.
ĐỪNG IM LẶNG TRƯỚC BẠO LỰC GIA ĐÌNH

Xấu chàng, hổ ai?

.

Quan niệm “đèn nhà ai nhà nấy rạng” hay “xấu chàng, hổ ai?” dường như đã ăn sâu vào nếp nghĩ của chị em. Vì vậy, những trận đòn của các ông chồng chỉ được phát hiện khi... nước đã vỡ bờ.

Cán bộ Hội LHPN quận Sơn Trà tư vấn về hạnh phúc gia đình cho một phụ nữ.
Cán bộ Hội LHPN quận Sơn Trà tư vấn về hạnh phúc gia đình cho một phụ nữ.

“Chồng dạy vợ là bình thường” (!?)

Lấy chồng từ thuở... 18, đến nay chị N.T.H (24 tuổi, ở quận Sơn Trà) đã có 3 mặt con. Chị H. chỉ đảm trách nhiệm vụ nuôi dạy đàn con thơ cũng mệt bở hơi tai. Còn chồng chị, thu nhập từ chiếc xe tải nhỏ đi chở hàng thuê tạm đủ sống. Tất bật với việc gia đình, chị H. đâm lơ luôn “chuyện ấy” hoặc làm... cho xong. Chồng chị thay vì cảm thông với vợ và cùng nhau cải thiện tình hình thì lại sinh ra chán nản, cáu gắt, “đá thúng, đụng nia”. Rượu vào lời ra, không kiềm chế được, anh đã đánh vợ để trút những nỗi giận dữ vô cớ. Đã nhiều lần, với lý do bị ốm, chị H. phải bịt mặt kín mít dù chỉ ra đầu ngõ mua bó rau. Về đến nhà, chị bỏ khăn để lộ khuôn mặt sưng húp, bầm tím, ôm lấy các con mà nước mắt chảy dài. Bố ruột chị qua thăm, xót con liền mắng con rể một trận, dọa lên phường tố cáo nhưng chị H. ngăn lại. “Bố đừng nói với ai, người ta biết thì cười cho. Vợ chồng có gì bảo nhau. Chỉ là những mâu thuẫn hằng ngày thôi mà”, chị H. can bố.

Còn với chị L.T.P.O (35 tuổi, trú quận Ngũ Hành Sơn), sự việc chỉ lộ ra khi chồng đến trường tìm vợ để “hỏi tội” do nghi ngờ chị có tình cảm với người đàn ông khác. Chồng chị O. trước cũng là giáo viên nhưng phải nghỉ sau khi bị tai nạn giao thông. Ở nhà, anh chồng sinh ra nghĩ quẩn, nghi ngờ vô căn cứ. Mỗi khi thấy vợ sửa soạn để đi dạy hay đi ra ngoài thì anh ta liền nổi cơn ghen bóng gió. Rồi những cái tát, cú đánh cứ nhiều thêm theo những nỗi hoài nghi. Sự việc lên đến đỉnh điểm khi xe chị O. bị hỏng, phải đi nhờ xe một đồng nghiệp nam. Sau lần đó, anh thường tìm cớ đến trường chị kiểm tra, gây sự khiến chị xấu hổ phải xin nghỉ dạy mấy ngày. Khi nhà trường phối hợp với cán bộ phụ nữ địa phương đến can thiệp thì anh bảo: “Chồng dạy vợ cũng là chuyện bình thường. Mắc chi các chị can thiệp cho mệt”. Có người khuyên chị O. ly hôn để thoát khỏi đau khổ, chị thở dài: “Em còn hai đứa con. Các con em không thể không có bố”.

Cần hành động!

Theo bà Phạm Thị Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn dịch vụ dân số - kế hoạch hóa gia đình thành phố Đà Nẵng: “Quan niệm chuyện nhà ai nhà nấy biết đã khiến quan hệ gia đình xảy ra nhiều hậu quả đáng tiếc khi chị em bị chồng bạo hành do không được ngăn chặn kịp thời”. Nguyên nhân sâu xa nhất của bạo hành gia đình vẫn do tư tưởng trọng nam khinh nữ. Tính nhẫn nhịn, chịu đựng và phục tùng chồng đôi khi lại khiến việc bạo hành càng tăng thêm. Điều đáng nói, bạo hành không chỉ ảnh hưởng đến vợ, chồng mà còn ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách con trẻ. Không ít các vụ vi phạm pháp luật do thanh-thiếu niên hư gây ra mà nguyên nhân sâu xa do ảnh hưởng của gia đình khi bố mẹ ly dị, bạo hành...

Bà Hoa cũng cho rằng, ngoài tính cam chịu thì trình độ văn hóa thấp, ít hiểu biết về quyền của mình khiến chị em không đấu tranh. Thậm chí, có những người bị bạo hành còn không biết mình là nạn nhân của hành vi vi phạm pháp luật (đánh vợ) mà chỉ nghĩ rằng vợ chồng mâu thuẫn là chuyện bình thường. Việc sợ mang tiếng bị chồng bỏ hoặc lo con không có bố khiến nhiều phụ nữ cố níu kéo cuộc hôn nhân không hạnh phúc dẫn đến kết cục bi thảm. Do vậy, theo bà Hoa, vấn đề tuyên truyền vẫn phải được đặt lên hàng đầu bởi trước tiên chị em phải tự cứu mình, hoặc ít nhất kêu cứu thì cộng đồng mới có thể can thiệp. Khi là nạn nhân của bạo hành, chị em có thể điện thoại số 0511.3892558 (Hội LHPN thành phố), 0511.3639777 (Công an thành phố), 0511.3891120 (Trung tâm Trợ giúp pháp lý), 0511.3889676 (Sở Tư pháp), 0511.3832253 (Sở VH-TT&DL).

Bài và ảnh: KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.