.

Giáo dục lớp trẻ bằng việc làm cụ thể

.

“Nhờ nghe các bác cựu chiến binh (CCB) nói chuyện nhiều lần về truyền thống, em đã biết rõ những kỳ tích tại Khu căn cứ cách mạng Huyện ủy Hòa Vang và nhiều địa danh khác; qua đó, em thấy mình cần phải nỗ lực phấn đấu để xứng đáng với sự hy sinh của cha anh và góp phần xây dựng quê hương”. Đó là tâm sự của anh Trương Thanh Quang (trú thôn Đông Lâm, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) khi nói về các CCB nơi đây. Nhiều bạn trẻ ở xã miền núi này cũng có suy nghĩ như anh Quang và cùng khẳng định vai trò của CCB trong việc dìu dắt họ phấn đấu trưởng thành.

CCB và tuổi trẻ Hòa Phú cùng tham gia hoạt động thể thao. TRONG ẢNH: Thi đi xe đạp chậm ở xã Hòa Phú.
CCB và tuổi trẻ Hòa Phú cùng tham gia hoạt động thể thao. TRONG ẢNH: Thi đi xe đạp chậm ở xã Hòa Phú.

Trong khi đó, chị Phạm Đình Thị Nguyên bộc bạch: “Em ở Phú Túc, nhưng đâu biết ngay trên địa bàn thôn mình từng có một trận đánh kiên cường, diệt gọn cả đại đội Mỹ. Nhờ được Hội CCB xã tổ chức nói chuyện truyền thống và gặp nhân chứng lịch sử, nên em mới biết về chiến công vang dội năm xưa. Người chỉ huy trận đánh ấy là bác Trần Thanh Bình, hiện trú tại xã Hòa Phong...”.

Hội CCB xã Hòa Phú coi trọng giáo dục thế hệ trẻ bằng những việc làm cụ thể, với nhiều hình thức. Những người lính Cụ Hồ năm xưa đã cùng với đoàn viên, thanh niên trồng hàng trăm cây cau ở hai bên đường vào Khu căn cứ cách mạng Huyện ủy Hòa Vang. “Mình giáo dục thanh niên về phong trào xanh - sạch - đẹp, về bảo vệ cảnh quan môi trường, nếu chỉ nói trong hội nghị thì ít tác dụng, nhưng tổ chức cho CCB cùng thanh niên trồng cây xanh thì tác động ngay đến nhận thức của các em!”, Chủ tịch Hội Trương Văn Sanh chia sẻ.

Ở xã Hòa Phú, con của hội viên CCB trong độ tuổi Đoàn phải gương mẫu tham gia sinh hoạt Đoàn và làm nòng cốt trong phong trào thanh niên. Đây là một chỉ tiêu thi đua trong chương trình công tác hằng năm của Hội CCB xã.

Những CCB ở Hòa Phú nhiều lần đưa thanh-thiếu niên đến tham quan các di tích, gặp gỡ nhân chứng lịch sử, tham gia các hoạt động về nguồn..., qua đó khơi dậy niềm tự hào về quê hương, đất nước trong thế hệ trẻ và từ đó lớp trẻ ý thức về trách nhiệm của mình. Bí thư Xã Đoàn Lê Văn Thân chia sẻ: Lúc đầu, nghe nói “Hòn đá Non Nước”, “Hòn đá Đà Nẵng”, các bạn trẻ không biết vì sao ở xã mình lại có những cái tên như vậy. Nhờ được CCB đưa đi tham quan Khu căn cứ Huyện ủy Hòa Vang nằm trên địa phận thôn Phú Túc. Trên đường đi, các bác dừng lại, giới thiệu nên mọi người hiểu rằng, khi đi lên khu căn cứ, đến vị trí có một tảng đá lớn, đứng ở đấy trông thấy núi Non Nước thì gọi là “Hòn đá Non Nước”; tiếp tục đi lên, đến chỗ có tảng đá lớn, nhìn xuống thấy bóng dáng thành phố Đà Nẵng, thì gọi là ‘Hòn đá Đà Nẵng”...

Thông qua hoạt động thực tế, mỗi năm CCB Hòa Phú đã dìu dắt, bồi dưỡng, giúp đỡ hàng chục thanh niên ưu tú đứng vào hàng ngũ của Đảng, đồng thời giáo dục, cảm hóa nhiều thanh - thiếu niên chậm tiến. Đặc biệt, Hội CCB Hòa Phú đã cử 20 hội viên có nhiều kinh nghiệm về công tác thanh niên làm đoàn viên danh dự (ĐVDD), có nhiệm vụ trực tiếp tham gia và hướng dẫn hoạt động cho BCH chi đoàn ở các thôn. ĐVDD Võ Hữu Thanh ở thôn Hòa Phát vừa chăm lo củng cố đội ngũ cán bộ chi đoàn, vừa cùng với BCH chi đoàn vận động thanh niên tham gia sinh hoạt Đoàn, đưa phong trào thanh niên chuyển biến mạnh mẽ. Còn ở An Châu, ĐVDD Nguyễn Văn Vân chú trọng hướng dẫn chi đoàn tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao và nhiệt tình vận động kinh phí hỗ trợ chi đoàn, đưa chi đoàn thôn này nhiều năm dẫn đầu phong trào thi đua của tuổi trẻ toàn xã...

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.