.

Nơi chắp cánh tương lai

.

Làng Hy Vọng (thuộc địa bàn quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) đã che chở, nuôi dưỡng bao mảnh đời bất hạnh và chắp cánh những ước mơ về tương lai.

Tri ân

Những người được nuôi dưỡng tại Làng Hy Vọng chăm sóc cây cảnh trong làng.
Những người được nuôi dưỡng tại Làng Hy Vọng chăm sóc cây cảnh trong làng.

Đầu năm nay, anh Phan Minh Đức Hoài Chinh, nhạc công trong ban nhạc của Khách sạn Nam Hải (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) đã cùng hơn 10 đồng nghiệp về biểu diễn tại Làng Hy Vọng. Quê ở Điện Ngọc (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), Hoài Chinh được Ban Giám đốc Làng Hy Vọng đón về nuôi dạy từ bé. Trong vòng tay yêu thương, chăm sóc của các cán bộ, nhân viên làng, anh trở thành nhạc công giỏi và biểu diễn nhiều loại nhạc cụ dân tộc. “Tôi muốn bày tỏ niềm tri ân đối với các mẹ, thầy cô đã cưu mang, đùm bọc tôi thời thơ ấu”, Hoài Chinh tâm sự.

Làng Hy Vọng là tên thường gọi của Trung tâm Nuôi dạy trẻ em khó khăn thành phố Đà Nẵng, được thành lập năm 1993 và có gần 500 học sinh trưởng thành. Trực thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố, làng do Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ và Hội Phụ nữ Dân chủ Nhật Bản tài trợ (từ năm 2008 có thêm Công ty Unilever Việt Nam tài trợ), nuôi dạy trẻ em mồ côi cha, mẹ, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng. Các em được nuôi dạy, học nghề (mộc, thêu, may, vẽ, vi tính…) để có thể tạo cuộc sống tự lập sau khi hoàn tất chương trình phổ thông. Em nào thi đỗ đại học, cao đẳng, trung cấp thì được tiếp tục nuôi dưỡng cho đến khi tốt nghiệp.

Làng Hy Vọng hiện có 134 em (trong đó có 24 em khiếm thính), bố trí ở thành 14 gia đình, mỗi gia đình từ 8-10 em với nhiều độ tuổi. Trẻ bình thường đều được học các trường công lập. Các em khiếm thính học văn hóa ngay tại làng cho đến hết lớp 5, sau đó học nghề.

Nhiệt huyết lan tỏa

Điều ít ai ngờ là những người làm việc tại Làng Hy Vọng có mức lương rất thấp, chỉ từ 1,6-1,7 triệu đồng/tháng, trích từ nguồn tài trợ của Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ. Vậy mà gần 20 năm qua, đội ngũ cán bộ, nhân viên trong làng không những chưa có ai bỏ việc mà còn chăm sóc các em nhỏ bằng tình thương yêu, bằng lòng nhiệt huyết với mong muốn mang lại sự sẻ chia với những mảnh đời kém may mắn. Các cán bộ, nhân viên hiểu rằng mỗi cuộc đời, mỗi con người trưởng thành từ Làng Hy Vọng là thành quả của ngôi nhà chung này, là tâm huyết, kỳ vọng mà họ gửi gắm qua từng ngày, từng tháng.  
Lê Ngọc Đức đã trúng tuyển vào Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, rồi được một nhà hảo tâm đỡ đầu đi du học ở Mỹ. Cuộc sống đủ đầy, hiện đại nơi đất khách càng làm Đức nhớ đến các mẹ và thầy cô trong Làng Hy Vọng. Dịp Tết Nhâm Thìn vừa qua, Đức đã dành tiền học bổng gửi về tặng cho tất cả học sinh trong làng, mỗi em một phần quà.

Hai chị em Hồ Thị Hiền và Hồ Thị Lành (quê xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) mồ côi cha mẹ, cùng được đón vào làng năm 1997. Học hết phổ thông, Hiền nay là thợ may lành nghề và được tuyển vào làm tại một nhà may lớn ở quận Thanh Khê. Song, khi làng cần, Hiền đều tự nguyện trở lại làm giáo viên dạy may cho các em khiếm thính. Còn Hồ Thị Lành được Hội Phụ nữ Dân chủ Nhật Bản đưa sang học tại xứ sở hoa anh đào, được đi biểu diễn đàn tơ-rưng và hằng năm vẫn thường về thăm làng với tất cả lòng biết ơn sâu sắc. Anh Lê Ngọc Chẩn và chị Nguyễn Thị Thanh Thúy ngày nào là những học sinh khuyết tật ở Làng Hy Vọng, bây giờ về làng để dạy nghề cho thế hệ đàn em cùng cảnh ngộ.

Và còn rất nhiều trường hợp trở về như Hiền, Lành, Chẩn, Thúy… Với những người đã gắn bó tuổi thơ ở Làng Hy Vọng, mái nhà này vun đắp cho họ niềm tin vào cuộc sống cũng như chắp cánh cho những ước mơ về tương lai.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.