(ĐNĐT) - "Không được để một trường hợp nào chết đuối khi tắm biển Đà Nẵng", Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã nhấn mạnh yêu cầu này tại hội nghị triển khai kế hoạch công tác năm 2012 của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) thành phố tổ chức sáng 21-2.
Đội cứu hộ biển Đà Nẵng (Ảnh: ĐNĐT) |
Ông Nguyễn Bá Thanh cho biết, chưa có dịp đi khắp thế giới để biết bãi biển Đà Nẵng có thực sự là "một trong sáu bãi biển hấp dẫn nhất hành tinh" như bình chọn của tạp chí kinh tế nổi tiếng Forbes (Mỹ) hay không, nhưng qua một số nơi, thấy họ cũng có nhiều bãi biển tuy rất đẹp song nước biển lạnh quá, không tắm được. "Trong khi đó, bãi biển của mình có ưu thế là nước ấm nên rất hấp dẫn du khách", ông Nguyễn Bá Thanh nhận xét.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo ngành VH-TT-DL Đà Nẵng tăng cường trang thiết bị và củng cố lực lượng cứu hộ để bảo vệ an toàn cho khách tắm biển, khi có sự cố xảy ra lập tức can thiệp kịp thời. Ông cho biết, mới đây một tổ chức phi lợi nhuận của Úc đặt vấn đề xin 400m2 bãi biển làm nơi huấn luyện phương pháp cứu người chết đuối nhưng Đà Nẵng đã cấp cả nghìn m2 nhằm tạo điều kiện cho lực lượng chuyên môn học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật tiên tiến, chuyên nghiệp về cứu hộ trên các bãi biển.
Người đứng đầu thành phố yêu cầu "đừng lý sự" khi xảy ra chết đuối ở những nơi được xem là "không phải bãi tắm". "Không phải bãi tắm thì đừng cho tắm, buộc phải vô bãi tắm để có người bảo vệ, cứu hộ. Phải nhớ khi xảy ra chết đuối, báo chí đưa tin thì du khách sẽ sợ không dám tới. Vì vậy không được để trường hợp nào chết đuối khi tắm biển Đà Nẵng. Đây là yêu cầu hơi cao nhưng sinh mạng con người lớn lắm, phải đặt lên hàng đầu nhiệm vụ giữ thương hiệu biển Đà Nẵng "sạch - đẹp và an toàn", ông nhấn mạnh.
Theo ông Phan Minh Hải, Phó Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng (gọi tắt là BQL), hiện đội cứu hộ biển Đà Nẵng có 75 thành viên phụ trách 15 bãi tắm, bình quân mỗi năm cứu hộ khoảng 250 - 300 trường hợp bị nạn khi tắm biển. Từ năm 2009 trở về trước, mỗi năm biển Đà Nẵng có hơn 10 trường hợp đuối nước. Sau khi BQL thả phao, giăng cờ... và tăng cường lực lượng cứu hộ thì năm 2010 không xảy ra trường hợp nào. Nhưng kết quả này chưa thật bền vững vì năm 2011 vẫn có 2 người đuối nước.
"Nguyên nhân chủ yếu là khách tắm biển không tuân thủ hướng dẫn của lực lượng cứu hộ và các biển báo, cờ hiệu, bảng chỉ dẫn trên các bãi biển. Hoặc là họ bơi ra quá xa nên bị đuối sức, hoặc tắm ở những khu vực không được quy hoạch bãi tắm, ở nơi có cờ báo hiệu vùng xoáy nguy hiểm và lại không biết cách tự thoát ra nên nhiều trường hợp khi lực lượng cứu hộ phát hiện được thì đã muộn", ông Phan Minh Hải nói.
Để chuẩn bị cho mùa tắm biển hè 2012, BQL sẽ dựng các ghế thang sát mép nước cho nhân viên cứu hộ dễ quan sát; chuẩn hoá các ký hiệu trên bãi biển theo tiêu chuẩn quốc tế (cờ vàng: an toàn; cờ đỏ: nguy hiểm; cờ vàng đỏ: tiềm ẩn nguy hiểm); tăng cường phao và cờ giới hạn khu vực tắm; đặc biệt là tuyên truyền và bố trí lực lượng thường xuyên cảnh báo, ngăn chặn khách tắm ở những khu vực không được quy hoạch là bãi tắm.
"Chúng tôi cũng sẽ dựng các bảng song ngữ Anh - Việt có hình minh hoạ cho khách dễ dàng nhận biết các vùng xoáy nguy hiểm (không có sóng, nước sẫm màu hơn so với vùng lân cận) và hướng dẫn cho khách tắm biển thoát hiểm bằng cách không bơi vào bờ, sẽ đuối sức do bị dòng nước ngược mà bơi ra rồi bơi sang hai bên khoảng 5 - 7m sẽ có hai cồn cát hai bên theo cấu tạo địa hình đáy của bãi tắm..." - ông Phan Minh Hải cho biết.
Việt Ân