.

Một đời trọn vẹn

Đại tá Quách Tự Hấp, người con ưu tú của tộc Quách, quê xã Đại Lãnh (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) đã trút hơi thở cuối cùng lúc 9 giờ ngày 9-4 tại Đà Nẵng, thọ 88 tuổi.

Cách đó 9 ngày, Đại tá Quách Tự Hấp còn đi xe đạp về xã Đại Lãnh dự Quốc giỗ Hùng Vương và giỗ Tổ tộc Quách. Còn biết bao dự định, ý tưởng xây dựng quê hương, đất nước, đóng góp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân và kể cả cuốn hồi ký “Đáp lời sông núi” dày 200 trang đang được ông hoàn thiện để chuẩn bị xuất bản trên đất Quảng Nam, vậy mà ông lại nằm thanh thản ở Phòng tang lễ Quân khu 5 với khói hương nghi ngút, với dằng dặc các đoàn về viếng. Thiếu tướng Đặng Lê Nhị, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 5, Trưởng ban lễ tang bùi ngùi: Nhà tang lễ Quân khu 5 mới được xây dựng hoàn tất khoảng một tuần, tre trồng xung quanh chưa kịp xanh, vôi ve còn thơm nồng, thủ trưởng Hấp là người “khai trương” ngôi nhà mới.

Thiếu tướng Trần Tiến Cung, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục II, Bộ Quốc phòng, đang dưỡng bệnh tại nhà, không giấu được sự xúc động: “Cách đây 2 tháng, tôi và anh Hấp cùng nằm Bệnh viện Quân y 17 Quân khu 5. Anh chơi với anh em, đồng chí, đồng đội hết mình, có thủy có chung nên ai cũng thương mến, quý trọng. Anh Hấp nguyên là hướng đạo sinh, một trong những hàng cán bộ quan trọng nhất của tổ chức này ở Việt Nam, cùng thời với Cao Văn Khánh, Hồ Văn Điềm - lứa tư lệnh Quân khu tham gia thanh niên tiền tuyến. Anh còn là lớp cán bộ đại đội đầu tiên trong kháng chiến chống Pháp trên chiến trường khu 5, từ căn cứ Lê Hồng Phong (Phan Thiết) đến Đá Bàn - Khánh Hòa, đến Nam - Bắc Tây Nguyên và 4 tỉnh Nam - Ngãi - Bình - Phú - Khánh Hòa đều có dấu chân anh. Tôi nhớ và khâm phục anh, bởi anh là người học cao, hiểu rộng, biết nhiều, giỏi ngoại ngữ…”.

Gặp nhau ở Đà Nẵng, qua tâm sự, Đại tá Quách Tự Hấp rất quý trọng Thượng tướng, Anh hùng LLVT Nguyễn Chơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, người cán bộ cấp dưới trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sau này là chỉ huy trực tiếp của ông trong những ngày làm nhiệm vụ quốc tế cao cả ở Campuchia. Ông quý trọng Thượng tướng Nguyễn Chơn về tài năng điều quân, bài bố, linh hoạt dùng chiến lược cung cấp nước đánh chiếm điểm cao 547 của Pol Pot, nhạy bén với phương châm “bám thắt lưng địch mà đánh” trong đánh Mỹ, biết tôn trọng người trên và kẻ trước. Còn khi tôi làm cuốn sách về Thượng tướng Nguyễn Chơn, người anh hùng xứ Quảng này lại không tiếc lời khen ngợi Đại tá Quách Tự Hấp. Thượng tướng Nguyễn Chơn cho rằng, Đại tá Hấp là người tài hoa mà đa đoan, trắc trở trong đời binh nghiệp, thẳng thắn mà khiêm tốn, đạt lý mà thấu tình…

Trung tướng Nguyễn Văn Thảng, nguyên Chính ủy Quân khu 5 kể: “Ngày làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, khi tôi là Chính ủy Trung đoàn 29 thuộc Sư đoàn B07 thì thủ trưởng Hấp là Phó Tham mưu trưởng Mặt trận 579 Quân khu 5, trực tiếp sâu sát, lăn lộn với anh em trinh sát. Vượt qua những lần Pol Pot phục kích ở Cam Tuất, rồi Phum Cốp (biên giới Campuchia - Thái Lan), ông dũng cảm, gan dạ cùng cán bộ, chiến sĩ đánh trả ngoan cường tiêu diệt địch, chuyển bại thành thắng. Thủ trưởng Hấp rất hòa đồng, trực tiếp hướng dẫn tôi và cán bộ, chiến sĩ đặc công, trinh sát bám trụ các trận đánh, đồng thời truyền thụ những kinh nghiệm chiến trường, từ những trận đánh nhỏ đến những chiến dịch lớn trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ, cũng như nhạy bén chỉ ra những nét mới khi đánh nhau với Pol Pot”.

Đại tá Quách Thừa Tự, em ruột của Đại tá Quách Tự Hấp, bày tỏ niềm tự hào: “Anh tôi là người giàu nghị lực, ý chí, trung trực, phóng khoáng, tình cảm dành cho đồng chí, đồng đội là vô hạn. Suốt đời anh tôi đã sống trọn vẹn với non sông đất nước, gia đình, tộc họ, đồng bào, đồng chí, đồng đội và bạn bè”.
Kỹ sư điện Quách Hào, cháu của Đại tá Quách Tự Hấp cho biết: “Chú tôi đã gửi văn bản lên tiếng với các cấp trên về việc không đồng ý sáp nhập Quảng Ngãi - Bình Định, Gia Lai - Kon Tum, Quảng Nam - Đà Nẵng làm thành một, vì phong tục tập quán khác nhau, lại rộng quá khó quản lý. Chú cũng kiên trì đề nghị Đảng, Nhà nước nên cho cán bộ, nhân viên nghỉ lễ trong Quốc giỗ các Vua Hùng để tổ chức giỗ trọng tri ân, tưởng nhớ tổ tiên, cội nguồn dân tộc. Đề nghị đó mấy năm nay đã thành hiện thực”.

Bản thân tôi có cơ duyên gặp Đại tá Quách Tự Hấp tại chiến trường Campuchia, trên những dặm dài đất nước, nhất là ở Khánh Hòa và quê hương Quảng Nam trong những ngày ông về hưu. Những cuộc gặp gỡ với ông bao giờ cũng để lại trong tôi những ấn tượng không thể nào quên. Tôi nhớ nhất là chuyện ông có chuyến đi xe đạp sau khi nghỉ hưu, vào ăn trưa ở một quán nghèo trung du phía Bắc của một phụ nữ quá lứa, chưa chồng. Ăn xong bát bún, phát hiện có một chiếc răng người, ông “dỗi” với cô chủ, thế là được đền một bát nữa. Đi khỏi quán hơn 10km, ngồi uống bát nước chè xanh của một quán khác, ông bỗng nghe cờm cợm ở chân răng thì mới hỡi ôi chiếc răng ở bát bún là của mình bị rụng, nên đã quay lại xin lỗi rối rít và bù tiền. Thế là chủ quán phải lòng ông.

Ngoài cuốn sách “Cây chùm ruột” (NXB Trẻ) viết về anh hùng - liệt sĩ Ngô Mây được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc cả nước, năm nay, đọc vài chương của bản thảo hồi ký “Đáp lời sông núi” qua thể hiện của nhà báo Nguyễn Hữu Đổng, tôi nghĩ ông còn xứng đáng là một nhà văn, nhà viết Sử từng trải. Ý định cùng ông, nhà báo Nguyễn Hữu Đổng và NXB giới thiệu hồi ký này tại Quảng Nam, Đà Nẵng phải khất lại. Xin vĩnh biệt ông, một người chỉ huy tài ba, một nhà văn không chuyên từng trải, một nhân cách cao cả, một nghị lực và sức khỏe phi thường khi đi rong ruổi 3 nước Đông Dương bằng xe đạp và những ghi chép chân thật, xúc động qua những chuyến đi. 

Đại tá Quách Tự Hấp, nguyên Đại đội trưởng của Anh hùng LLVT Ngô Mây năm 1947, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Mặt trận 579 Quân khu 5 (ở chiến trường Campuchia), Tỉnh đội trưởng đầu tiên của tỉnh Quảng Nam (kháng chiến chống Pháp), Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 (Ba Gia) trong kháng chiến chống Mỹ, Tỉnh đội trưởng tỉnh Phú Khánh (sau ngày giải phóng miền Nam). Ông nổi tiếng là vị chỉ huy tham mưu xuất sắc của khu 5, đồng thời có hơn 60 chuyến đi xe đạp hơn 3 vòng trái đất với chiều dài hơn 138.550km qua 3 nước Đông Dương và hơn 1.000 nghĩa trang liệt sĩ để thăm lại những di tích lịch sử, văn hóa; tưởng niệm và tôn vinh các anh hùng dân tộc; về chiến trường xưa, viếng đồng đội, cảm ơn đồng bào, đồng chí, đồng đội đã cưu mang, giúp đỡ mình cùng đơn vị…

LÊ ANH DŨNG

;
.
.
.
.
.