.
CCB NHỚ LẠI

Nhớ trận chống càn ở Cồn Tiên năm 1967

.

Đại tá Cao Xuân Đại (ảnh) (phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu) đã kể lại một chiến công xuất sắc trong thời “Ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam”.

...Năm 1967, tôi là chiến sĩ của Tiểu đoàn 4, thuộc Trung đoàn 812, Sư đoàn 324, đóng quân tại Đặc khu Vĩnh Linh. Hồi đó, đơn vị tôi và nhiều đơn vị khác thường xuyên nhận lệnh vượt sông Bến Hải, qua bờ Nam đánh địch và được gọi là “Ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam”.

Cuối tháng 8-1967, đơn vị đang huấn luyện thì nhận lệnh bí mật hành quân vào chặn đánh quân Mỹ từ Đông Hà càn lên Cồn Tiên (Quảng Trị). Vào đến nơi, Trung đoàn triển khai đội hình thành thế chân kiềng trên các điểm cao 84, 88 và bình độ Bà Nghén (thuộc khu vực Hồ Khê-Cam Lộ) để đón đánh địch.

Đến ngày 9-9, vẫn chưa phát hiện địch, Trung đoàn tổ chức một bộ phận nhỏ đánh nhử. Trúng kế, sáng 10-9, một tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ từ Đông Hà kéo lên, tràn vào trận địa Tiểu đoàn 6 và một cánh khác tiến vào trận địa Tiểu đoàn 5. Anh em bình tĩnh để địch lọt vào trận địa mới đồng loạt nổ súng. Tại cao điểm 88, Tiểu đoàn 5 trở thành bộ phận “chặn đầu”. Tiểu đoàn 4 từ cao điểm 84 xung phong đánh mạnh vào sườn phải quân địch. Từ dốc Bà Nghén, Tiểu đoàn 6 tức tốc vận động tấn công, tạo thành bộ phận “khóa đuôi”. Pháo binh Trung đoàn bắn cấp tập, hỗ trợ cho bộ binh xung phong.

Quân địch dựa vào thế mạnh hỏa lực và có xe tăng yểm trợ, ngoan cố chống trả. Chúng co cụm tại đồi không tên, tổ chức phản kích. Trận đánh càng lúc càng quyết liệt. Tiểu đoàn 4 chúng tôi xung phong mấy lần đều bị đánh bật lại. Vừa lúc đó, Cụm Pháo binh chiến dịch từ phía Nam cao điểm 88 kịp thời chi viện, bắn trúng bộ phận chỉ huy của tiểu đoàn địch. Quân ta tiếp tục tấn công. Ba tiểu đoàn hình thành thế bao vây địch tại đồi không tên. Tiếng hô xung phong vang rền trên các hướng.

Tiểu đoàn 4 lập một tổ thọc sâu gồm 4 đồng chí, trong đó có tôi, do Trung đội trưởng Nguyễn Trường Thanh chỉ huy, nhận nhiệm vụ nhanh chóng cơ động đánh vào sở chỉ huy địch, nhằm làm rối loạn đội hình của chúng. Cả tổ vượt qua các mục tiêu bên ngoài, đột thẳng vào bộ phận chỉ huy địch. Tôi vừa vận động, vừa quét trung liên, tiêu diệt nhiều lính Mỹ. Đối phương ngoan cố chống cự, làm một chiến sĩ của ta hy sinh và một bị thương nặng. Còn lại tôi và đồng chí Thanh tiếp tục xông lên. Thanh trúng đạn bị thương, bị 2 lính Mỹ nhảy xổ tới đè lên người, toan bắt sống. Thật nhanh, tôi chĩa súng, bắn gãy chân 2 tên này, rồi vọt tới kéo bật chúng ra, cứu được Trung đội trưởng. Hai lính Mỹ quay lại vật tôi, nhưng cả hai đã bị tôi hạ gục. Tôi tiếp tục bắn vào tốp địch đang cố thủ tại đây và rồi chúng bắn tôi bị thương. Tuy vậy, tôi vẫn cố sức ghì súng bắn liên tục. Một lát sau, đội hình tiểu đoàn kịp đến, tiêu diệt địch cố thủ và khẩn trương đưa thương binh về tuyến sau...

Trận đánh đó, tôi được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ cấp 2” và được thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì.

Ngày 21-9-1967, Trung đoàn được lệnh trở ra Bắc làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và để lại một bộ phận duy trì hoạt động đánh nhỏ, lẻ nhằm tiêu hao sinh lực địch, hỗ trợ cho lực lượng vũ trang địa phương. 

Sau khi nghỉ hưu, Đại tá Cao Xuân Đại nhiều lần cùng con trai đi tìm những nơi chôn cất đồng đội hy sinh ở các chiến trường và đến nay đã tìm được hơn 1.300 mộ liệt sĩ. Người cựu chiến binh này đã được đề nghị phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

MINH NGỌC ghi

;
.
.
.
.
.