Chiều 13-4, Đoàn đại biểu Quốc hội (QH) thành phố gồm các đại biểu: Huỳnh Nghĩa, Phó trưởng Đoàn đại biểu QH thành phố Đà Nẵng; Nguyễn Thị Kim Thúy, đại biểu QH chuyên trách có buổi tiếp xúc với cử tri là cán bộ Công đoàn các cấp của thành phố lấy ý kiến góp ý sửa đổi Luật Công đoàn (CĐ) và Bộ Luật Lao động (BLLĐ).
Các ý kiến cùng nhận định: Luật CĐ năm 1990 đến nay có một số điểm không còn phù hợp, bộc lộ những hạn chế, bất cập. Do đó cần thiết phải sửa đổi cho phù hợp với sự đa dạng của quan hệ lao động và yêu cầu thực thi hiệu quả quyền CĐ. Cần khẳng định CĐ là tổ chức đại diện duy nhất có chức năng bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ). Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp (DN) thuộc mọi thành phần kinh tế đều phải có nghĩa vụ đóng kinh phí CĐ bằng 2% tính trên quỹ tiền lương thực trả cho NLĐ nhằm bảo đảm sự thống nhất, bình đẳng về trách nhiệm của các loại hình DN, hỗ trợ việc thành lập và hoạt động của CĐ cơ sở, tạo cơ sở pháp lý vững chắc về tài chính bảo đảm cho CĐ thực hiện quyền, trách nhiệm và duy trì hoạt động của hệ thống CĐ. Đa số ý kiến cho rằng, tài chính CĐ gồm các nguồn thu chủ yếu: Đoàn phí CĐ do đoàn viên đóng hằng tháng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam và kinh phí CĐ do cơ quan, tổ chức, đơn vị, DN đóng bằng 2% tổng quỹ tiền lương thực trả cho NLĐ. Phải có các quy định cụ thể về việc bảo vệ cán bộ CĐ và các DN phải bình đẳng về nghĩa vụ đóng 2% kinh phí CĐ. Phải có chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm pháp luật CĐ.
Đóng góp ý kiến cho BLLĐ (sửa đổi), các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề: Tiền lương và tiền lương tối thiểu, về hợp đồng lao động, thương lượng tập thể và ký kết thỏa ước lao động tập thể, thời gian làm thêm, nghỉ thai sản của LĐ nữ, về tuổi nghỉ hưu của LĐ, giải quyết tranh chấp về LĐ... LĐ nữ nên được nghỉ ít nhất 6 tháng sau khi sinh. Về tuổi nghỉ hưu của NLĐ, nên giữ nguyên theo quy định hiện hành là nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi. Tuy nhiên, cũng cần xem xét quy định đối với một số trường hợp LĐ đặc biệt, LĐ có đặc thù riêng. Nên quy định rõ, khống chế việc làm thêm giờ không quá 200 giờ/năm, trừ một số trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ được làm thêm không quá 300 giờ/năm.
Ý kiến của cử tri được các đại biểu QH tiếp thu và sẽ đưa ra tại kỳ họp thứ 3 sắp đến của QH khóa 13.
S.T