.

Góp ý dự án Luật Luật sư

Sáng 5-4, đồng chí Huỳnh Nghĩa, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng chủ trì hội nghị lấy ý kiến chuyên gia, các nhà hoạt động thực tiễn liên quan đến phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư.

Hội nghị đã thảo luận và đóng góp ý kiến cho 5 vấn đề lớn cần sửa đổi, bổ sung và 3 vấn đề có ý kiến khác nhau. Hầu hết các đại biểu nhất trí cao việc sửa đổi 28 điều, bổ sung 1 điều và bỏ 3 điều trên tổng số 94 điều của dự án Luật nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động luật sư hiện nay, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện định hướng chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020. Một số đại biểu cho rằng, hiện nay luật sư Việt Nam hoạt động chưa theo lối chuyên nghiệp. Đội ngũ luật sư ngày càng tăng về số lượng nhưng sống thuần túy về nghề chưa cao. Theo Luật sư Đỗ Pháp, dự thảo Luật lần này đã nêu lên những vấn đề lớn nhưng vẫn còn thiếu vì chưa đề cập đến vai trò phản biện của luật sư. Việc phân định vai trò quản lý đối với luật sư chưa rõ ràng, chẳng hạn như tại khoản 1, Điều 6 ghi: “Quản lý luật sư và hành nghề luật sư được thực hiện theo nguyên tắc kết hợp quản lý Nhà nước với chế độ tự quản của tổ chức xã hội-nghề nghiệp của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư”.

Một số đại biểu cũng thống nhất ý kiến không cho phép viên chức hành nghề luật sư bởi việc cho phép viên chức hành nghề luật sư có thể tạo ra một bộ phận luật sư không chuyên tâm với nghề, không phù hợp với quan điểm “chuyên nghiệp hóa” nghề luật sư và thông lệ quốc tế…   

Ngoài ra, các đại biểu còn góp ý bổ sung, sửa đổi một số từ, cụm từ, câu… và lược bỏ một số nội dung trùng lặp trong các điều khoản để bảo đảm tính chính xác hơn về mặt pháp lý.

Đoàn Lương

;
.
.
.
.
.