.

Dang rộng vòng tay nhân ái

.

Ở phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) có một công ty chuyên nuôi, dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật (NKT), đem lại niềm vui cho những mảnh đời bất hạnh.

Chị Liền hướng dẫn cách thêu cho những người khuyết tật.
Chị Liền hướng dẫn cách thêu cho những người khuyết tật.

“Em vốn là học sinh đi làm thêm để phụ giúp gia đình, chẳng may bị tai nạn lao động mất một cánh tay. Em đang bi quan, buồn chán thì cô chủ dang vòng tay đón em. Mới đầu, cô chủ hướng dẫn em học thêu, học vẽ và tạo điều kiện cho em tham gia các hoạt động thể thao NKT. Em vừa đoạt Huy chương đồng tại Hội thi Bơi lội NKT toàn thành phố. Sau đó, cô chủ cho em đi học nghiệp vụ kế toán, rồi bố trí em làm kế toán của công ty”, em Trần Văn Thạch (trú phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) tâm sự.

Tấm lòng của cô chủ

Cô chủ mà Thạch nhắc đến là chị Nguyễn Thị Liền, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thanh Ngọc Minh (trụ sở ở tổ 51, phường Nại Hiên Đông). Chị Liền là nghệ nhân tranh thêu giỏi và giàu lòng nhân ái. Gần 10 năm qua, hai vợ chồng chị đã dùng nhà riêng và tiền túi của mình để nuôi, dạy nghề cho NKT. Ban đầu chỉ có 4 người học và đến nay đã tăng lên gần 30 người. Việc làm nhân đạo của vợ chồng chị Liền dần dần được nhiều người biết đến và đồng tình ủng hộ. Đầu năm 2011, chị được UBND thành phố bố trí 2 lô đất liền kề với giá ưu đãi trên đường Bùi Dương Lịch (thuộc phường Nại Hiên Đông) nhằm giúp chị có điều kiện xây dựng cơ sở nuôi và dạy nghề cho NKT, trong đó hầu hết đang ở tuổi thanh, thiếu niên.

Phần lớn các em đến với Công ty Thanh Ngọc Minh đều bị khuyết tật về vận động và có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Em Vương Thị Anh (trú phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) bị câm và liệt một chân từ bé. Mẹ của Anh, bà Nguyễn Thị Lan, đưa em đến đây học nghề từ đầu năm 2011. Hằng tuần, Anh ăn ở cùng gia đình chị Liền; đến chủ nhật được mẹ đón về nhà. Tuy mới theo học gần một năm nhưng Anh đã thêu được các bức tranh tĩnh vật rất bắt mắt. Bà Lan cho biết, từ ngày đưa Anh đến học nghề, em hoạt bát, vui vẻ hẳn lên nên gia đình rất an tâm.

Em Trần Thị Hoa Măng (trú phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) cũng bị khuyết tật 2 chân, sau khi học nghề tại Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện (thuộc Hội Chữ thập đỏ thành phố), tiếp tục được chị Liền dạy nâng cao tay nghề trong 3 năm qua. Bây giờ, Hoa Măng đã thêu được những bức tranh đòi hỏi độ khó, có bức bán trên 2 triệu đồng và trở thành trợ giáo cho chị Liền…

Ý chí và tài năng

8 thanh, thiếu niên khuyết tật làm ở Công ty Thanh Ngọc Minh đã miệt mài hơn 5 tháng thêu một bức tranh lớn với chủ đề “Khúc hát thanh bình”. Bức tranh thêu cảnh làng quê Việt Nam, đẹp và giàu tính nghệ thuật, gửi gắm thông điệp về ý chí, tài năng của NKT. Bức tranh được bán đấu giá tại Nhà hát Trưng Vương vào giáp Tết Nhâm Thìn và Công ty TNHH Thương mại Bách Đạt mua với giá 220 triệu đồng.

Ngoài việc thêu tranh lụa, chị Liền còn đầu tư làm các sản phẩm gia dụng từ vải vụn và quần áo cũ như túi xách, tấm chùi chân. “Làm các sản phẩm này, hiệu quả kinh tế không nhiều, nhưng cái chính là tạo cho các em có việc làm thêm và niềm vui trong lao động”, chị Liền nói.  

Những NKT ở Công ty Thanh Ngọc Minh cũng được tổ chức sinh nhật hằng năm nhằm tạo sự vui vẻ và kết nối yêu thương, gắn bó giữa những người cùng cảnh ngộ. Hơn nữa, tất cả các em cùng ăn cơm với gia đình chị Liền như một đại gia đình. Anh Lê Văn Thế, chồng chị Liền, là chủ thầu xây dựng, chia sẻ: “Mình phải cố làm việc, thứ bảy, chủ nhật cũng vẫn đi làm để kiếm tiền nuôi các con. Đôi khi có tổ chức hoặc cá nhân nào đến thăm, hỗ trợ tiền hoặc gạo ăn thì thật quý bởi họ như những người bạn đồng hành của vợ chồng mình”.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM
 

;
.
.
.
.
.