Vận động nhân dân thi đua lao động sản xuất, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội và tạo phong trào giúp nông dân giảm nghèo, xóa nhà tạm, thực hiện an sinh xã hội là những điểm sáng trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” tại huyện Hòa Vang trong thời gian qua.
Hết hộ đặc biệt nghèo
Chính sách an sinh xã hội của địa phương được triển khai đồng bộ đến đồng bào dân tộc xã Hòa Bắc. Trong ảnh: Người Cơtu được hỗ trợ nhu yếu phẩm sinh hoạt. |
Trong năm 2011, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể của huyện Hòa Vang đã lãnh đạo, tổ chức, phối hợp tuyên truyền sâu rộng về các chủ trương phát triển kinh tế của huyện đến cộng đồng dân cư, vận động nhân dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, con vật nuôi, chuyển các mô hình phân tán nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất chuyên canh vùng rau, dưa hấu hắc mỹ nhân, trồng hoa, cây cảnh, trang trại nuôi cá nước ngọt, cải tạo vườn tạp. Những mô hình như sản xuất nấm sò, nấm rơm tại 25 hộ ở thôn Giáng Đông, xã Hòa Châu; xây dựng vùng chuyên canh rau sạch 3 héc-ta tại xã Hòa Nhơn; nuôi cá lóc lồng bè tại xã Hòa Phong; trồng hoa cây cảnh tại thôn Vân Dương, xã Hòa Liên… đã giúp nhân dân tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, từng bước nâng cao năng suất, tăng thu nhập. Bên cạnh đó, các ban, ngành và đoàn thể tập trung vận động nhân dân hưởng ứng và phát huy hiệu quả kinh tế trang trại, mô hình HTX tại 175 trang trại, trong đó 16 trang trại nuôi trồng thủy sản, 59 trang trại chăn nuôi, 49 trang trại trồng rừng, 59 trang trại sản xuất kinh doanh tổng hợp đạt hiệu quả.
Thông qua các phong trào thi đua hướng về cơ sở như: Phong trào xây dựng mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo, mô hình “3 trong 1” do Hội LHPN huyện phát động, phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu”, “Thanh niên xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng” và “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau giảm nghèo”; công nhân với phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” đã góp phần tạo điều kiện cho nông dân và người lao động phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm, vươn lên thoát nghèo. Nhiều hộ đã ổn định kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững. Qua đó, toàn huyện Hòa Vang đã giảm 1.415 hộ nghèo, xóa 100 nhà tạm hộ nghèo và cận nghèo. Đến đầu năm 2012, trên địa bàn huyện đã xóa hết hộ đặc biệt nghèo. Đây là một thắng lợi bước đầu và quan trọng trong quá trình đẩy nhanh chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới đến năm 2020 của huyện Hòa Vang.
Riêng việc thực hiện Chỉ thị 24/CT-TU và Chỉ thị 25/CT-TU của Thành ủy, huyện Hòa Vang đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh, tạo hiệu quả thiết thực, cụ thể, nhất là trong việc giúp đỡ hộ đặc biệt nghèo. Tổng kinh phí vận động hỗ trợ các hộ đặc biệt nghèo, các phương tiện sinh kế năm 2011 hơn 6,5 tỷ đồng.
Vận động tháo dỡ nhà xây trái phép
Thực hiện Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, trong năm 2011, Hội Chữ thập đỏ huyện đã vận động hỗ trợ 306 địa chỉ là các hộ gia đình nghèo, người già neo đơn, trẻ em mồ côi, học sinh nghèo có nguy cơ bỏ học… với số tiền 460 triệu đồng. Tiêu biểu như các mô hình: Hỗ trợ lương thực, tiền hằng tháng, quý, học bổng xây dựng sửa chữa bếp ăn tình thương, hỗ trợ thẻ Bảo hiểm y tế… được các địa phương hưởng ứng tích cực như các xã Hòa Phong, Hòa Phước, Hòa Châu, Hòa Liên, Hòa Nhơn, Hòa Sơn, Chi bộ Phòng Tài chính-Kế hoạch. Tất cả các đơn vị này bằng nhiều phương thức vận động, kể cả việc đóng góp tiền lương hoặc phụ cấp hằng tháng để hỗ trợ cho từng địa chỉ cụ thể, hoặc vận động góp lương thực. Điển hình như ông Phùng Miễn, Hội Chữ thập đỏ thôn Đông Hòa, xã Hòa Châu đã vận động hỗ trợ 5 địa chỉ khó khăn, mỗi địa chỉ 10kg gạo/tháng. Ngoài ra, ông Miễn còn vận động chủ xe đưa tang không lấy tiền khi có người thân trong hộ khó khăn qua đời.
Ông Nguyễn Nhân, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Hòa Vang cho biết, trong công tác dân vận nhằm thực hiện “Năm giải tỏa đền bù, tái định cư và an sinh xã hội”, tính đến nay, toàn huyện có 69 dự án đang triển khai và thực hiện, tổng diện tích đất phải thu hồi gần 8.000 héc-ta. Ở lĩnh vực này, phong trào thi đua “Dân vân khéo” được các địa phương vận dụng thực hiện bằng việc xây dựng mở rộng kiệt, hẻm, đường làng, ngõ xóm theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” được nhân dân hưởng ứng tích cực. Đối với các dự án quy hoạch, tập trung vận động nhân dân không xây dựng nhà trái phép, thực hiện việc giao đất, bàn giao mặt bằng đúng thời gian để thực hiện kịp tiến độ các dự án. Nhờ vậy, có 42 nhà xây dựng trái phép đã được giải thích tuyên truyền, vận động kịp thời nên các hộ đã tự tháo dỡ. Đến nay, tình hình xây dựng trái phép trên địa bàn huyện Hòa Vang không còn tái diễn...
Bài và ảnh: VIỆT DŨNG