LTS: Việc xây dựng Đà Nẵng văn minh, hiện đại gắn với yêu cầu về nâng cao chất lượng cuộc sống là đòi hỏi khách quan của nhân dân. Hàng loạt giải pháp đã được ban hành, hướng đến một thành phố hài hòa, thân thiện, an bình, hấp dẫn và đáng sống. Đây là nội dung của Báo Đà Nẵng tham gia Hội thảo báo Đảng 5 thành phố trực thuộc Trung ương năm 2012 với chủ đề “Báo Đảng và nhiệm vụ góp phần xây dựng thành phố văn minh, hiện đại” do Báo Sài Gòn Giải Phóng đăng cai tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 17-3.
Sau 15 năm đổi mới, đến nay Đà Nẵng có gần 9 cây cầu nối đôi bờ sông Hàn. Cầu sông Hàn là biểu tượng của Đà Nẵng trên con đường phát triển. Ảnh: VĂN NỞ |
Với diện tích 1.255km2, trong đó riêng huyện Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm bất hợp pháp năm 1974 hơn 305km2, dân số gần 1 triệu người, Đà Nẵng đã phát triển mạnh mẽ trong 15 năm qua.
Từ thành phố “5 không” đến “3 có”
Trong lần tiếp đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Chummaly Sayasone vào giữa năm 2011, khi đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết Đà Nẵng cơ bản hoàn thành mục tiêu xây dựng “Thành phố 5 không”: không có hộ đặc biệt nghèo, không có trẻ em bỏ học vì nghèo, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, và không có giết người để cướp của, các bạn Lào đã hết sức ấn tượng. Có lẽ mọi người nơi xa đến đều ngạc nhiên về những đổi thay nơi đây: Những con đường sạch sẽ, ngăn nắp, người đi ô-tô, xe máy trật tự; thành phố không người ăn xin, hàng rong đeo bám du khách; người dân thật thà, thân thiện, quán xá gần như không có hiện tượng “chặt chém” du khách.
Sau năm 2005, Đà Nẵng một mặt tiếp tục đẩy mạnh chương trình “5 không”, một mặt tiến hành cuộc vận động mới “3 có”: có nhà ở, có việc làm và có nếp sống văn hóa-văn minh đô thị. Chương trình này tạo được sự hưởng ứng sâu rộng của nhân dân. Đến nay, đã có gần 10.000 căn hộ cho người thu nhập thấp được xây dựng và một phần trong số đó được thành phố mua để bán lại theo giá ưu đãi cho cán bộ, công chức (và cho nợ trong 13 năm), tất cả phụ nữ đơn thân nuôi con được cấp miễn phí căn hộ
Tôi mong người dân Đà Nẵng ý thức được rằng tất cả mọi người đều có trách nhiệm trong việc xây dựng thành phố. Chúng ta mới có hòa bình chứ thật sự chưa có thái bình. Thái bình là phường trên xóm dưới yên vui, ngủ không sợ trộm vào nhà, không có tội phạm, con người sống với nhau nhân ái, thủy chung và tình nghĩa (Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng NGUYỄN BÁ THANH) |
Năm 1997, khi vừa chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, từ thành phố có cơ chế quản lý như một huyện, tổng thu ngân sách trên địa bàn mới gần 1.000 tỷ, đến năm 2011, con số này tăng gấp 14 lần. Từ chỗ cả thành phố chỉ có hơn 360 con đường có tên, sau 15 năm tăng lên hơn 1.260 con đường có tên. Hầu như tất cả con đường trong nội thị đều được cải tạo, mở rộng, hàng trăm con đường mới, rộng và đẹp được xây mới. Đường Nguyễn Tất Thành, Hoàng Sa, Trường Sa được xem là đường ven biển đẹp nhất nước hiện nay. Diện mạo của thành phố thay đổi, cuộc sống của người dân được cải thiện. Cái khó nhất có lẽ không phải là việc chỉnh trang đô thị dù đó là công việc khổng lồ. Trong hơn 15 năm, Đà Nẵng đã di dời, giải tỏa, bố trí lại chỗ ở mới cho gần 98.000 hộ, chiếm 1/3 tổng số hộ thành phố. Đã có hàng trăm khu dân cư mới được hình thành. Cái khó nhất có lẽ là việc hình thành nếp sống thị dân, văn minh. Câu “quê em từ xã lên phường” một mặt nói lên sự thay đổi nhanh chóng từng ngày, mặt khác phản ánh yêu cầu mới hình thành phong cách, văn hóa đô thị không thể một sớm một chiều tự nhiên mà có được. Nhiều chủ trương đã được ban hành, nhiều biện pháp đã được triển khai để có sự ngăn nắp, trật tự hôm nay.
Từ việc nhỏ nhất là mọi quán ăn đều có thông báo “Xin quý khách vui lòng bỏ rác vào giỏ!”. Ít ai biết rằng việc nhỏ này cũng phải từ Thường trực HĐND ban hành và được thực hiện nghiêm túc cho mọi quán ăn. Đến nay, các quán ăn, ngoài việc không được “chặt chém”, còn dễ dàng nhận ra sự sạch sẽ gọi mời.
Rồi đến việc lớn hơn: Làm sao xóa được một cách vững chắc số hộ nghèo? Chỉ thị của Thành ủy xác định: Hệ thống chính trị của thành phố có trách nhiệm xem việc xóa nghèo, trước hết là số hộ quá nghèo, là nhiệm vụ số một. Đến cuối năm 2011, có 8.131 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn của thành phố) cơ bản không còn. Có 1.304 hộ thoát khỏi cảnh “đặc biệt” nghèo. Mọi người sống có tình với nhau, thành phố thông qua các doanh nghiệp và những nhà hảo tâm giúp những hoàn cảnh éo le có phương kế sinh sống. Cái cần câu trong trường hợp này là hàng trăm xe nước mía, gánh bún giúp các hộ nghèo nhất có điều kiện mưu sinh. Trong gần 90 tỷ đồng lo Tết Nhâm Thìn, thành phố đã dành phần đáng kể để cấp cho hàng ngàn người xích lô, xe thồ 250.000 đồng/người. Cũng trong năm qua, gần 200 hộ nhặt rác với gần 1.000 nhân khẩu tại bãi rác Khánh Sơn đã được chính quyền địa phương đưa đi khám sức khỏe, mua bảo hiểm y tế, hỗ trợ 100.000 đồng/người, lại còn trang bị ủng, găng tay, khẩu trang bảo hộ lao động, tặng áo mưa và lương thực. Nhiều người lâu nay sống trong tận cùng sự vất vả trên bãi rác này đã không kiềm được nước mắt.
Bài toán dân nhập cư
Không lãnh đạo nào ngây thơ “đóng cửa” với dân nhập cư. Ai đó nói rằng Đà Nẵng tư duy “sau lũy tre làng” có lẽ chỉ nghĩ một phía của vấn đề theo kiểu dân túy. Để bảo đảm chất lượng cuộc sống thì không thể không kiểm soát sự bùng nổ dân số. Sẽ là gì nếu Việt Nam sinh đẻ thả cửa? Trong 10 năm qua, bình quân tăng dân số cơ học ở Đà Nẵng khoảng 7 - 8%/năm. Ví dụ, quận Thanh Khê, một quận “bình thường” của Đà Nẵng, hiện có mật độ dân số vào loại cao nhất nước. Để Đà Nẵng phát triển như hôm nay không thể phủ nhận sự đóng góp tận tụy của hàng ngàn giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, hàng chục ngàn công nhân kỹ thuật lành nghề từ mọi miền đất nước hội tụ về. Đà Nẵng đang rất cần sự “nhập cư” của những đối tượng này, càng nhiều càng tốt.
Lãnh đạo quận Liên Chiểu trao quà cho người dân làm nghề nhặt rác ở bãi rác Khánh Sơn. Ảnh: SƠN TRUNG |
Đà Nẵng phát triển và đang phấn đấu là thành phố môi trường đúng nghĩa đòi hỏi phải có cách làm phù hợp. Với diện tích tự nhiên gần 1.000km2, hệ thống kết cấu hạ tầng, bệnh viện, trường học, chợ... chỉ đáp ứng quy mô dân số cho phép thì bắt buộc phải lựa chọn: hoặc “tự do” đến, hoặc buộc phải chấp hành sự phân bổ dân cư theo Luật Tổ chức HĐND. Trong khi đó, ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh muốn nhập cư phải có một số điều kiện, như phải bảo đảm có diện tích chỗ ở tối thiểu 5m2 nhà/người nhưng Đà Nẵng chưa có quy định này.
Giữa 2 cái dở, khôn khéo là chọn cái ít dở hơn. Không thể chấp nhận cảnh 37 người chen chúc nhau trong một “nhà” chưa tới 30m2. Trước đây hơn 10 năm, Đà Nẵng là địa phương duy nhất thông qua quy định bất kể đối tượng nào đua xe thì đều bị tịch thu xe bán lấy tiền ủng hộ xây nhà cho người nghèo. Cả thành phố hoan nghênh. Từ đó, có lẽ Đà Nẵng là thành phố duy nhất không có nạn đua xe trái phép. Dĩ nhiên cũng đã có việc “tuýt còi” cho rằng Đà Nẵng làm sai luật, bởi chẳng có luật nào quy định tịch thu xe đua bán sung công quỹ, làm nhà cho người nghèo. Nhưng Đà Nẵng, vì quyền lợi chính đáng của người dân, vì môi trường văn minh, vẫn xin được tiếp tục thực hiện việc chẳng đặng đừng ấy, bởi cũng chẳng có luật nào cho phép đua xe gây chết người như vậy. Thực tế quản lý đô thị Việt Nam đang đặt ra một cách bức bách những hình thức quản lý phù hợp. Sự bất cập trong quản lý đô thị đặt ra vấn đề: Cần sửa đổi, hoàn thiện Luật Cư trú.
Đà Nẵng không “cấm cửa” tất cả dân ngoại tỉnh, mà chỉ hạn chế một số đối tượng nhất định, trong đó có những người có nhiều tiền án, tiền sự. Và Đà Nẵng chỉ hạn chế nhập cư vào những quận nội thành, nơi dân số hiện quá đông, còn ở ngoại thành thì không hạn chế. Nếu bắt buộc phải chọn, hoặc phải chấp nhận cảnh người bệnh “ngồi” viện, 4 - 5 người một giường, và muốn “nằm” viện thì xuống sàn xi-măng; hoặc buộc phải chấp nhận hình thức phân bổ dân cư phù hợp. Ở đây không có sự phân biệt đối xử. Một xã hội văn minh không thể không tìm cho mình cách giải bài toán nhập cư phù hợp, dù biết rằng có thể không thỏa mãn tất cả. Người dân nơi đây qua sự thử thách của nạn kẹt xe kinh hoàng ở các thành phố lớn, qua tỷ lệ hơn 28% tội phạm là từ người ngoại tỉnh... bắt buộc không thể không tính đến bài toán nhập cư.
Để có được một thành phố hướng đến văn minh, không thể chỉ bắt đầu từ những câu khẩu hiệu hoặc cách làm sáo mòn. Quan trọng không chỉ là có ý tưởng mới mà còn là tìm ra được cách làm mới, phải có quyết tâm chính trị. Nhiều khi chỉ là một việc làm tưởng chừng nhỏ nhưng nếu không kiên trì thì sẽ rơi vào im lặng. Đà Nẵng là nơi đầu tiên dành hàng chục tỷ đồng cho những người hoàn lương vay không lãi để hòa nhập cộng đồng. Năm 2010, lãnh đạo thành phố gặp mặt tất cả các ông chồng hay đánh vợ, giải thích và buộc cam kết “chừa” cái việc xấu hổ là đánh mẹ của các đứa con của mình, hay tổ chức cho hơn 400 trẻ em hư đi thăm Trại giam Hòa Sơn, Trường Giáo dưỡng số 3 và Khu du lịch Bà Nà; rồi cho các em lựa chọn: hoặc vào trường giáo dưỡng, hoặc được tiếp tục vui chơi, thì hơn một nửa các em sau đó có chuyển biến tốt... Hay việc Đà Nẵng dành hơn 250 tỷ đồng để đưa các em học giỏi du học hoặc đào tạo đại học trong nước cũng là cách thu hút rất riêng của thành phố này.
Mặc dù việc hạn chế nhập cư của Đà Nẵng đang gây nhiều tranh cãi, nhưng hầu hết người dân thành phố này đều nức lòng, ủng hộ chủ trương hướng đến một thành phố có môi trường đô thị văn minh, giàu tính nhân văn, có thiên nhiên trong lành và đời sống văn hóa cao.
Ai cũng biết mức sống quyết định lối sống, nhưng lối sống văn minh là kết quả tổng hòa của rất nhiều yếu tố. Trong đó, chính quyền phải có các biện pháp cụ thể, quyết liệt, có ý tưởng mới nhưng phải được sự hưởng ứng của người dân. Và người dân chỉ đồng tình khi họ bảo đảm được quyền lợi chính đáng trong các biện pháp của chính quyền. 15 năm trực thuộc Trung ương, nếu hỏi cái “được” lớn nhất của thành phố là gì? Câu trả lời từ những con đường bình yên, những đêm pháo hoa rực rỡ, sự cần mẫn của người dân mảnh đất “chưa mưa đà thấm” này là: lòng dân. Phải chăng đó là cội nguồn của một đô thị văn minh?
MAI TRẦN