.

Xây dựng mối liên kết vững chắc

Trong cuộc họp báo cáo kết quả và rút kinh nghiệm về việc triển khai thí điểm 2 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tăng cường mối liên kết giữa Công đoàn (CĐ) cấp trên với Công đoàn cơ sở (CĐCS) và người lao động (NLĐ) của LĐLĐ Đà Nẵng, ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó trưởng Ban Tổ chức Tổng LĐLĐ Việt Nam, đánh giá: “Nhóm thí điểm Đà Nẵng đã hoàn thành cơ bản các yêu cầu đề ra trong thí điểm lần này”.

Nhiều bài học

Đây là một trong hai thí điểm mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với ILO (Tổ chức Lao động quốc tế) nhằm xúc tiến các quyền tại nơi làm việc, khuyến khích các cơ hội về việc làm bền vững, tăng cường bảo trợ xã hội và đẩy mạnh đối thoại xã hội về các vấn đề có liên quan tại nơi làm việc.

Qua một năm chọn và triển khai ở ba doanh nghiệp (DN) có hình thức khác nhau là DN Nhà nước, DN tư nhân và DN 100% vốn nước ngoài, kết quả rất khả quan. Năng lực hoạt động của cán bộ CĐCS ngày càng nâng cao về kỹ năng hoạt động CĐ, 100% BCH CĐCS và các tổ trưởng CĐ được trang bị nhiều kỹ năng thương lượng tập thể. Việc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) thực chất hơn, có sự tham gia của NLĐ. Nhận thức của người sử dụng lao động có hướng chuyển biến, có tinh thần hợp tác, hỗ trợ CĐCS hoạt động…

Nhiều bài học kinh nghiệm được các CĐCS tham gia thí điểm và nhóm thí điểm rút ra một cách sâu sắc. Bài học lớn nhất là các nhóm đã tạo ra được phương thức hoạt động CĐ từ dưới lên trên. Tại CĐ Công ty CP XNK Thủy sản miền Trung, với tổng số lao động 971 người, BCH CĐ 7 người và 38 tổ CĐ, một nhiệm vụ được CĐ này đẩy mạnh, đó là tiếp xúc, quan tâm sâu sát đến NLĐ. Những việc làm rất đơn giản như kiến nghị Ban giám đốc giảm cân nặng cho các rổ tải hàng, thay vì 10kg nay giảm xuống 5kg, vừa giúp công nhân giảm bớt mang vác nặng vừa nâng cao hiệu quả sản xuất, lắp đặt các vòi nước sinh hoạt… Chính vì vậy, toàn công ty chỉ có 11 người chuyển việc vì lý do cá nhân đặc biệt. NLĐ đã ý thức được quyền lợi và tham gia vào CĐ một cách tự giác; bầu ra những người có đủ năng lực để đại diện quyền hợp pháp của mình. Từ chỗ thành lập các tổ CĐ, đã trực tiếp cùng CĐCS và CĐ cấp trên thương lượng ký kết TƯLĐTT với người sử dụng lao động.

Sau thí điểm lần này, cần cân nhắc và quan tâm hơn đến vai trò của hệ thống cán bộ cấp trung như máy trưởng, chuyền trưởng, tổ trưởng. Chính họ là những người hoạt động cùng công nhân, sâu sát công nhân nhất nên sẽ dễ chuyển tải được những tâm tư, nguyện vọng đến hệ thống CĐ cấp cao hơn. Tại Công ty TNHH Valley View 100% vốn nước ngoài nên hoạt động của CĐCS và các tổ CĐ thường gặp nhiều khó khăn từ phía chủ lao động. Chính trong những hoàn cảnh khó khăn đó, CĐCS, các tổ CĐ với sự hậu thuẫn của NLĐ và CĐ cấp trên, là tiếng nói quan trọng để đòi hỏi các quyền lợi cũng như thương lượng ký kết TƯLĐTT. Qua 9 lần BCH CĐ đại diện tập thể NLĐ đàm phán, với sự tác động của LĐLĐ TP. Đà Nẵng cùng với khách hàng của công ty và thông qua chủ hàng đã khiến chủ doanh nghiệp đồng ý ký kết TƯLĐTT.

Tăng cường hơn nữa mối liên hệ với NLĐ

Như vậy, với thành công của thí điểm lần này đã đẩy mạnh vai trò hoạt động của tổ chức CĐ trong các DN. Chính CĐ là tổ chức có ảnh hưởng quyết định trong việc thương lượng với người sử dụng lao động về các quyền lợi, chính sách. Đây cũng là điều tất yếu trong xu thế kinh tế thị trường, Nhà nước khó can thiệp sâu vào các chế độ cho NLĐ.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện tại là tiếng nói của CĐCS vẫn chưa đủ mạnh để có thể đại diện cho NLĐ đứng ra đòi hỏi quyền lợi với chủ DN. Nhiều đại diện cho rằng, họ có thể bị chèn ép, tước mất quyền lợi như lương thưởng, thậm chí có thể mất việc. Do đó, cần phải đẩy mạnh hơn nữa sự trợ giúp từ CĐ cấp trên và sự đồng thuận từ NLĐ để hoạt động CĐ trong DN có hiệu quả. Một cán bộ CĐ cho rằng, ngoài những sự trợ giúp tinh thần, cán bộ CĐCS cũng cần có sự quan tâm hơn nữa về chế độ phụ cấp, lương, thưởng vì ngoài hoạt động sản xuất, họ còn kiêm thêm hoạt động đoàn thể, đó là chưa kể đến những trở ngại nếu gặp phải.

Bà Nguyễn Thị Chiến, Trưởng nhóm thí điểm tại Đà Nẵng đánh giá: Về cơ bản, thí điểm lần này đã thu về được nhiều bài học cho việc triển khai trong tương lai. Tuy nhiên, cũng từ thí điểm này đã rút ra được nhiều điểm yếu như: Cán bộ CĐ cấp trên còn mỏng về cả kiến thức và phương pháp hoạt động; cán bộ CĐCS kiêm nhiệm, ít có thời gian đầu tư, NLĐ chưa mạnh dạn nên tiếp cận vẫn khó khăn, DN không tạo điều kiện cho cán bộ chuyên trách CĐ hoạt động… Nhóm thí điểm cũng kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động cần xây dựng thêm chương trình công tác đến các cấp CĐ về nội dung CĐ cấp trên hỗ trợ CĐCS, tăng cường công tác đào tạo cán bộ CĐ từ kinh nghiệm thực tế qua thực hiện thí điểm. Đề nghị dự án hỗ trợ các tổ thí điểm xây dựng tài liệu để tổ chức tập huấn cho cán bộ CĐ ở các đơn vị, bổ sung Luật Lao động, Công đoàn để bảo đảm tính thực thi của pháp luật đối với Công đoàn.

Ông Nguyễn Ngọc Trung cho biết, đại diện của dự án sẽ tiếp thu các kinh nghiệm và các kiến nghị từ thí điểm 2 của Đà Nẵng, trước mắt LĐLĐ TP. Đà Nẵng cần lấy thành công của thí điểm lần này làm nền tảng và tiếp tục nhân rộng.

L.Đ.D
 

;
.
.
.
.
.