.

Người hàng xóm tốt bụng

.

Người dân ở tổ 22, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, nhắc đến ông Bùi Quốc Luật đầy thương mến bởi sự tận tình, hết lòng sẻ chia của cựu bác sĩ quân y 66 tuổi.

Ông Luật (phải) là người bạn thân thiết như ruột thịt với vợ chồng bà Nguyễn Thị Huấn.
Ông Luật (phải) là người bạn thân thiết như ruột thịt với vợ chồng bà Nguyễn Thị Huấn.

Nói về người hàng xóm, bà Nguyễn Thị Huấn xuýt xoa: “Cả nhà tui mang ơn ông Luật nhiều lắm. Nếu không có ông ấy, hai vợ chồng tui không biết xoay xở ra sao”. Bà Huấn năm nay 78 tuổi cùng chồng bà - ông Trần Văn Gắm 82 tuổi sớm chiều nương tựa vào nhau bởi các con đã có gia đình nên ở riêng. Hai chiếc bóng cứ lặng lẽ ra vào, người này chỉ mong người kia khỏe mạnh.

Vào tháng 5-2005, khi giúp bà Huấn dọn cơm, ông Gắm bỗng ngã vật và được đưa vào Bệnh viện C cấp cứu. Do bị tai biến, tuổi lại cao nên bệnh tình của ông Gắm mỗi ngày một nặng, việc ăn uống phải qua ống dẫn. Hơn 2 tháng ông Gắm nằm viện, ngày nào người bạn già Bùi Quốc Luật cũng lụi cụi đến thăm. Vì bệnh quá nặng, ông Gắm được cho về nhà để gia đình tiện chăm sóc. Các con ở xa nên hai ông bà tính chuyện thuê người thay dây ăn và tiêm thuốc. Tính đi tính lại, lương hưu hơn 2 triệu đồng/tháng mà phải trả cho y tá 3 triệu đồng/tháng. Bà Huấn chưa biết làm sao thì ông Luật bảo: “Để việc đó tui làm cho, hai bác khỏi thuê tốn tiền”.

Vì nằm lâu ngày, người ông Gắm bị lở loét, hôi thối. Nhiều người ngại không đến thăm. Chỉ có ông Luật vẫn lặng lẽ ngày ngày tiêm thuốc, nghiền thuốc, hướng dẫn cho vợ con ông Gắm bơm cháo cho ông suốt một năm. Thậm chí cả việc hút đờm, vệ sinh cho người bệnh, ông Luật cũng xắn tay áo giúp. Ông Luật tâm sự: “Tôi từng làm bác sĩ ở chiến trường, nhiều trường hợp anh em bị nặng hơn thế này. Lúc đó còn không sợ, không ngại, huống chi bây giờ”.

Đến khi ông Gắm ra đi vào tháng 4-2011, ông Luật thay quần áo, tẩm liệm và đưa người bạn già về nơi an nghỉ. Bà Huấn và các con trong lúc đau buồn cứ bối rối nên ngay cả việc bày biện bàn thờ, ông Luật cũng phụ giúp. Rồi từ ngày ông Gắm mất, ngày nào vợ chồng ông Luật cũng sang trò chuyện với bà Huấn, sợ bà vì quá đau buồn mà sinh bệnh.

Hơn 10 năm rong ruổi khắp các chiến trường Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi..., nhiều lần suýt chết dưới mưa bom, bão đạn, ông Luật hiểu sâu sắc về ý nghĩa của cuộc sống. Hàng ngàn thương binh đã được người bác sĩ mặc áo lính này cứu chữa. Sau khi đất nước được giải phóng, ông Luật được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Bệnh viện điều dưỡng Trung - cao cấp tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ). Đến giờ, dù nghỉ hưu, ông Luật vẫn được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ 4c, khối phố An Hiệp, Chủ nhiệm CLB Tư vấn chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở phường An Hải Đông...

Không chỉ với gia đình bà Huấn mà ai nhờ việc gì, như tiêm thuốc, băng bó vết thương, ông Luật cũng hết lòng giúp. Không biết tự khi nào ông trở thành bác sĩ của xóm. Dù nửa đêm hay sáng sớm, ông Luật sẵn sàng đi ngay khi có yêu cầu giúp đỡ. “Mình là thầy thuốc, thấy người bệnh thì không thể không cứu. Với người nghèo, sống tằn tiện vốn đã khổ, nếu thêm khám chữa bệnh thì càng vất vả hơn nên mình giúp được người ta chút nào hay chút ấy”, ông Luật chia sẻ.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.