Văn hóa với sức mạnh mềm của mình sẽ giúp nhân loại xích lại gần nhau, hiểu biết và chia sẻ, từ đó làm cầu nối cho các mối quan hệ hợp tác quốc tế lâu dài.
Thanh niên Đà Nẵng giao lưu với thanh niên Nhật (Tàu Hòa Bình). |
Từ mối lương duyên hơn 400 năm trước
Giao lưu văn hóa Việt - Nhật ở thành phố Đà Nẵng bắt đầu xuất hiện cách đây khoảng 400 năm, được ghi dấu bởi những văn vật nổi tiếng hiện nay còn lưu giữ. Đầu tiên như phiên bản Bức thác kiến Quán Thế Âm hiện đặt tại chùa Tam Thai (Ngũ Hành Sơn). Đây là bức tranh vẽ tượng Phật nổi tiếng, được Chúa Nguyễn thỉnh từ chùa Ngũ Hành Sơn tặng cho thuyền buôn của dòng họ thương nhân Chaya khi thuyền đến Hội An vào thế kỷ 16. Bức tranh này ngày nay đang được lưu giữ tại chùa Jomyo, thành phố Nagoya (Nhật Bản).
Tại động Hoa Nghiêm, trên ngọn Thủy Sơn của Ngũ Hành Sơn, đang lưu giữ Bia ký Phổ Đà sơn Linh Trung Phật. Bia cao 1,6m, làm bằng đá sa thạch, ghi lại những đóng góp của các thương nhân Nhật Bản vùng Nagoya sống gần chùa Jomyo và các thương nhân Nhật Bản sinh sống tại Hội An đã đóng góp công đức xây dựng chùa Bình An tại danh thắng Ngũ Hành Sơn lúc bấy giờ.
Ngày 15-9-2009, nhân chuyến công tác tại Nhật Bản, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh đã đến thăm chùa Jomyo và trao tặng phiên bản Bia ký Phổ Đà sơn Linh Trung Phật. Và ngày 23-2-2010, phiên bản Bức thác kiến Quán Thế Âm đã được trụ trì chùa Jomyo trao tặng lại cho chùa Tam Thai, xem như nối lại mối lương duyên xưa và mở ra mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Đà Nẵng - Nhật Bản sau này.
Và bản giao hưởng hôm nay
Một điều thú vị là những ký kết hợp tác kinh tế giữa Đà Nẵng với các địa phương Nhật Bản đều bắt đầu bằng những hoạt động hữu nghị và giao lưu văn hóa. Năm 1994, bằng việc ký kết Thỏa thuận Cảng hữu nghị, Cảng Đà Nẵng đã thiết lập quan hệ với Cảng Kawasaki, tạo tiền đề cho việc chính quyền hai bên đã ký kết Thỏa thuận thiết lập quan hệ hợp tác vào năm 2007. Mối quan hệ của Đà Nẵng và Sakai phát triển từ việc thực hiện chương trình “Đại sứ Nhân dân” vào cuối năm 2008 với việc cử chuyên gia văn hóa Nhật Bản sang nghiên cứu và trao đổi văn hóa; và đến năm 2009, hai thành phố đã chính thức ký kết Biên bản ghi nhớ thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác.
Người Nhật có mặt tại Đà Nẵng không nhiều nhưng dấu ấn văn hóa Nhật Bản để lại Đà Nẵng khá rõ nét. Đầu tiên là Tiếng Nhật chính thức được đưa vào chương trình giảng dạy ở Trường THCS Tây Sơn vào năm học 2005-2006 thông qua chương trình hợp tác giáo dục giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội. Đến nay, toàn thành phố Đà Nẵng có 285 học sinh THCS và THPT học tiếng Nhật như một ngoại ngữ bắt buộc. Khoa Nhật – Hàn - Thái Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng là đơn vị đầu tiên ở Đà Nẵng bắt đầu giảng dạy chuyên ngành tiếng Nhật bậc đại học từ năm 2003. Hiện nay, số sinh viên của bốn khối lớp là 253 sinh viên, 11 giáo viên phụ trách giảng dạy, trong đó có 4 giáo viên tình nguyện người Nhật. Tàu Hòa Bình bắt đầu chuyến đầu tiên đến Đà Nẵng vào năm 1994. Đến nay, Tàu đã có 33 lần ghé thăm Đà Nẵng và tham gia giao lưu với thanh niên thành phố. Đây là chương trình giao lưu văn hóa thường niên giữa thanh niên hai nước Việt - Nhật với các hoạt động trao đổi những nét văn hóa đặc sắc của hai nước.
Năm 2010, 2011 là năm diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa Việt – Nhật khá đa dạng và phong phú. Mở đầu là cuộc thi Bán Marathon hữu nghị Việt - Nhật với sự tham gia của 12 vận động viên Nhật Bản và Việt Nam thi đấu ở cự ly 21km. Tiếp nối những nắm tay hữu nghị trong thi đấu thể thao là giọng ca opera của nữ danh ca Nhật Bản Asako Tamura trình diễn tại Nhà hát Trưng vương đã được chào đón bằng những tràng vỗ tay nồng nhiệt của khán giả Đà Nẵng. Và chiếc đại dương cầm trị giá 15.000 USD đã được Chủ tịch Hiệp hội An toàn con người Nhật Bản trao tặng cho Nhà hát Trưng Vương đã ghi dấu cho sự kết giao âm nhạc của Đà Nẵng và Nhật Bản.
Không gian văn hóa của đất nước hoa anh đào không ở đâu quá xa mà ở ngay trong lòng thành phố Đà Nẵng tại quán cà-phê Sakura Friends, số 125 Hoàng Hoa Thám. Quán này do Hội Phụ nữ dân chủ Nhật Bản (Femin) thành lập với ý tưởng tạo một không gian giao lưu văn hóa Việt - Nhật tại Đà Nẵng. Tháng 11-2010 tại Khu bảo tồn sinh thái Bà Nà đã diễn ra Lễ trao tặng và trồng tượng trưng 400 cây hoa anh đào - biểu tượng của đất nước Nhật Bản, đánh dấu bước phát triển trong mối quan hệ hữu nghị Đà Nẵng - Nhật Bản.
Nhằm góp phần không ngừng gìn giữ và tăng cường hơn nữa tình hữu nghị Việt - Nhật và giao lưu văn hóa giữa hai nước, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng vừa có chủ trương xây dựng Nhà Giao lưu Hữu nghị Việt - Nhật tại khu danh thắng Ngũ Hành Sơn. Nơi đây sẽ trưng bày hiện vật, hình ảnh đặc sắc về quá trình hình thành mối quan hệ lịch sử, hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản, là địa chỉ giao lưu văn hóa Việt - Nhật và là nơi tạo cho du khách đến tham quan niềm tin vững chắc về mối quan hệ bền vững này trong tương lai.
Trên tinh thần thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai Chính phủ Việt Nam - Nhật Bản tiếp tục phát triển một cách toàn diện, với những hoạt động giao lưu văn hóa đa dạng và phong phú giữa thành phố Đà Nẵng với Nhật Bản, thế hệ trẻ Đà Nẵng hôm nay sẽ tiếp nối và làm sâu sắc thêm mối lương duyên Việt - Nhật hơn 400 năm trước bằng nhịp cầu văn hóa, hữu nghị và hợp tác nhân dân.
KIM TUYẾN