.

Ngày này cách đây 37 năm

.

Phối hợp với các chiến trường toàn miền Nam, ngày 25-3-1975, Đặc khu ủy Quảng Đà thông qua Kế hoạch Giải phóng Đà Nẵng, với 3 phương án:

- Nếu các đơn vị chủ lực chưa cơ động đến và địch ở trong tình thế tan rã, thì sử dụng lực lượng địa phương kết hợp với lực lượng quần chúng nổi dậy giải phóng Đà Nẵng.

Xe tăng quân giải phóng tiến vào giải phóng Đà Nẵng ngày 29-3-1975.                                                       Ảnh: TTXVN
Xe tăng quân giải phóng tiến vào giải phóng Đà Nẵng ngày 29-3-1975. Ảnh: TTXVN

- Nếu chủ lực Quân khu từ phía Nam tiến ra kịp, thì lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị phối hợp chặt chẽ để tiến công, nổi dậy giải phóng Đà Nẵng.

- Nếu địch co cụm, ta phải tiến công bằng hiệp đồng binh chủng quy mô lớn thì phải chuẩn bị cho quần chúng phối hợp khi có thời cơ.

Ngay sau đó, các Quận ủy và Ban 12 của thành phố nhanh chóng tổ chức lực lượng “lót” vào nội thành để chỉ đạo các lực lượng chuẩn bị khẩn trương và sẵn sàng đợi lệnh hành động.  

Đến ngày 26-3, trên địa bàn Hòa Vang - Đà Nẵng, ta đã thành lập 28 Ban khởi nghĩa, 29 liên trung đội tự vệ, du kích mật.

Ngày 27-3, Huyện ủy Hòa Vang chỉ đạo các khu, các xã sử dụng lực lượng bao vây, tiến công, tiêu diệt các chốt điểm dọc đường 1, đường 14. Bộ đội, du kích và nhân dân Khu 2 tiến công, nổi dậy giải phóng một số xã, thôn phía tây đường 1, bao vây địch ở Nam Ô - Xuân Thiều. Chiều 27-3, ta đã vận động gần 3.000 tân binh ngụy ở Trung tâm Huấn luyện Hòa Cầm rã ngũ. Nhiều đồn địch ở Hòa Vang tháo chạy.

Sáng 28-3, pháo tầm xa của Bộ và Quân khu bắn vào Sân bay Đà Nẵng, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 ngụy, bán đảo Sơn Trà. Các đơn vị thuộc Mặt trận 44 tấn công nhiều mục tiêu quan trọng và tiến xuống Khu 3 Hòa Vang; Sư đoàn 2 (Quân khu 5) đánh chiếm khu vực Bà Rén và theo đường 1 tiến ra Đà Nẵng. Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2) đập tan tuyến phòng ngự phía bắc đèo Hải Vân, vượt đèo tiến vào Đà Nẵng. Sư đoàn 304 (Quân đoàn 2) từ phía tây tiến xuống Hòa Cầm, Phước Tường. Trong khi đó, các Ban khởi nghĩa tích cực vận động binh lính địch rã ngũ, đầu hàng.

Khuya 28-3, Sở Chỉ huy tiền phương của ta đóng tại thôn Quang Hiện, xã Điện Hòa (Điện Bàn, Quảng Nam) nhận được tin địch đã bỏ ngỏ Đà Nẵng, Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà lập tức hạ lệnh thực hiện phương án 2.

Từ rạng sáng 29-3, trên các hướng, quân ta thần tốc tiến vào Đà Nẵng. Ủy ban khởi nghĩa các quận, các phường lãnh đạo nhân dân nổi dậy làm chủ các cơ quan địch và kêu gọi binh lính ngụy đầu hàng. Phía biển Sơn Trà, hàng chục tàu chiến, tàu vận tải của Hạm đội 7 Mỹ vào bốc tàn quân ngụy, bị pháo binh ta đánh trả đã cuống cuồng tháo chạy.    

Tại quận Nhất, lực lượng biệt động, tự vệ tiến vào Tòa thị chính-trung tâm đầu não của ngụy quyền ở Đà Nẵng và kéo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên nóc Tòa thị chính vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 29-3-1975. Tuy nhiên, ở bán đảo Sơn Trà, một số tàn quân địch còn chống cự hòng tìm đường chạy ra biển. Bị ta tấn công quyết liệt, đến 15 giờ ngày 29-3, toàn bộ quân địch đã buông súng đầu hàng. Chiến dịch tiến công, nổi dậy giải phóng Đà Nẵng kết thúc thắng lợi.

LÊ VĂN THƠM

(Tổng hợp từ các tài liệu)

;
.
.
.
.
.