Hội thảo “Liên kết đào tạo nguồn nhân lực các tỉnh duyên hải miền Trung” ngày 8-4 đã tập trung phân tích những bất cập trong đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề trong mối quan hệ với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng, từ đó đề xuất các định hướng liên kết như yêu cầu khách quan, tất yếu.
Lễ ký kết liên kết đào tạo. Ảnh: THANH TÂN |
Hội thảo do UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Tổ điều phối vùng các tỉnh duyên hải miền Trung (DHMT) tổ chức, diễn ra trong khuôn khổ các hoạt động Festival Huế 2012.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Tổ trưởng Tổ điều phối vùng các tỉnh duyên hải miền Trung, cho rằng hiện nay khâu tuyển dụng lao động quá dễ dãi nên làm méo mó khâu đào tạo, không đánh giá được chất lượng đào tạo. Nhiều sinh viên ra trường nhanh chóng tìm được việc làm do quen biết, chạy chọt, nhưng các trường cứ nghĩ rằng mình đào tạo chất lượng. Vì vậy, hằng năm tổ điều phối sẽ đề xuất phối hợp với Bộ GD-ĐT tiến hành kiểm tra đánh giá những cơ sở đào tạo. Nếu cơ sở nào đào tạo đạt chất lượng sẽ được khen thưởng để vinh danh. Đồng chí Nguyễn Bá Thanh đề nghị các cơ sở đào tạo cần liên kết chặt chẽ với nhau để đào tạo sinh viên ra trường có chất lượng. “Để làm được điều đó, các tỉnh, thành phố cần có chính sách hỗ rợ, khuyến khích để nâng cao năng lực đào tạo của các trường. Nếu các trường đào tạo kém chất lượng là có lỗi với đất nước”, đồng chí Nguyễn Bá Thanh nói.
Nguồn nhân lực vừa thừa vừa thiếu
Theo báo cáo của nhóm Tư vấn liên kết phát triển miền Trung, hiện toàn vùng (gồm các tỉnh, thành phố: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa) có 5,8 triệu người trong độ tuổi từ 15 trở lên, chiếm 71,3% dân số, nhưng trình độ học vấn còn thấp, tay nghề còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là đối với những ngành sản xuất đòi hỏi trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao. Tỷ lệ lao động làm việc trong các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ thấp (chiếm 50,73%), chỉ trừ thành phố Đà Nẵng có tỷ trọng lao động trong các ngành công nghiệp và dịch vụ lớn (91,18%).
Để đáp ứng nhu cầu đào tạo, hiện toàn vùng có 27 trường ĐH, 36 trường CĐ và 21 trường TCCN, 242 cơ sở đào tạo nghề; trong đó Huế, Đà Nẵng là hai trung tâm đào tạo lớn đã xây dựng được hệ thống khá đồng bộ các cơ sở đào tạo từ ĐH, CĐ đến TCCN, cơ sở dạy nghề. Tuy nhiên, vùng vẫn còn thiếu các cơ sở đào tạo chuyên ngành, nhất là các ngành trong lĩnh vực công nghệ cao, khoa học xã hội và nhân văn, văn hóa - nghệ thuật… Một số cơ sở đào tạo có xu hướng chạy theo phong trào nâng cấp bậc đào tạo và chỉ tập trung ở một số lĩnh vực như kế toán, quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng… Cơ cấu đào tạo còn nhiều bất hợp lý và chậm chuyển biến. Mặc dù công tác đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật được quan tâm nhưng so với yêu cầu thực tiễn, nhiều cơ sở đào tạo vẫn thiếu phòng học, thiết bị thí nghiệm, thực hành, thư viện… nên chưa đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu. Việc đào tạo chưa theo quy hoạch thống nhất mà còn chồng chéo giữa các trường, thiếu sự hợp tác, liên kết dẫn đến tình trạng nguồn nhân lực vừa thừa vừa thiếu...
Thị trường lao động của vùng tuy đã bước đầu hình thành nhưng còn nhiều bất cập: méo mó trong quan hệ cung - cầu lao động, giữa đào tạo và yêu cầu sử dụng; các ngành du lịch, công nghệ cao, công nghiệp lọc hóa dầu, y tế đang thiếu hụt lao động… Hệ thống các trung tâm giới thiệu việc làm, sàn giao dịch việc làm ở các tỉnh, thành phố trong vùng đã được hình thành nhưng chất lượng làm việc chưa cao, chưa bền vững.
Liên kết để phát huy sức mạnh chung
Mặc dù tất cả các tỉnh, thành DHMT đều có trường ĐH, CĐ nhưng các trường trong vùng lại ít liên kết với nhau, kể cả các địa phương có nhiều trường ĐH lớn như ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng… Theo khảo sát, chỉ có 12,2 % cơ sở đào tạo chọn các trường trong cùng tỉnh để liên kết đào tạo và 19,5 cơ sở chọn liên kết đào tạo với các trường trong vùng, còn đa số các trường (65,9%) đều chọn liên kết với các cơ sở đào tạo ở hai đầu đất nước là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, một số trường chọn liên kết với các cơ sở đào tạo nước ngoài.
Bên cạnh đó, việc liên kết giữa các cơ sở đào tạo, cơ sở dạy nghề với các đơn vị sử dụng lao động còn nhiều khó khăn do chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ rõ ràng từ các cơ quan quản lý Nhà nước. Đồng thời, các bên tham gia vẫn chưa nhận thức hết sự cần thiết và lợi ích từ hoạt động liên kết này. Chỉ 61% cơ sở đào tạo và 65,6% cơ sở dạy nghề có hoạt động liên kết theo địa chỉ cụ thể. Tuy nhiên, hình thức liên kết nhìn chung còn đơn điệu; các hoạt động liên kết nghiên cứu khoa học, trao đổi kinh nghiệm… chưa được chú trọng.
Xuất phát từ thực trạng trên và thống nhất quan điểm liên kết đào tạo nguồn nhân lực vùng DHMT là nhu cầu khách quan, tất yếu vì sự phát triển chung cũng như sự phát triển của từng địa phương trong vùng, các đại biểu đã đề xuất những định hướng liên kết thiết thực và thống nhất rằng, việc liên kết cần phát huy tối đa thế mạnh so sánh của các địa phương trong vùng như ĐH Huế với lợi thế về khoa học cơ bản, y dược, nông lâm; ĐH Đà Nẵng ưu thế về các ngành Kỹ thuật-công nghệ, quản lý kinh tế; ĐH Quy Nhơn là khoa học cơ bản và Đại học Nha Trang là Thủy sản… Vừa liên kết vừa chú trọng xây dựng các chương trình đào tạo chất lượng cao, phù hợp với thực tế địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…
Tại hội thảo, các trường, các cơ sở, ban ngành các tỉnh DHMT đã ký kết 4 lĩnh vực liên kết đào tạo nguồn nhân lực các tỉnh vùng DHMT, bao gồm: ký kết hợp tác giữa các cơ sở đào tạo trong vùng; ký kết hợp tác giữa các danh nghiệp du lịch và các cơ sở đào tạo du lịch trong vùng; ký kết hợp tác giữa các cơ sở y tế, các cơ sở đào tạo ngành y tế; ký kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp và các cơ sở đào tạo trong vùng.
THANH TÂN