.
Dòng kênh đen giữa phố

Bài 1: Ô nhiễm cả hai mùa mưa, nắng

.

Cứ vào đầu xuân và kéo dài đến cuối thu, khi trời ít mưa và nắng nóng, các dòng kênh cạn nước, đen ngòm bốc mùi hôi thối, phát sinh nhiều muỗi…, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Trong khi đó, những dòng kênh giữa lòng thành phố Đà Nẵng vốn được xây dựng phục vụ mục đích thoát nước, chống ngập úng cho các khu dân cư.

Dân khổ vì nước bẩn

Lòng kênh Phần Lăng 1 và 2 đầy cỏ rác, váng xăng dầu… và càng xuôi về hạ lưu, nước kênh càng đen ngòm.
Lòng kênh Phần Lăng 1 và 2 đầy cỏ rác, váng xăng dầu… và càng xuôi về hạ lưu, nước kênh càng đen ngòm.

Tuyến kênh Phần Lăng 1 và 2 đi giữa hai khu dân cư Phần Lăng 1 và Phần Lăng 2, nối từ khu vực tiếp giáp Sân bay Đà Nẵng đến đường Cù Chính Lan, được đầu tư hàng chục tỷ đồng để kè, chống sạt lở hai bên bờ và hạn chế các tác nhân gây ô nhiễm môi trường, chưa kể tiền đầu tư những cây cầu bắc qua dòng kênh phục vụ đi lại.

Tuy mới đầu xuân, nhưng đứng trên cây cầu bê-tông cốt thép nối liền đường Nguyễn Công Hãng với khu dân cư tổ 30, phường An Khê (quận Thanh Khê) - thượng nguồn của tuyến kênh được kiên cố hóa này, chúng tôi không khỏi rùng mình trước mùi hôi thối xộc vào mũi. Phía dưới cầu, dòng nước cạn chảy róc rách về phía hạ nguồn loang loáng váng xăng dầu. Cỏ và bèo bắt đầu mọc đầy trong lòng kênh mặc dù vào mùa hè năm 2011, cơ quan chức năng đã tiến hành vớt bèo.

Ông Lê Viết Qua (trú tổ 30) bức xúc: “Vào mùa mưa, khu vực này ngập lụt sâu nhất quận Thanh Khê; còn vào mùa nắng, dòng kênh cạn bốc mùi hôi thối, cứ chiều tối thì muỗi bay như vãi trấu vào “tấn công” người khiến nhà nào cũng phải đóng chặt cửa và nước bẩn đến nỗi không con cá nào sống được”. Ông Qua và những người dân đều cho hay: “Nước trong tuyến kênh này chủ yếu đều từ một cống thoát nước thải của Sân bay Đà Nẵng chảy ra. Vào mùa mưa, nước chảy làm ngập lụt khu dân cư. Còn ngày không mưa, nước vẫn chảy và bốc mùi hôi, có váng dầu, bởi đây là nước thải qua sinh hoạt của nhân viên, hành khách và các hoạt động bảo dưỡng, sửa chữa máy bay. Không những thế, người dân sống trên đường Nguyễn Đình Tựu còn thản nhiên vứt rác xuống kênh”.

Dọc tuyến kênh này xuôi về phía hạ nguồn, màu nước đen dần, rác thải cũng nhiều hơn. Tại cầu Đồng Xuân trên đường Hà Huy Tập nhìn xuống dễ dàng thấy lớp bùn lẫn bọt khí nổi lềnh bềnh kín mặt nước cả đoạn kênh dài. Còn tại đoạn từ đường Hồ Tương đến đường Cù Chính Lan, nước kênh đục đen.

Dòng kênh bị đầu độc

Đi dọc các tuyến kênh đen không khó nhận ra những miệng cống nước thải chảy xuống kênh đen ngòm, có cả bọt xà phòng và mùi hôi thối khủng khiếp. Đó là nước thải sinh hoạt của người dân, những nhà hàng, quán nhậu… hai bên bờ và khu vực lân cận. Nặng mùi nhất là nước thải chảy ra từ 2 miệng cống nằm dưới cây cầu của đường Hồ Tương. Bức xúc, người dân đã xúc đất đá lấp một miệng cống, nhưng nước thải vẫn rỉ thành dòng chảy xuống kênh.

Xác cá chết dưới lớp váng dầu máy trong lòng kênh Đa Cô.
Xác cá chết dưới lớp váng dầu máy trong lòng kênh Đa Cô.

Tại kênh Đa Cô (khu vực quận Liên Chiểu), nước đen sì và có nhiều váng dầu máy chảy ra từ một miệng cống. Cách miệng cống chỉ 5m là trụ sở Công ty CP ô-tô Trường Hải - Chi nhánh Đà Nẵng và gần đó là garage sửa chữa ô-tô tải. Song, cách miệng cống chưa đầy 1m là xác một con cá lóc chết lật ngửa trắng bụng.

Trên khắp mặt kênh còn loang loáng váng dầu máy và rải rác những xác cá con chết. Mùi hôi thối đặc trưng của chăn nuôi lợn xông lên nồng nặc từ một miệng cống đen ngòm ở phía đối diện. Một con cá lóc bơi lờ đờ vào sát bờ rồi cũng lật ngửa trắng bụng chết. Một miệng cống khác tuôn ra toàn bọt xà phòng chỉ cách đó khoảng 50m. Một người câu cá chỉ cho chúng tôi ký túc xá sinh viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng và cho rằng, đó là nguồn nước thải có nhiều bọt xà phòng đầu độc dòng kênh.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

 

 

;
.
.
.
.
.