.

12 năm trước và chuyện một người hôm nay

.
Ông Jim Lachman và các sinh viên trong một buổi giao lưu tiếng Anh.
Ông Jim Lachman và các sinh viên trong một buổi giao lưu tiếng Anh.

Ngày 29-3-2000, Đà Nẵng vỡ òa niềm vui, mừng khánh thành cầu Sông Hàn, có một nhóm sinh viên Mỹ cùng với giáo sư Kenneth Hermmann đến từ Trường Đại học SUNY Brockport New York, hòa trong biển người đó. Họ có lẽ không hiểu hết cội rễ và mọi chiều kích của niềm vui đặc biệt nơi lòng người dân Đà Nẵng, nhưng họ được chia sẻ và họ cũng sẻ chia. Tên nhóm bạn này có trong bảng đồng ở chân cầu vinh danh những người có đóng góp cho công trình được chọn là biểu tượng của Đà Nẵng.

Nhóm sinh viên Mỹ và giáo sư Kenneth Hermmann đã tham dự khóa đầu tiên bắt đầu từ tháng 1-2000 trong một chương trình tìm hiểu nghiên cứu Việt Nam, được thực hiện theo một thỏa thuận hợp tác giữa Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Đà Nẵng và Trường Đại học SUNY Brockport. Công việc được chuẩn bị khá công phu và cũng phải vượt qua không ít trở ngại. Lúc đó, sự hợp tác như thế là rất mới mẻ.

Các sinh viên Mỹ đến ở Đà Nẵng 3-4 tháng, họ được giới thiệu về lịch sử và thiên nhiên, văn hóa và con người Việt Nam (Đà Nẵng), họ được nghiên cứu về thể chế chính trị ở Việt Nam. Họ được tham quan (du lịch) các di tích và danh thắng trên đất nước hình chữ S, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, và đi trong lòng địa đạo Củ Chi, đắm mình trong cảnh sắc tuyệt vời ở Hạ Long và Đà Lạt, tất nhiên có cả những điểm đến nổi tiếng ở Đà Nẵng và gần Đà Nẵng như Bà Nà, Huế, Hội An, Mỹ Sơn...

Họ được dự nhiều lễ hội dân gian, đi chùa và nhà thờ. Họ có một chương trình công tác xã hội khá phong phú, thăm và tặng quà nạn nhân chất độc da cam, nhiều người đã khóc nức nở khi thấy các em nhỏ suốt đời mang nặng những di chứng khốn khổ. Họ đến làng Vân, bãi rác Khánh Sơn chia sẻ với những người bất hạnh. Họ cùng với các xơ (soeur) chăm sóc các cụ già cô đơn ở Mái ấm tình thương. Qua những bài giới thiệu và những trải nghiệm thực tế, họ đã có những thay đổi trong cảm nghĩ với những nhận thức mới về cuộc chiến đã lùi vào quá khứ nhưng còn không ít những hội chứng day dứt.

Khi chúng tôi nói với họ nước Mỹ đã có hơn 200 năm xây dựng nhà nước pháp quyền và cũng đã phải đi qua nhiều chặng đường gian nan, nước Mỹ với GDP bình quân đầu người khoảng gấp 20 lần Việt Nam hẳn là có điều kiện để tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp cho mọi người. Họ thường cười và “không phải là không có vấn đề”, người dân Mỹ không mấy hài lòng về cuộc sống, chuyện chiếm lấy phố Wall là một minh chứng.

Những trải nghiệm của họ nhiều khi thật độc đáo, thú vị. Họ không chỉ nghe về tục ăn trầu khi học về văn hóa Việt Nam mà còn nếm, nhai miếng trầu với nước quết đỏ. Những người mà học kỳ trùng vào dịp Tết thì qua những ngày Tết họ hiểu hơn nhiều về gia đình, quê hương với người Việt. Họ hầu như biết và ăn thử đủ món ăn Đà Nẵng, từ bánh xèo Bà Dưỡng đến thịt heo bánh tráng Mậu và khi tham quan Hà Nội được đưa đến những hàng phở danh tiếng nhất thủ đô, họ lại có nhận xét không thích bằng ăn phở Đà Nẵng, ở đây có giá và rau thơm tự do, thoải mái.

Tất cả mọi sinh viên sau một khóa học khi ra về đều có những tình cảm tốt đẹp, những ấn tượng sâu sắc với Việt Nam, Đà Nẵng. Nhiều người nói nhất định phải làm một việc gì dù nhỏ bé cho Đà Nẵng vì tình hữu nghị.

Tôi luôn cảm thấy họ thật sự tự do thoải mái dù đó là một người rất trẻ trong bộ nhớ không có một khái niệm nào về Việt Nam hay đó là người đã có những ngày trong quân ngũ ở chiến trường Việt Nam. Nhiều bạn siêng làm việc cùng Internet, không ngại ngần khi nêu những ý kiến về những điều mà họ đọc trên mạng trái chiều với các bài giảng. Và tất nhiên là chúng tôi lại tranh biện với họ, tất cả điều tự do thoải mái.

Tôi không nghĩ rằng chương trình hợp tác này đã tạo ra một sự đột phá trong quan hệ hữu nghị. Chương trình quy mô nhỏ, có thể là rất nhỏ, nhưng nó đã tồn tại bền bỉ suốt 12 năm, hai phía ngày càng tin cậy và mong muốn hợp tác lâu dài. Các bạn Mỹ có nói về những khó khăn, suy thoái kinh tế, nạn thất nghiệp, những hạn chế các khoản chi tiêu. Không chỉ riêng với Việt Nam, những chương trình với các nước khác quy mô lớn hơn, thuận lợi hơn cũng phải thu hẹp. Trong  bối cảnh đó, với một quá khứ nhiều u ám về quan hệ Việt - Mỹ, sự tồn tại suốt 12 năm của chương trình khẳng định sức sống và hiệu quả của nó.

Người Indonesia có một câu tục ngữ “Có một kẻ thù đã là nhiều, còn có bao nhiêu bạn vẫn là chưa đủ”. Chúng ta đã có thêm nhiều bạn bè đến với chương trình này và từ họ tình bạn lại nảy nở. Có nhiều bạn qua chương trình đã đến Việt Nam -  Đà Nẵng. Họ làm phim, viết báo, viết sách về chất độc da cam, về cuộc chiến với con mắt mới, chân thực và nhân bản.

Trong khóa học hiện nay của chương trình có một lão sinh viên Jim Lachman, ông đã ngoài 60 tuổi và là một cựu chiến binh Mỹ. Những năm 68, 69 của thế kỷ trước, ông là thợ sửa chữa máy bay, có mặt trong các căn cứ quân sự Mỹ ở Đông Hà, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai.

Đây là lần đầu tiên ông trở lại Việt Nam. Ông chọn chương trình này để có cơ hội trở lại Việt Nam, nơi cách đây hơn 40 năm ông đã đến trong bộ quân phục, giữa những tiếng gầm rú của máy bay, bom rơi đạn nổ khắp nơi. Ngày ấy, ông thoáng thấy đâu đó những gương mặt trẻ thơ rất dễ thương. Con gái ông khi ông đến Việt Nam mới hơn 3 tháng tuổi cũng có gương mặt rất dễ thương, ông muốn đến gần ôm những cháu bé Việt Nam mà không thể nào.

Bây giờ ông thấy Đà Nẵng chẳng còn dấu vết nào của thời ấy, một căn cứ quân sự lớn, một vùng nhà quê. Ở sân bay, nơi mọi sự xây cất đều tạm bợ và đều theo kiểu nhà binh, nay đã là một phi cảng to lớn, hiện đại. Ông nhận xét, Đà Nẵng có nhiều resort và khách sạn, nhà cửa chen chúc và đẹp hơn xưa. Ông đã có biết bao cảm nhận mới mẻ về đất nước và con người ở đây.

Dù kết quả của khóa học này chẳng có một chút tác động đến thu nhập và sự thăng tiến của ông, nhưng ông rất chăm chú nghe các bài giảng. Đôi lúc thấy ông phải chỉnh sửa lại chiếc máy trợ thính nhỏ xíu hay giữa giờ học đã sè sẹ uống mấy viên thuốc? (ai đó nói chí phải thuốc là bạn đồng hành của tuổi già). Tôi cứ thắc mắc hoài tại sao ông dành thời gian và cả tiền bạc để có được những hiểu biết, những tình cảm về Việt Nam vào lúc ông hoàn toàn có quyền nghỉ dưỡng, vui vẻ thanh thản với tuổi già.

Ông đã đến Mái ấm tình thương với Victor Essel, một sinh viên cùng khóa. Ở đây bàn tay thô cứng vụng về của ông chăm chút cắt móng tay cho các bà già và gấp tặng họ những con hạc giấy. Những bà già ấy gương mặt quá nhăn nhúm vì những khổ đau đằng đẵng, đã nở những nụ cười.

Ông đã ôm các cháu nạn nhân chất độc da cam vào lòng với ý nghĩ một người bình thường như ông không cần kiến thức và chứng cớ khoa học cũng thấy rõ Chính phủ Mỹ không thể chối bỏ trách nhiệm trước những mạng sống đáng thương này.

Phải chăng đây cũng là một phương cách để chữa trị hội chứng Việt Nam mà ông tìm đến dù muộn màng nhưng vẫn còn hiệu nghiệm. Ông chia sẻ và được sẻ chia, ông cho mà cũng là nhận, cái ông nhận đó lại giúp ông có sự thanh thản nhẹ nhàng cần thiết cho mỗi con người vào buổi xế chiều.

NGUYỄN ĐÌNH AN
 

;
.
.
.
.
.