Ngày 26-4, Bộ Chính trị họp, cho ý kiến về một số vấn đề về tình hình kinh tế - xã hội bốn tháng đầu năm, mục tiêu nhiệm vụ và giải pháp những tháng còn lại của năm 2012. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN) |
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh, bốn tháng đầu năm 2012, tình hình kinh tế - xã hội có bước chuyển biến, đạt những kết quả tích cực bước đầu, đúng hướng. Các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục phát huy hiệu quả.
Chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp, CPI tháng 4-2012 chỉ tăng 0,05% so với tháng trước và tăng 2,6% so với cuối năm 2011. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng, sản xuất kinh doanh trong điều kiện khó khăn vẫn duy trì tăng trưởng, kim ngạch xuất khẩu ước tăng 22,1% so với cùng kỳ, hoạt động du lịch khá sôi động. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được bảo đảm, các vấn đề bức xúc xã hội được quan tâm giải quyết. Quốc phòng an ninh được tăng cường, chính trị xã hội ổn định.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế quý I/2012 chỉ đạt 4%, thấp hơn so với cùng kỳ và quý IV/2011. Lãi suất tuy đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp còn hạn chế. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp thấp hơn nhiều so với bốn tháng đầu năm 2011.
Số doanh nghiệp ngừng sản xuất hoặc giải thể, nợ xấu của các doanh nghiệp tăng cao. Thu ngân sách nhà nước thấp hơn so với tiến độ các năm trước. Tốc độ tăng nhập khẩu giảm mạnh, ảnh hưởng tiêu cực đến đầu tư và sản xuất kinh doanh.
Tình trạng quá tải ở các bệnh viện, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm còn bức xúc. Tình hình tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, tội phạm, khiếu nại tố cáo của công dân còn diễn biến phức tạp.
Trên cơ sở làm rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan của những tồn tại, hạn chế, đi sâu phân tích, dự báo tình hình, tại cuộc họp, các ý kiến tập trung thảo luận về giải pháp điều hành phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2012. Các ý kiến đều khẳng định nhất quán mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên, các giải pháp điều hành phải đồng bộ, linh hoạt, mềm dẻo, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, không để lạm phát tăng cao trở lại.
Nhiều ý kiến cho rằng cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp có thị trường tiêu thụ và năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, thực hiện tốt các trọng tâm đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh.
Bên cạnh đó, cần kết hợp hài hòa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, trên cơ sở thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chủ động, kinh hoạt, chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả. Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là cần thiết nhưng không vội vàng, ồ ạt; cần hài hòa giữa lợi ích doanh nghiệp và lợi ích ngân hàng. Nhiều ý kiến đề nghị cần đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế theo tinh thần Kết luận Hội nghị Trung ương 3 (Khóa XI).
Tuy nhiên, giải pháp thực hiện chưa đủ mạnh nếu chỉ dừng lại ở mức rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách về đầu tư, mà cần có cơ chế chính sách mới, mang tính định hướng để đưa nền kinh tế từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu.
Các ý kiến cũng đề nghị tập trung nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phải khoan sức dân, quan tâm giải quyết thấu đáo các vấn đề bức xúc xã hội, phòng chống tội phạm, giảm tai nạn và ùn tắc giao thông..., nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng, tiêu cực.
Kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm. Trên cơ sở nghiêm túc quán triệt và tổ chức triển khai các Nghị quyết, Kết luận của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Việt Nam đã giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện còn nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng lưu ý cần đánh giá đúng thực tế, sát với diễn biến tình hình và căn cứ vào các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, so sánh với các năm trước để thấy rõ kết quả đã đạt được, những mặt còn tồn tại, hạn chế; đồng thời phân tích xu hướng sắp tới, thuận lợi và khó khăn để có giải pháp phù hợp, nhằm thực hiện tốt nhất các mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra.
Cùng với phát triển kinh tế, cần giải quyết thỏa đáng các vấn đề xã hội, vì mục tiêu phát triển bền vững, để mọi người dân đều được hưởng lợi từ quá trình tăng trưởng.
Ghi nhận những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội từ đầu năm đến nay, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ đây mới là những kết quả bước đầu. Trong những tháng còn lại của năm 2012 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đang nổi lên.
Để đạt được các mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra cả về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng và đối ngoại, cần sự đồng thuận, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi các giải pháp điều hành phải sát hợp với diễn biến tình hình thực tế, linh hoạt và hiệu quả.
Tổng Bí thư đề nghị trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp tại cuộc họp, Ban cán sự Đảng Chính phủ hoàn thiện báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội bốn tháng đầu năm, các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong những tháng còn lại của năm 2012, để báo cáo Ban chấp hành Trung ương và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp sắp tới.
TTXVN