.

An toàn phòng cháy chữa cháy: Còn lắm nỗi lo!

.

Thông qua việc đoàn kiểm tra liên ngành của Sở Cảnh sát PCCC thành phố Đà Nẵng cùng các cơ quan, ban, ngành liên quan tổ chức kiểm tra một số cơ sở nhà cao tầng trọng điểm cho thấy vấn đề an toàn PCCC ở những nơi này còn lắm nỗi lo.

Kiểm tra phương tiện chữa cháy tại Trường ĐH Đông Á.
Kiểm tra phương tiện chữa cháy tại Trường ĐH Đông Á.

Theo chân đoàn kiểm tra liên ngành thành phố đi kiểm tra tại một số khách sạn trọng điểm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, chúng tôi nhận thấy đa số các chủ khách sạn vẫn chủ quan trong công tác PCCC tại chỗ.

Khách sạn: Quá nhiều lỗ hổng!

 Khi đến kiểm tra khách sạn Hoàng Anh Gia Lai, cứ ngỡ khách sạn 5 sao thì vấn đề PCCC phải ở tầm “sao”. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra lại rất đáng lo ngại. Hệ thống bơm điện tại khách sạn hoạt động ở ngưỡng 5kg/cm3 nên không đáp ứng được việc chữa cháy ở độ cao trên 50m; bình chữa cháy cá nhân trang bị thiếu; tại tầng 24, do hệ thống bơm bù áp không hoạt động nên lượng nước phun chữa cháy thực hiện chỉ trong 5 phút đã hết. Còn tại khách sạn Bamboo Green (đường Phan Châu Trinh, quận Hải Châu), khi tiến hành kiểm tra cho thấy khách sạn này vẫn còn thiếu khá nhiều phương tiện phục vụ công tác chữa cháy. Một số tín hiệu báo cháy tự động không có khả năng báo cháy khi có hỏa hoạn; vòi phun nước hỏng, số lượng bình chữa cháy xách tay còn thiếu; lực lượng chữa cháy tại chỗ chưa được tổ chức huấn luyện nghiệp vụ...

Ngoài ra, qua kiểm tra tại nhiều khách sạn, nhà cao tầng khác đều không có hệ thống cầu thang chống tụ khói, thiếu cầu thang thoát nạn, các tầng không có cửa ra ban công nên khi xảy ra cháy dễ dẫn đến tình trạng hỗn loạn, giẫm đạp lên nhau và lực lượng cứu hộ khó tiếp cận để cứu người. Theo Đại tá Nguyễn Phong, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC thành phố Đà Nẵng, nhiều khách sạn trên địa bàn thành phố chưa tổ chức diễn tập phương án chữa cháy. Khi hỏi về nguyên nhân thì các chủ cơ sở cho rằng, sợ nhìn cảnh diễn tập khách tưởng cháy thật dẫn đến mất uy tín, giảm lượt khách (!?).

Lý giải tình trạng PCCC yếu kém, Đại tá Nguyễn Phong cho rằng, một phần do nhiều khách sạn xây dựng từ lâu nên không đáp ứng được tiêu chuẩn hiện hành. Bên cạnh đó, một bộ phận đặt lợi nhuận kinh tế lên hàng đầu nên không chú trọng đầu tư phương tiện phục vụ công tác chữa cháy. “Thiệt hại về người và tài sản là điều khó tránh khỏi nếu xảy ra hỏa hoạn khi chủ khách sạn coi nhẹ vấn đề PCCC”, Đại tá Nguyễn Phong nhấn mạnh.

Trường học: Thả nổi!

Không chỉ ở các khách sạn, công tác an toàn PCCC tại một số trường ĐH trên địa bàn thành phố cũng đang bị thả nổi. Trường ĐH Duy Tân (cơ sở đường Nguyễn Văn Linh) được đưa vào hoạt động hơn 10 năm nay. Tại thời điểm đoàn liên ngành kiểm tra, ngoài một số hệ thống PCCC đã lỗi thời, việc trang bị sơ đồ chỉ dẫn về PCCC và hướng dẫn lối thoát nạn chưa có. Hệ thống đèn chiếu sáng tự động không hoạt động, đồng thời chưa thiết kế các trụ nước chữa cháy bên ngoài để phục vụ công tác chữa cháy và cấp nước cho xe chữa cháy. Hệ thống chữa cháy vách tường không hoạt động bởi máy bơm bị hỏng. Trong khi đó, hệ thống báo cháy tự động tại tầng 12 bị hư, tầng 6 chưa lắp đặt; các trang thiết bị tháo dỡ thông thường và các thiết bị bảo hộ chống khói chưa được trang bị. Còn Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng chưa có quyết định thành lập đội PCCC cơ sở; hệ thống báo cháy tự động chưa được lắp đặt, khu vực ký túc xá số 1 và số 2 không có máy bơm chữa cháy; các dụng cụ cứu nạn, cứu hộ thông thường không có nên không đáp ứng được công tác chữa cháy. Ông Hoàng Công Thuận, Phó phòng Kỹ thuật an toàn - Điện lực Đà Nẵng cho biết: “Ngoài việc thiếu phương tiện PCCC, tại khu vực ký túc xá sinh viên Trường ĐH Sư phạm, hệ thống điện đấu nối sử dụng tùy tiện, sử dụng các thiết bị điện có công suất lớn phục vụ cho sinh hoạt, đun nấu không bảo đảm an toàn, dễ xảy ra chập điện gây cháy”.  

Đối với Trường ĐH Đông Á, vấn đề an toàn PCCC còn đáng lo ngại hơn bởi trường không có hệ thống báo cháy tự động, không trang bị máy bơm, một số hành lang thoát nạn bị các đồ vật ngăn cản; không trang bị hệ thống chữa cháy vách tường. Trung tá Trương Quốc Đáng, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC Hải Châu tỏ ra lo lắng: “Nếu cơ sở này xảy ra hỏa hoạn sẽ rất nguy hiểm, bởi chỉ trông chờ vào lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp. Trong khi đó, tại sân trường, xe cộ để dày đặt nên sẽ cản trở việc các sinh viên thoát nạn, hạn chế đến công tác chữa cháy”.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Lê Ngọc Hai, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC cho biết: “Hầu hết những người đứng đầu khách sạn, trường ĐH trên địa bàn thành phố Đà Nẵng chưa thật sự quan tâm đến vấn đề PCCC. Qua đợt tổng kiểm tra lần này, Sở sẽ nhắc nhở, kiến nghị chủ cơ sở đầu tư hơn nữa cho công tác PCCC. Thời gian đến, Sở tiến hành phúc tra, nếu còn  tái phạm thì sẽ xử lý nghiêm khắc...”.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.