.

“Nhà của bố”

.

Ngôi nhà mang tên “The Father’s House” (Nhà của bố), nhưng không có bóng dáng đàn ông, chỉ có những bà mẹ trẻ cố giấu nỗi đau số phận, chăm sóc con thơ. Nơi đây như chốn dừng chân, giúp họ đủ nghị lực để vững bước.

Những người mẹ trẻ

“Bố” Robert vui đùa với một em bé được sinh ra trong “Nhà của bố”.
“Bố” Robert vui đùa với một em bé được sinh ra trong “Nhà của bố”.

Nhìn Ly (quận Cẩm Lệ) ôm trong tay bé gái mới 5 tháng tuổi, nhiều người có lẽ sẽ lầm tưởng cô gái 16 tuổi này đang ru em. Ly vào “Nhà của bố” (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) từ tháng 6-2011 khi cái thai trong bụng đã khá lớn. Đó là kết quả của mối tình nông nổi với người bạn trai hơn em vài tuổi. Khi nghe tin Ly có bầu, người bạn trai đã “quất ngựa truy phong”. Một mình với cái bụng ngày càng lớn, Ly không muốn về nhà mẹ và dượng để nghe sự chì chiết. Chẳng còn nơi nào để đi, đã có lúc em muốn quyên sinh hoặc phá bỏ bào thai. Thế rồi, trong một lần ngất trên đường, Ly đã được đưa đến “Nhà của bố”, gặp những người cùng cảnh ngộ với mình. “Lúc bước vào ngôi nhà này, em rất sợ hãi vì không tin rằng có nơi nào lại cưu mang, giúp đỡ mình vô điều kiện. Nhưng đến đây rồi, em mới thấy cuộc đời vẫn còn mở lối cho mình. Nếu không có nơi này, đời em không biết sẽ về đâu”, Ly xúc động nói.

Mỗi bà mẹ và một em bé ở “Nhà của bố” được hỗ trợ 1,2 triệu đồng/tháng tiền ăn, 2 lon sữa loại lớn và thức ăn dặm cho bé. Tất cả chi phí đều do “bố” Robert Kalatschan (người Mỹ) lo liệu. Trò chuyện với bà mẹ trẻ đang bồng trên tay một cô bé khá xinh khoảng 3 tuổi mới vỡ lẽ đứa trẻ này là con của một bà mẹ khác đang bận... học nốt lớp 12 ở một trường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Ở đây, mọi người đều coi nhau như chị em ruột thịt. Bà mẹ nào đi học văn hóa, học nghề... thì những người còn lại đều tự giác dọn dẹp nhà cửa, đi chợ, chăm sóc các con. Ngoài ra còn có thêm 2 cô bảo mẫu đã đứng tuổi có nhiệm vụ quản lý, giúp đỡ các em trong công việc. “Khi biết em về đây ở và sinh con, bố mẹ em ngăn cản vì không tin rằng có một nơi tốt như thế. Nhưng nếu em ở lại quê nhà thì bố mẹ già lại càng khó khăn hơn”, Linh (người dân tộc Ca’dong, quê ở tỉnh Quảng Ngãi) vừa ru cậu con trai 4 tháng tuổi vừa nói. Cũng vì lỡ lầm, Linh đã một mình mang thai khi đang học lớp 12 ở Quảng Ngãi. “Em sinh khó nên phải mổ mất hơn 6 triệu đồng. Tất cả đều được bố Robert lo chu tất”, Linh cho biết.

Tình yêu trẻ thơ

Mỗi lần nghe tin “bố” Robert về, mọi người trong nhà đều chộn rộn hẳn. Nào là lên kế hoạch để đi đón bố ở sân bay, nào là chuẩn bị những bộ quần áo đẹp nhất để “diện” ra mắt “bố”, nào là chuẩn bị những món ăn... Như mọi lần, “bố” Robert vẫn mỉm cười đón các con, cháu vào lòng, khen ngợi đứa này mau lớn, đứa kia ngoan, hỏi thăm tình hình sức khỏe các bà mẹ. Bỏ qua mọi sự khó khăn trong giao tiếp vì khác biệt ngôn ngữ, bỏ qua những ngại ngần phút ban đầu, lũ trẻ sà vào lòng Robert, đứa thì sờ má, đứa lại véo tai ông... Còn những bà mẹ trẻ đi đi lại lại nấu nướng, trò chuyện cùng ông như người thân lâu ngày trở về. Phan Nguyễn Xuân Nghi (5 tháng tuổi), con của Ly, nhoẻn miệng cười chào ông. Nghi vừa trải qua cuộc phẫu thuật chi phí hàng chục triệu đồng do bị dư tĩnh mạch tim. “Bố” Robert bảo rằng, dù tốn kém bao nhiêu cũng phải đưa Nghi đi mổ. Và dĩ nhiên ông lo toan mọi chi phí.

Tổ chức “Trả lại tuổi thơ” bắt đầu triển khai hoạt động tại thành phố Đà Nẵng từ năm 2002 với các chương trình hỗ trợ về y tế, dinh dưỡng, giáo dục, xây dựng nhà tình thương, chương trình hỗ trợ xe lăn cho người khuyết tật, nhà nuôi trẻ mồ côi, nuôi trẻ em nghèo bất hạnh và hỗ trợ các bà mẹ đơn thân mang thai ngoài ý muốn...

Thành công trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng ở Mỹ, lấy vợ nhiều năm nhưng không có con, ông Robert khát khao được nghe tiếng khóc của trẻ thơ. Rồi vợ chồng ông quyết định về Việt Nam để nhận con nuôi. Cũng trong chuyến đi này, hình ảnh những đứa trẻ bị bỏ rơi tại các trung tâm khi vừa lọt lòng đã ám ảnh ông. Robert nghĩ mình phải làm một cái gì đó để thay đổi cuộc sống của những đứa trẻ này. Ông đã vận động thêm những người cùng chí hướng và yêu trẻ sáng lập tổ chức “Trả lại tuổi thơ” nhằm giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em ở Việt Nam phát huy tiềm năng thông qua các hoạt động chăm sóc y tế, giáo dục, dinh dưỡng và đặc biệt là mang tình yêu thương đến với các em. “Nhà của bố” là một hoạt động trong chương trình do ông lập và triển khai từ năm 2007 dành cho những người mẹ trẻ, đơn thân, mong muốn có điều kiện nuôi dưỡng con mình và cơ hội thay đổi cuộc đời. Đến nay, có 31 bà mẹ nhận sự giúp đỡ từ chương trình và hiện 12 bà mẹ sống cùng con của mình tại ngôi nhà này. Không chỉ được hỗ trợ về nơi ở, sinh sống và nuôi con, các em lầm lỡ này còn được giúp kinh phí học tiếp văn hóa hoặc học nghề, nhiều em đã tìm được việc làm ổn định, ra ở riêng.

Với Robert, cuộc đời không có con đường cùng, chỉ có những ngã rẽ, những chông gai. Ông đã và đang tạo nên những trang cổ tích với kết thúc có hậu dành cho những mảnh đời kém may mắn ở Việt Nam. Bên cạnh ông là bảo mẫu Nguyễn Thị Mai, yêu thương các em như con cái của mình và bác sĩ Tạo (Trung tâm Phụ sản - Nhi) khám chữa bệnh miễn phí cho các em...

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.