.

Ngày đầu thực hiện phân làn: Thiết lập trật tự giao thông

.

Sáng 1-4, Công an thành phố đã ra quân kiểm tra xử phạt lỗi vi phạm đi sai làn đường. Hơn một ngàn trường hợp mô-tô, xe gắn máy và gần 20 trường hợp ô-tô bị xử phạt. Giao thông trên các tuyến đường được phân làn thông thoáng và trật tự hơn.

Hầu hết người tham gia giao thông đã đi đúng làn đường quy định.
Hầu hết người tham gia giao thông đã đi đúng làn đường quy định.

Giao thông thông thoáng

Ghi nhận của chúng tôi trên các tuyến đường đã được phân làn và nhất là ở những vị trí có lực lượng CSGT chốt trực, giao thông rất trật tự và thông thoáng. Trên các tuyến đường lớn như Nguyễn Hữu Thọ, Ngô Quyền, Lê Văn Hiến, Điện Biên Phủ... ô-tô nối đuôi đi thành một hàng dài trật tự, trong khi đó bên cạnh là làn hỗn hợp xe gắn máy, mô-tô cũng trật tự di chuyển trong phần làn đường của mình. Đặc biệt, có nhiều thời điểm, bên làn dành cho ô-tô không có một chiếc xe nào, trong khi đó bên làn hỗn hợp ken dày xe máy, mô-tô, tuy nhiên, rất hiếm trường hợp chạy lấn sang làn đường như thường thấy. Cũng nhờ các phương tiện đi đúng làn đường quy định, nên tình trạng bóp còi inh ỏi xin vượt đường của mô-tô, ô-tô giảm hẳn.

Thiếu tá Đặng Minh Liên, Trạm CSGT cửa ô Hòa Hải nhận xét, từ giữa tháng 3, khi trên vỉa hè, dải phân cách đã cắm biển phân làn thì khá nhiều người tự giác đi đúng làn đường quy định. Và đặc biệt, khi các giá long môn có gắn biển phân làn ở đầu mỗi tuyến đường được dựng lên thì số người đi đúng làn đường tăng thêm đáng kể. Nhờ vậy đến ngày 1-4, khi thành phố bắt đầu xử phạt lỗi vi phạm làn đường, số người đi “nhầm” làn đường giảm mạnh.

Thống kê nhanh của Phòng CSGT Công an thành phố, trong ngày đầu đã có 1.024 trường hợp vi phạm, nhưng trong đó chỉ có 19 trường hợp ô-tô, còn lại là xe gắn máy và mô-tô. Theo ghi nhận của chúng tôi, các trường hợp vi phạm rơi vào hai đối tượng chính là người trẻ tuổi và  người ở các địa phương khác đến. Trong số này, có khá nhiều người khi thấy lực lượng CSGT thì chuyển vào làn dành cho mô-tô, nhưng khi thấy vắng bóng công an thì ngay lập tức chuyển vào làn ô-tô để đi cho nhanh. Do đã dự báo trước tình hình này, nên lực lượng CSGT tăng cường tuần tra lưu động, vì vậy khá nhiều người đã bị xử phạt.

Ngược lại, cũng có không ít người khi bị CSGT thổi còi dừng lại tỏ ra ngạc nhiên không hiểu mình bị lỗi gì. Sau khi được CSGT giải thích mới “à” lên một tiếng và xin bỏ qua vì đây là “lần đầu tiên vi phạm luật giao thông”. Trong khi đó, có khá nhiều người điều khiển mô-tô mang BKS tỉnh Quảng Nam cũng cho biết là chỉ đi theo thói quen, chứ không bao giờ nhìn hệ thống biển báo trên đường. Mặc dù vậy khi xử phạt, hầu hết đều vui vẻ công nhận: “Phân làn như vậy thì tốt, dễ đi, hạn chế TNGT”.

Cơ quan chức năng lúng túng

Mặc dù trong ngày đầu chỉ có 19 trường hợp ô-tô bị xử phạt về lỗi đi sai làn đường, nhưng có nhiều trường hợp cho rằng đã đi đúng làn đường. Ví dụ như có trường hợp ô-tô đi trên đường Nguyễn Hữu Thọ trong ngày 1-4, khi đang di chuyển trên làn hỗn hợp dành cho ô-tô và mô-tô thì bị CSGT xử phạt vì lỗi đi vào làn đường dành cho mô-tô và xe gắn máy. Theo giải thích của CSGT, ô-tô chỉ đi vào làn hỗn hợp này để chờ chuyển sang làn ô-tô, nhưng trường hợp này cứ chạy trên làn hỗn hợp nên vi phạm. Mặc dù chấp nhận nộp phạt, nhưng người nộp phạt vẫn ấm ức: “Tôi đã đi đúng theo biển báo hướng dẫn”.

Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có trao đổi với ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Sở GTVT thành phố, được ông cho biết: Trường hợp này trước khi triển khai, chúng tôi đã thống nhất với bên Công an là làn đường hỗn hợp cho phép mô-tô và ô-tô cùng đi, nên không xử phạt người đi đường. Cũng theo ông Dũng, trong trường hợp này, CSGT chiếu theo luật để xử lý là hơi cứng nhắc, vì đường nội thị có yêu cầu khác trên quốc lộ. Sở sẽ có ý kiến với lực lượng CSGT xử lý các trường hợp này. Còn ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh Văn phòng Ban ATGT thành phố, cho rằng không thể xử phạt người lái ô-tô, vì làn hỗn hợp dành cho mô-tô và ô-tô di chuyển tốc độ chậm, nếu ô-tô nào muốn đi nhanh có thể chuyển sang làn dành riêng cho ô-tô ở bên tay trái.

Bên cạnh đó, nhiều người cũng tỏ ra băn khoăn không biết đi như thế nào là đúng ở 4 tuyến đường là Lê Duẩn, Đống Đa, Trường Sa và Hoàng Sa, vì trên các tuyến đường này mới gắn biển phân làn phụ, chưa có gắn biển chính ở mỗi đầu đoạn đường. Nếu đi đúng theo biển gắn trên vỉa hè thì ở nhiều đoạn có ô-tô không đi được do làn đường còn lại quá hẹp. Về vấn đề này, một cán bộ Sở GTVT cho biết đã phát hiện tồn tại này vì cả 4 tuyến đường trên chỉ có mặt cắt ngang 15 mét, nếu chia ra làm 4 làn xe (mỗi bên 2 làn) thì mỗi làn chỉ trên 3,7 mét. Như vậy ở làn bên phải, ở những vị trí có kẻ vạch cho phép đậu đỗ ô-tô (rộng 2 mét) thì phần còn lại chỉ hơn 1,7 mét là quá nhỏ, không đủ tổ chức cho một làn xe lưu thông. Sở cũng đã có văn bản kiến nghị lên lãnh đạo thành phố xin ý kiến chỉ đạo.

Rõ ràng, việc tổ chức phân làn giao thông trên một số tuyến đường đã phát huy tác dụng, khi giao thông trật tự và thông thoáng hơn. Và dĩ nhiên không thể tránh khỏi những phát sinh ngoài ý muốn, vì vậy trong thời gian đến, cơ quan chức năng cần tiếp tục rút kinh nghiệm, chỉnh sửa để phù hợp với thực tế.

Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN

;
.
.
.
.
.