Đúng 35 năm trước, ngày 1-1-1977, hơn 10.000 dân từ 12 phường thuộc quận Nhất (nay là quận Hải Châu), TP. Đà Nẵng theo lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước đã lên Tây Nguyên xây dựng quê hương mới - xã Hòa Thành, nay thuộc huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk. Nhân dịp Tết Nhâm Thìn, đoàn cán bộ lãnh đạo Quận ủy, UBND quận Hải Châu và 13 phường đã lên thăm, hội ngộ với những người con quận Nhất ở xã Hòa Thành và hỗ trợ xây dựng 21 căn nhà đại đoàn kết, hỗ trợ 165 triệu đồng cho ngân sách địa phương, quỹ khuyến học…
Người dân quận Nhất ở Hòa Thành nhận tiền hỗ trợ xây dựng 13 căn nhà đại đoàn kết do cán bộ, nhân dân 13 phường thuộc quận Hải Châu trao tặng. |
Tuyến đường chính dẫn vào xã lầy lội, đầy bụi đỏ ngày nào nay đã được thảm nhựa. Thung lũng với những bãi đất sỏi đá hoang vu sau 35 năm đã phủ xanh với những cánh đồng lúa, mía và rừng cây điều, cà-phê… Ông Nguyễn Đình Sơn, Chủ tịch UBND xã Hòa Thành, 35 năm trước là một cậu bé mới 17 tuổi ở phường Hòa Thuận (nay là Hòa Thuận Đông) theo bố mẹ lên đây xây dựng quê hương mới. Nghe ông kể chuyện và tiếp xúc với những người dân, chúng tôi thầm cảm phục những gian truân, vất vả, đạp bằng mọi khó khăn của hơn 4.000 người dân bám trụ ở lại suốt 35 năm qua, đến nay vẫn còn khó khăn, vất vả nhiều bề.
Với những người dân quận Nhất ở xã Hòa Thành, dấu ấn ngày 1-1-1977 mãi mãi sâu đậm trong tâm trí, đó là ngày tạm biệt phố phường ra đi và hội ngộ nơi miền đất mới Hoà Thành. Ngày ấy, quận Nhất đã tăng cường đội ngũ cán bộ và 1 trung đội tự vệ, cùng 10.000 dân khai phá đất mới để trồng trọt, dựng nhà cửa, ổn định nơi ăn, chốn ở. Được Nhà nước trợ cấp 9 tháng lương thực nhưng người dân phải sang xã bạn để nhận về; đường giao thông, điện lưới, trường học, trạm xá, chợ,… chưa được xây dựng. Muôn vàn khó khăn chồng chất, người dân vốn quen với cuộc sống thành thị về sống giữa vùng rừng núi hoang vu, đèn dầu hiu hắt, không quen với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, lao động sản xuất nông nghiệp nặng nhọc và bọn Phun-rô thường xuyên đến quấy phá, đốt nhà, cướp của, giết hại dân lành…, khoảng 6.000 người dân đã về lại thành phố hoặc đi nơi khác làm ăn, sinh sống.
Với 4.000 dân ở lại, họ bằng lòng với mảnh đất, cuộc sống, lao động ở quê hương thứ 2, đã cùng chung sức chống lại quân Phun-rô xâm nhập, đánh phá (có 2 liệt sĩ, 3 thương binh và 2 tử sĩ hy sinh trong cuộc đấu tranh chống Phun-rô); khai hoang, phát rẫy, biến vùng rừng núi hoang vu thành cánh đồng lúa xanh ngát, xóm làng sầm uất... Bắt đầu từ năm 1979, nhân dân toàn xã dồn sức 60 ngày đêm xây dựng con đập Quyết Thắng dài 250m phục vụ nước tưới cho 20ha lúa vụ đông xuân (1979-1980) với năng suất bình quân từ 2-3 tấn/ha – bước ngoặt sản xuất lúa vụ 2. Năm 1981, người dân toàn xã lại bằng sức lực của mình tiếp tục xây dựng đập 19 tháng 5 dài 850m trong 180 ngày đêm, phục vụ sản xuất lúa 2 vụ với diện tích 180ha. Từ đó, kinh tế của xã đã có những bước phát triển, đột phá về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ, đem lại hiệu quả kinh tế. Tổng diện tích gieo trồng hiện nay là 2.528ha (gấp 2,5 lần so với năm 1977) với gần 400ha lúa, 400ha sắn cao sản, 250ha bắp lai..., tổng sản lượng lương thực đạt 4.186 tấn (gấp 2,7 lần so với năm 1977). Từ năm 1994, xã chú trọng trồng cây công nghiệp, nay có 383ha điều, 330ha cà-phê, 15ha ca cao… Nhân dân trong xã luôn đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Đến nay, xã Hòa Thành có 852 hộ với 4.126 nhân khẩu, số hộ nghèo giảm từ 36,2% (năm 2006) xuống còn 17%. Kỷ niệm 35 ngày thành lập xã, Đảng bộ, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa Thành phát động xây dựng, phấn đấu đạt chuẩn xã văn hóa trong năm 2012.
Lên thăm xã Hòa Thành sau 35 năm, thấy đời sống của những người con quận Nhất ở đây còn nhiều khó khăn, vất vả, Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng đã chi hỗ trợ ngân sách xã 50 triệu đồng; Quận ủy, UBND quận Hải Châu và UBND 13 phường thuộc quận hỗ trợ ngân sách xã 115 triệu đồng; cán bộ, nhân dân 13 phường thuộc quận Hải Châu và phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ hỗ trợ xây dựng 14 căn nhà đại đoàn kết, trị giá 355 triệu đồng và một số công ty có trụ sở trên địa bàn quận Hải Châu đóng góp 175 triệu đồng hỗ trợ xây dựng 7 căn nhà đại đoàn kết; đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Quận ủy Hải Châu tặng cho Quỹ Khuyến học xã 50 triệu đồng… Trước tình cảm, tấm lòng và những món quà ý nghĩa của Đảng bộ, Chính quyền, các cơ quan, doanh nghiệp và bà con quê hương, ông Nguyễn Đình Sơn, Chủ tịch UBND xã và những người con quận Nhất ở Hòa Thành xúc động, nhòe nước mắt…
H.HIỆP-K.VINH