước, buộc địch phải rời công sự, kéo về Sê Pôn; ta sẽ dùng 6 tiểu đoàn thực hiện bao vây, đón lõng dọc đường địch hành quân để đánh địch ngoài công sự, tiêu diệt toàn bộ trung đoàn địch. Phương án này được Đảng ủy Sư đoàn và Bộ Tư lệnh chiến dịch chấp nhận.

Đêm 8-3-1971, các lực lượng bao vây, đón lõng bắt đầu triển khai chiếm lĩnh trận địa. Từ ngày 13 đến 15-3, các loại hỏa lực của ta từ cối 82mm, ĐKZ 75, pháo Đ74, cối 160... liên tục bắn vào điểm cao 723. Pháo phòng không của Sư đoàn và chiến dịch cắt đứt đường không. Sau khi phát hiện địch có dấu hiệu rút quân, ngay trong đêm 15, tôi triệu tập Thường vụ Đảng ủy hạ quyết tâm diệt Trung đoàn 1 địch, đồng thời lệnh cho Tiểu đoàn 15 công binh nới vây để địch rút về Sê Pôn, đôn đốc các đơn vị bao vây đón lõng nắm chắc địch, không được bỏ lỡ thời cơ diệt địch.

Vòng vây nới lỏng, sáng 16 địch bắt đầu rút khỏi 723 theo hướng Tây - Bắc để lên Sê Pôn. Tiểu đoàn 4 của Trung đoàn 141 được lệnh lên chiếm lĩnh 723 để đánh vào phía sau địch. Pháo binh được lệnh bắn chặn các ngả đường buộc địch phải dồn vào khu vực ta có lực lượng đón sẵn. Trước thời cơ diệt gọn cả trung đoàn địch, Sư đoàn đã bắn 1.000 quả pháo – gấp 2 lần dự kiến. Khi pháo ngừng bắn, các tiểu đoàn bộ binh được lệnh đồng loạt bám sát địch, thực hành tiến công, chia cắt để tiêu diệt từng cụm địch. Đến 11 giờ ngày 16-3, vòng vây của ta đã siết chặt và Tiểu đoàn 1 của địch đã bị tiêu diệt hoàn toàn, các tiểu đoàn khác của Trung đoàn 1 địch đang ở trong tình trạng hoang mang, dao động, tinh thần rệu rã.

Để vừa tiêu diệt được toàn bộ Trung đoàn 1, vừa không để Trung đoàn 2 của chúng đang ở điểm cao 660 có cơ hội chạy thoát, Thường vụ Sư đoàn đã táo bạo quyết định đưa một phần lực lượng sang vây ép 660. Lực lượng còn lại nhanh chóng tiêu diệt Trung đoàn 1 rồi chuyển sang cùng các đơn vị vây ép, tiêu diệt địch ở điểm cao 660.

14 giờ ngày 16, trận chiến đấu ở khu vực 723 tiếp tục. Bộ đội ta từ các hướng xung phong mãnh liệt tiêu diệt Trung đoàn 1 địch. Từ phía Tây, Trung đoàn 141 đánh xuống. Từ hướng Đông Bắc, Tiểu đoàn 40 Trung đoàn Ba Gia đánh vào. Từ hướng Đông - Nam, Tiểu đoàn Đặc công và Tiểu đoàn C­­­ông binh 15 đánh thốc lên. Trước sức tiến công liên tục của bộ đội ta, Trung đoàn 1 địch dần tan rã và bị tiêu diệt. 10 giờ 30 phút ngày 17-3, Sở chỉ huy Trung đoàn 1 bị tiêu diệt; viên Đại tá, Trung ­đoàn trưởng đã bị bắn chết từ trước đó. Trận đánh ở khu vực 723 kết thúc. Ta diệt và bắt sống 1.700 tên, bắn rơi nhiều máy bay, thu hàng trăm vũ khí và nhiều phương tiện, quân trang, quân dụng.

Tin 723 bị diệt làm binh lính Trung đoàn 2 địch ở điểm cao 660 hết sức hoang mang. Để tránh nguy cơ bị tiêu diệt, chỉ huy cuộc hành quân của địch cho Trung đoàn 2 tháo chạy nhưng đã quá muộn. Trung đoàn Ba Gia vượt qua bom đạn đến khu vực điểm cao 660 và siết chặt vòng vây trước khi quân địch nhận được lệnh tháo chạy. Đêm 20-3, sau khi hội ý với Chính ủy Nguyễn Tá, Trung đoàn trưởng Trần Quang Lập quyết định đưa Tiểu đoàn 40 vừa mới từ 723 về, phối hợp với Đại đội 7 Tiểu đoàn 60 hình thành hai mũi tiến công vào cụm quân địch. 3 giờ 30 phút ngày 21, trận tiến công dứt điểm Trung đoàn 2 địch bắt đầu. Sau một loạt pháo chuẩn bị, bộ đội ta đồng loạt xung phong. Sau hơn ba ngày chiến đấu liên tục, Trung đoàn Ba Gia đã gần như xóa sổ Trung đoàn 2 địch, diệt và bắt sống gần 1.300 tên, thu 4 khẩu pháo 105mm, 54 máy PRC 25, bắn rơi 36 máy bay.

Ngày 23-3-1971, sau khi giải phóng Bản Đông, Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào kết thúc. Trong chiến dịch, Sư đoàn 2 đã đánh thắng hai trận lớn, tiêu diệt Trung đoàn 1 và đánh thiệt hại nặng Trung đoàn 2, như vậy là đã đánh quỵ Sư đoàn 1 bộ binh Quân đội Việt Nam cộng hòa. Chiến công của Sư đoàn 2 đánh dấu một bước tiến bộ mới rất quan trọng của Sư đoàn và góp phần  xứng đáng vào thắng lợi rất to lớn của chiến dịch lịch sử Đường 9 - Nam Lào 1971.

;
.
.
.
.
.