.

“Sốc” với phí giao thông!

Phí bảo trì đường bộ được thu từ ngày 1-6 tới và phí lưu hành phương tiện cá nhân đang được Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) đề xuất làm người dân “choáng”! Câu hỏi được đặt ra là: Việc phí chồng phí có thật sự làm giảm tình trạng ùn tắc giao thông không, hay sẽ trở thành bài toán quá tải cho người dân trong nỗi lo thời bão giá?

Một người sở hữu ô-tô ở Việt Nam đang phải gánh gồng hàng loạt thuế và phí: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, phí trước bạ, phí biển số, phí đăng kiểm, phí xăng dầu (thuế môi trường), phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự… Đó là chưa kể ô-tô sẽ bị thu phí vào trung tâm thành phố trong giờ cao điểm từ 30.000 - 50.000 đồng/lượt. Nếu thêm phí bảo trì đường bộ từ 80.000 - 150.000 đồng/năm với xe máy, từ 180.000 - 1,44 triệu đồng/năm với ô-tô và xe tải; phí lưu hành phương tiện cá nhân từ 500.000 - 1 triệu đồng/năm với xe máy và từ 20 - 50 triệu đồng/năm với ô-tô (áp dụng tại Hà Hội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ) thì quả thật Bộ GTVT đang đẩy khó về cho dân!

Một lãnh đạo Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam đã ước tính nếu những đề xuất của Bộ GTVT được chấp thuận thì người sở hữu ô-tô, xe máy sẽ phải “cõng” gần chục loại thuế và phí. Đối với ô-tô, tổng hợp các loại phí có thể lên đến ít nhất 70 triệu đồng/năm. Đối với nhiều người sở hữu xe máy, việc phải đóng phí lưu hành phương tiện cá nhân từ 500.000 - 1 triệu đồng/năm sẽ tăng thêm gánh nặng lo toan cuộc sống trong khi giá xăng liên tục tăng. Và hơn nữa, không phải tất cả người sử dụng xe máy đều có khả năng “cõng” thêm loại phí này. Trong số đó, với không ít người, xe máy là “cần câu cơm” để nuôi gia đình. Một gia đình có 4 người với 4 chiếc xe máy thì mỗi năm phải nộp phí lưu hành phương tiện cá nhân nhiều nhất là 4 triệu đồng, ít nhất 2 triệu đồng. Như thế, mức thu nhập không thể đuổi kịp thuế cùng phí và việc phấn đấu sở hữu ô-tô với nhiều người dân các thành phố lớn ở Việt Nam xem ra trở thành giấc mơ xa vời!

Trên đường phố các nước và ngay trong khu vực châu Á hầu như chỉ thấy ô-tô và phương tiện công cộng lưu hành. Trong khi đó, theo đề xuất của Bộ GTVT, nước ta lại hạn chế ô-tô, xe máy để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng. Nhưng thực tế, tình trạng xe buýt cồng kềnh phóng nhanh, vượt ẩu, đón, đỗ tùy tiện ở nhiều thành phố lớn vẫn là nỗi kinh hoàng. Vì vậy, giải pháp “đánh vào túi tiền của người dân, buộc người dân hy sinh lợi ích riêng để bảo đảm lợi ích chung của toàn xã hội” (như lời của một lãnh đạo Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam) chưa thật sự tối ưu, thậm chí tước bỏ mong muốn chính đáng của người dân trong việc sở hữu ô-tô cá nhân, đi ngược lại quy luật phát triển, đồng thời dẫn đến hàng loạt hệ lụy cho ngành công nghiệp ô-tô, xe máy khi sức mua giảm.

Theo Bộ GTVT, đây là giải pháp để hạn chế phương tiện cá nhân, giảm tình trạng ùn tắc giao thông. Nhưng dường như Bộ quên rằng, với việc phải gánh quá nhiều loại thuế và phí, một chiếc ô-tô nhập khẩu về Việt Nam trung bình đắt gấp 3 lần so với giá thành của nhà sản xuất. Từ đó có thể nói rằng, mức phí 20 - 50 triệu đồng/năm là không công bằng cho người sử dụng ô-tô. Trong khi ở Mỹ, mức phí này chỉ 150 USD/năm, tức ít hơn từ 10 - 20 lần so với đề xuất của Bộ GTVT.

Giải pháp chống ùn tắc giao thông không thể được giải quyết trong một sớm một chiều, mà đòi hỏi phải được nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm bảo đảm tính khả thi, tính bền vững. Nếu đề xuất trên được ban hành thì có thể chưa thấy giảm ùn tắc ở các thành phố lớn, mà chỉ thấy tăng bức xúc cho dân.

TÚ PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.