.

Đường lưỡi bò” hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và lịch sử

Theo VnExpress, ngày 6-1-2012, trả lời trực tuyến mạng Tin tức Trung Quốc về tranh chấp trên Biển Đông, Phó Vụ trưởng Vụ Biên giới và Biển, Bộ Ngoại giao Trung Quốc Dị Tiên Lương nói rằng, tháng 12-1947, Bộ Nội vụ Trung Quốc đã ban hành “Bản đồ vị trí các đảo ở Nam Hải”, vẽ “đường nét đứt” và đặt tên cho một số đảo đá, bãi... và chính thức công bố ra bên ngoài vào năm 1948... Đường nét đứt là để khẳng định chủ quyền lãnh thổ và lợi ích biển liên quan của Trung Quốc.

Việc Trung Quốc đưa ra đường yêu sách theo đường đứt khúc 9 đoạn (hay còn gọi là “đường lưỡi bò”) năm 2009 trên Biển Đông đã gây ra rất nhiều phản ứng của các nước trong và ngoài khu vực và bị phê phán trong các cuộc hội thảo quốc tế.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Quý Quỳnh, Vụ trưởng Vụ Biển - Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trả lời phỏng vấn VnExpress rằng: Cho tới trước năm 2009, Trung Quốc chưa bao giờ chính thức đưa ra yêu sách này. “Đường lưỡi bò” hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và lịch sử, vì được vẽ ra một cách tùy tiện, không có tọa độ của các điểm cụ thể và không được quốc tế công nhận. Năm 2009, Trung Quốc lần đầu chính thức đưa yêu sách “đường lưỡi bò” ra LHQ nhưng không có giải thích cụ thể. Ngay sau đó, Việt Nam, và tiếp đến là Indonesia, Philippines đã gửi công hàm lên LHQ để phản đối yêu sách phi lý đó của Trung Quốc. Tại các cuộc hội thảo quốc tế gần đây, rất nhiều học giả quốc tế như Pháp, Bỉ, Mỹ, Indonesia đã chỉ ra tính phi lý của yêu sách “đường lưỡi bò”. Đồng thời, nhiều học giả còn nhấn mạnh rằng, chính yêu sách “đường lưỡi bò” là nguyên nhân gây ra những căng thẳng, phức tạp trên Biển Đông. Cụ thể là:

- Yêu sách “đường lưỡi bò” hoàn toàn đi ngược lại Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc là một bên tham gia; vùng biển mà “đường lưỡi bò” bao trùm không thể là lãnh hải hay vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của Trung Quốc.

- Cho tới nay, các văn bản pháp luật về biển của Trung Quốc đều không đề cập tới yêu sách “đường lưỡi bò”.

- Thực tiễn các quốc gia ven Biển Đông cũng như các quốc gia ngoài khu vực đều phủ nhận yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.
- “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của năm nước là Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia và Brunei.

BIÊN CƯƠNG (Tổng hợp)
 

;
.
.
.
.
.