.

Việt Nam là Nhà nước đầu tiên xác lập chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa

Theo VOV, Trung Quốc không phải là quốc gia đầu tiên kiểm soát thật sự các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vì thiếu hẳn các yêu cầu mà luật quốc tế thời đó đòi hỏi. Trong khi đó, các tài liệu của Việt Nam cho thấy, Việt Nam không chỉ có sự hiểu biết lâu đời về hai quần đảo này mà còn chiếm hữu thật sự chúng ít nhất từ thế kỷ XVII, là Nhà nước đầu tiên xác lập chủ quyền trên các quần đảo này.

Nhiều sách địa lý và bản đồ cổ của Việt Nam ghi chép rõ Bãi Cát Vàng, Hoàng Sa, Vạn lý Hoàng Sa, Đại Trường Sa hoặc Vạn lý Trường Sa từ lâu đã là lãnh thổ Việt Nam. Toàn tập Thiên Nam từ chí lộ đồ thư, được soạn vẽ vào thế kỷ XVII, ghi rõ trong lời chú giải bản đồ vùng phủ Quảng Ngãi, xứ Quảng Nam: “Giữa biển có một bãi cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng”, “Họ Nguyễn mỗi năm vào tháng cuối mùa Đông đưa mười tám chiếc thuyền đến lấy hóa vật, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn”. Ông Nguyễn Đình Đầu, Ủy viên BCH Hội Sử học Việt Nam chỉ rõ: “Các hải đảo của Việt Nam như Trường Sa, Hoàng Sa được vẽ từ năm 1490 trong Hồng Đức bản đồ. Sau này, nhà Nguyễn (1838) vẽ bản đồ trong Đại nam nhất thống toàn đồ cũng chỉ rõ, ở bên cạnh, gần miền Trung là quần đảo Hoàng Sa, phía dưới ghi là Vạn Lý Trường Sa”.

Chứng cứ kế tiếp xác lập rõ ràng hơn chủ quyền của Việt Nam là bộ sách Phủ Biên tạp lục, cuốn sách của nhà bác học Lê Quý Đôn viết về lịch sử, địa lý, hành chính xứ Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn (1558-1775) khi ông được triều đình bổ nhiệm phục vụ tại miền Nam, chép rõ đảo Đại Trường Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa) thuộc phủ Quảng Ngãi. Đáng chú ý, bộ sách này còn nêu rõ, Nhà nước phong kiến Việt Nam đã tổ chức việc khai thác hai quần đảo đó với tư cách một quốc gia làm chủ. Lê Quý Đôn viết: “Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng ba nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn sáu tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền tiểu câu ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến các đảo ấy rồi ở lại đó. Tha hồ kiếm lượm, bắt chim bắt cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu, như là gươm ngựa, hoa bạc, tiền bạc... Đến kỳ tháng 8 thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp...

Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền tiểu câu ra các xứ Bắc Hải, Cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên, tìm lượm hóa vật của tàu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản”.

Lê Quý Đôn còn ghi lại những sự kiện lịch sử xảy ra trước đó, như một số trận đánh  giữa hạm đội Hà Lan với thủy binh nhà Nguyễn. Các sự kiện này chứng tỏ, thời ấy, nước ta đã rất chú ý tới việc kiểm soát trên biển. Rõ ràng, các tư liệu của Việt Nam cho thấy, Việt Nam đã chiếm hữu thật sự hai quần đảo này ít ra từ thế kỷ XVII khi nó chưa thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nào.

BIÊN CƯƠNG (Tổng hợp)

;
.
.
.
.
.