.

Giáo dục tại nhà, phòng ngừa từ xa

.

Thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU của Thành ủy, quận Cẩm Lệ xác định việc giúp đỡ các thiếu niên hư, vi phạm pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội trong thanh-thiếu niên hiện nay. Với phương châm “đến từng nhà, cảm hóa từng người”, nhiều thiếu niên hư, vi phạm pháp luật đã trở thành những người tốt có ích cho gia đình và xã hội.

Các thiếu niên hư, vi phạm pháp luật đã tiến bộ đang trao đổi những khó khăn với các hội viên Hội CCB quận Cẩm Lệ.
Các thiếu niên hư, vi phạm pháp luật đã tiến bộ đang trao đổi những khó khăn với các hội viên Hội CCB quận Cẩm Lệ.

Theo Quận ủy Cẩm Lệ, trong năm 2011, toàn quận có 42 thiếu niên hư, vi phạm pháp luật thì đến nay đã giáo dục 24 em tiến bộ. Trong số 18 em còn lại chưa ngoan thì có 10 em quá tuổi quận quản lý, còn 8 em hiện đang được các cấp hội, đoàn thể tiếp tục quan tâm, kèm cặp và phấn đấu đến cuối năm nay trên địa bàn quận không còn thiếu niên hư, vi phạm pháp luật. So với con số 56 em vi phạm pháp luật trong năm 2010 thì số thiếu niên hư, vi phạm pháp luật trong quý 1-2012 đã giảm đáng kể. Ngoài một số trường hợp buộc phải đưa vào trường giáo dưỡng, thì đa số các em được giáo dục tại gia đình và tại phường. Hầu hết các em vi phạm pháp luật là do trộm cắp tài sản, đánh nhau gây rối trật tự, cố ý gây thương tích, cướp giật, cưỡng đoạt tài sản...

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) quận Cẩm Lệ cho biết, hằng tháng Hội CCB quận giao ban với Công an quận để phân công phối hợp với gia đình và các đoàn thể theo dõi, quản lý. Các em vi phạm chủ yếu dưới 16 tuổi, đã nghỉ học nhưng chưa có việc làm ổn định nên dễ tái phạm. Trong tháng 4-2012, Hội CCB quận tiếp tục cùng với các Hội CCB phường, tổ dân phố khảo sát và nắm danh sách các đối tượng không đi học và các em chuẩn bị tốt nghiệp trung học cơ sở. Bởi nếu sau khi rớt tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc không đậu vào các trường trung học phổ thông, những đối tượng này dễ trở thành thiếu niên có nguy cơ vi phạm pháp luật và rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của gia đình và xã hội.

Theo ông Thành, hiện nay một số em còn lại chưa tiến bộ là do thiếu sự quan tâm, kèm cặp của gia đình, nhiều em vẫn còn mặc cảm, tự ti với bản thân. Do đó, Hội CCB quận rất quan tâm đến các em và thường xuyên tổ chức gặp mặt phụ huynh và các em để động viên, trao đổi, trò chuyện nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Trong năm qua, quận đã tham gia với thành phố tổ chức cho 26 em vi phạm pháp luật đi tham quan Khu du lịch Bà Nà để cảm hóa giáo dục các em. Bên cạnh đó, quận còn hỗ trợ 10 triệu đồng và 500 quyển vở cho 34 em có hoàn cảnh khó khăn để giúp các em tiếp tục đi học ở các trường giáo dục thường xuyên, học lái xe, cơ khí, sửa chữa xe máy, xe đạp...

Ông Lê Văn Sơn, Phó Bí thư Quận ủy Cẩm Lệ cho biết, quận thường xuyên phân công cho các hội, đoàn thể cùng phối hợp với Công an, UBND các phường để trực tiếp quản lý số đối tượng chưa thành niên vi phạm pháp luật; đồng thời tổ chức triển khai thực hiện Cuộc vận động “Tiếp bước cho em đến trường”, đặc biệt chú ý đến việc vận động ủng hộ, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhằm ngăn ngừa các em vi phạm pháp luật. Ngoài ra, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức về Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Công ước Quốc tế về quyền trẻ em, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi gia đình, cá nhân và toàn xã hội trong công tác quản lý, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, trong đó chú trọng xây dựng gia đình văn hóa, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò và tầm quan trọng của gia đình trong đời sống xã hội và trong quá trình hình thành nhân cách, lối sống của trẻ em.

Với việc tổ chức xây dựng nhiều mô hình điểm về quản lý, giáo dục trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư, điển hình như mô hình “Câu lạc bộ cùng tiến” của Đoàn Thanh niên, mô hình “Gia đình không có tội phạm về tệ nạn xã hội” của Hội Liên hiệp Phụ nữ, mô hình “Tộc họ không có con cháu vi phạm về an ninh trật tự” của Mặt trận... các phường đã vận động được nhiều thiếu niên hư, vi phạm pháp luật và có nguy cơ vi phạm pháp luật trở lại trường, dần dần bỏ những thói hư tật xấu và trở thành những công dân tốt.

Bài và ảnh: ĐOÀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.