Khi nói về bà Trương Thị Thanh, cán bộ chuyên trách giảm nghèo phường Thanh Khê Đông, chị Hòa - mẹ của em Trần Quốc Hùng Mạnh cho rằng: “Bà Thanh là người kỳ lạ, dường như tất cả tình thương trong bà đều dành cho người nghèo”. Và như để lý giải cho suy nghĩ đó, chị Hòa đã tâm sự về cuộc đời đầy nước mắt của mình: Khi mới mang thai Mạnh được vài tháng thì người chồng biền biệt bỏ đi, để lại cho chị bao điều cay đắng, bụng mang dạ chửa và với hai bàn tay trắng, không nhà, không nơi nương tựa, không kế sinh nhai...
Bà Trương Thị Thanh (bìa phải) gặp gỡ, động viên chị Phan Thị H. (ung thư vú) và vợ anh Nguyễn Đăng Ân tại quán nước mía được mở bằng đồng vốn vay ngân hàng của gia đình anh Ân. |
Một mình thui thủi, chị bươn chải đủ việc kiếm sống qua ngày. Sinh con như đi biển một mình, ngày con đầy tháng cũng là lúc chị phát hiện căn bệnh quái ác: suy thận bước sang giai đoạn nặng. Ngày càng tiều tụy, con thơ thiếu sữa, người chị như đổ sập trước bao thử thách hiểm nghèo. “Họa vô đơn chí”, bệnh ngày càng nặng, sức khỏe cạn kiệt, chị buộc phải nghỉ đi làm thuê. Căn nhà tôn mười hai mét vuông mà chị thuê, vì không có tiền trả hằng tháng, phần khác “người ta sợ mình chết trong nhà họ” nên chủ nhà đòi lại. Chị phải tìm nơi ở khác.
Đường cùng, mẹ con chị xuống cầu Cẩm Lệ, tìm khoảng đất trống, dựng liều một chỗ để trú mưa, nắng. Tìm hiểu cuộc sống bi đát của chị Hòa, bà Trương Thị Thanh đã trình bày hoàn cảnh của mẹ con chị lên lãnh đạo quận Thanh Khê và được quận giúp đỡ. Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận hỗ trợ 900 ngàn đồng/năm để em Mạnh đóng học phí. Chị Hòa xúc động: “Bà Thanh thương thằng Mạnh học giỏi, lúc nào cũng động viên cháu cố gắng. Lúc cháu ôn thi đại học, đều đặn tháng nào bà cũng cho 300 ngàn đồng. Mỗi lần đến thăm mẹ con tôi, bà thường mang nhiều thứ thiết yếu cho gia đình. Thằng Mạnh thương bà Thanh, thương mẹ nên không bỏ học ngày nào; ngoài việc học tốt, cháu bắt đầu phụ giúp đỡ đần cho mẹ và vừa qua thi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng”. Không thể ở liều mãi dưới chân cầu Cẩm Lệ, khi đôi ba ngày lực lượng chức năng lại đến dẹp “nhà” của 2 mẹ con, bà Thanh một lần nữa làm đơn xin lãnh đạo thành phố cấp cho chị Hòa một căn hộ chung cư. Ngày chuyển đến nhà mới, chị Hòa như sống trong mơ, lần đầu tiên trong đời được có một ngôi nhà riêng đàng hoàng và chị đã khóc khi thấy những đồ dùng có thể là đã qua sử dụng rồi: chiếc giường, cái bàn, cái bếp gas... do bà Thanh vận động những nhà hảo tâm giúp cho chị. Thấy Mạnh đi học xa, bà Thanh lại vận động những nhà hảo tâm tặng cho Mạnh một chiếc xe máy, giúp em đỡ vất vả khi đi học cũng như đi dạy thêm. “Trời có mắt”, được bà Thanh và bà con đùm bọc, bệnh tình của chị Hòa cải thiện hơn nhiều. Hiện nay chị Hòa đang giúp việc cho một gia đình do chính bà Thanh giới thiệu và “bảo lãnh”. Không kiềm được xúc động, chị Hòa nghẹn lời: “Không có bà Trương Thị Thanh nhiệt tình giúp đỡ, chắc tôi không sống đến ngày hôm nay”.
Mẹ con chị Hòa là một trong nhiều những mảnh đời nghèo khó được bà Trương Thị Thanh giúp đỡ. Nói về công việc của mình, bà Thanh từ tốn: “Giúp được ai, nhất là những người nghèo, hoàn cảnh éo le... càng thấy như là chuyện cần thiết. Mình có chút điều kiện và nhất là còn sức khỏe, làm sao để cho những hoàn cảnh đói, nghèo thoát được khó khăn là sự thôi thúc trong tôi. Dĩ nhiên, cho con cá cũng rất quý, nhưng sẽ quý hơn nếu cho được cái cần câu”.
Có thể lấy gia đình anh Nguyễn Đăng Ân ở tổ 5 làm ví dụ. Cả gia đình gồm vợ và 4 con nhỏ đều trông chờ vào từng ngày chạy bữa bằng nghề xe thồ của anh. Nhà nghèo, con đông, vợ không có việc làm ổn định, trăm thứ trông chờ vào chiếc xe máy do người chị gái cho mượn. Cuộc sống bấp bênh, được xếp vào hàng đặc biệt nghèo của phường. Qua tìm hiểu, bà Thanh trực tiếp giới thiệu trường hợp anh Ân và bảo lãnh để làm giấy tờ vay ngân hàng 20 triệu đồng. Với đồng vốn này, bà hướng dẫn vợ anh Ân bán nước mía vào mùa hè và bán sữa vào mùa đông để tận dụng bàn, ghế, ly tách... Bà còn động viên anh Ân mua một chiếc xe máy để tránh tình trạng phụ thuộc, bấp bênh và có trách nhiệm hơn với công việc. “Đến nay hai vợ chồng làm ăn có hiệu quả nên chí thú lắm, cả hai đều hiểu tiền Nhà nước trợ cấp là không bao nhiêu, quan trọng là phải biết sử dụng sự giúp đỡ đó để vươn lên”, bà Thanh vui vẻ kể.
Đối với người chẳng may mắc bạo bệnh như ung thư, suy thận lại cũng là bà Thanh đích thân làm thủ tục và chở người bệnh đi xin bảo hiểm y tế, bởi vì bà hiểu: “Với những căn bệnh này, người nghèo phải bán nhà mới đủ tiền chạy chữa, còn không thì chỉ nước chờ chết..”. Với tấm lòng như vậy, việc bà Thanh nhớ và có thể đọc “vanh vách” tên vợ chồng, con cái, địa chỉ, công việc của hàng chục hộ nghèo trên địa bàn phường Thanh Khê Đông là điều không lạ.
Là một trong những điển hình “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của phường Thanh Khê Đông, bà Trương Thị Thanh khiêm tốn cho rằng: “Việc mình làm là nhỏ bé, phải cố gắng hơn nữa để học Bác ở tấm lòng thương yêu, chăm lo cho người nghèo như lời Bác từng dạy: “Một ngày dân chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc, các cháu chưa được học hành, mọi người còn khổ thì Bác ăn không ngon, ngủ không yên”.
Bài và ảnh: MAI TRANG