.

Nguyên nhân cháy xe chủ yếu do chập điện

.

Theo kết quả điều tra do liên bộ: Công an, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Công Thương công bố tại buổi họp báo ngày 26-4, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ cháy nổ xe cơ giới trên địa bàn cả nước thời gian qua là do chập điện.

images755554_chiec_xe_bi_chay.gif
Một xe máy đang đi thì bị bốc cháy giữa cầu Mân Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) hôm 7-3-2012. Ảnh: Đắc Mạnh/ĐNĐT

Buổi họp báo nhằm công bố kết quả thực hiện của 4 bộ trên trong việc triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống cháy nổ xe cơ giới.

Kết quả điều tra của Bộ Công an đối với 209 trong số 324 vụ cháy nổ ôtô, xe máy (276 vụ cháy ôtô, 48 vụ cháy xe máy) trong hai năm 2010 và 2011 trên toàn quốc, cho thấy có 5 nguyên nhân: Chập điện, sự cố kỹ thuật, sơ suất, tai nạn giao thông và do đốt.

Đặc biệt nguyên nhân chập điện chiếm phần lớn với tỷ lệ lên đến 30,25%. Từ đầu năm 2012 đến nay, cả nước xảy ra 115 vụ cháy ôtô, xe máy (56 vụ cháy ôtô, 59 vụ cháy xe máy), làm bị thương 3 người, thiệt hại tài sản trị giá trên 20 tỷ đồng. Trong số 25 vụ đã điều tra, làm rõ nguyên nhân, có tới 9 vụ do chập điện, 6 vụ do sơ suất, 5 vụ do sự cố kỹ thuật, 4 vụ do tai nạn giao thông và 1 vụ do đốt.

Giải thích thêm về những vụ cháy do nguyên nhân chập điện, đại diện Bộ Công an cho biết, dấu vết đặc trưng để lại do sự cố chập điện chi tiết thì rất khó xác định nhưng phần lớn là do mất khả năng cách điện của dây dẫn bởi các lý do như: Côn trùng cắn, lão hóa dây vỏ, quá tải công suất điện nguồn do lắp thêm còi, đèn hoặc đấu nối sai… Sự cố kỹ thuật thì do các yếu tố như: cháy nổ I ốt, chập IC, mòn lốp gây cháy, bục gioăng dầu, bục ống dẫn nhiên liệu…

Trả lời câu hỏi của báo giới, cũng là nghi ngờ chính của dư luận về việc liệu có hay không nguyên nhân gây cháy xe là do sử dụng xăng, dầu kém chất lượng, ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục tiêu chuẩn, đo lường chất lượng Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định, theo kết quả nghiên cứu của ngành, có tới 552 trong tổng số 704 mẫu đạt chất lượng theo yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 1:2009/BKHCN (chiếm 78,4%). Chỉ có 147 mẫu (20,9%) không đạt chất lượng về chỉ số octan và 5/704 mẫu (0,7%) có metanol.

Tổng cục cũng đã tiến hành lấy 56 mẫu liên quan tới xe cháy để thử nghiệm thì tất cả đều phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật trên. Ông Vinh khẳng định, với các kết quả thử nghiệm này thì chưa có bằng chứng xăng, dầu là nguyên nhân trực tiếp gây ra cháy nổ xe cơ giới trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu về lý thuyết có thể gây cháy nổ của Tổng cục cũng cảnh báo các nguyên nhân như: Nhiên liệu xăng có pha hàm lượng etanol, hoặc metanol cao có thể dẫn đến lão hóa đường ống nhiên liệu, gioăng cao su làm rò rỉ nhiên liệu dễ gây cháy nổ khi có chập cháy, tia lửa điện. Xe máy hiện đại sử dụng nhiên liệu có chỉ số RON thấp như xăng A83 cũng làm nóng động cơ hơn bình thường có thể gây cháy. Cốp xe nếu chứa những vật dễ cháy như bình gas nhỏ, bật lửa có thể gây cháy vì nhiệt độ trong cốp xe lên tới 60 độ C.

Đáng chú ý, xe hiện đại thường được thiết kế theo tiêu chuẩn Euro 4, 5 trong khi xăng dầu của Việt Nam chỉ phù hợp cho tiêu chuẩn Euro 2 cũng có thể làm nóng máy, gây cháy khi tiếp xúc với các vật dễ cháy.

Giải thích lý do đến thời điểm này vẫn chưa có kết quả xác minh nguyên nhân các vụ cháy nổ các phương tiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Bộ đã thành lập Đề tài cấp Nhà nước với nhiều cơ sở nghiên cứu lớn, với quy mô rộng nên cần thêm thời gian mới có thể kết luận, công bố.

Trao đổi với các cơ quan quản lý Nhà nước về cách thức tiến hành xác định nguyên nhân của các vụ cháy nổ trên, chưa hài lòng với kết luận xăng dầu không phải thủ phạm chính, phó giáo sư-tiến sỹ Hoàng Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm tư vấn, giám định dân sự của Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam đề nghị Tổng cục tiêu chuẩn, đo lường chất lượng cần xem xét lại tiêu chí giám định xăng dầu.

Ông Hùng cho rằng, xăng dầu hiện được nhập vào Việt Nam từ nhiều nguồn khác nhau, do vậy có thể có những tiêu chí, chất lượng khác nhau. Việc chỉ căn cứ vào hai chỉ số octan và metanol theo quy chuẩn cũ, chưa đề cập đến những chất hóa học khác trong xăng cũng là chất gây cháy của phía cơ quan nghiên cứu là chưa phù hợp.

Khẳng định rằng, kết quả nghiên cứu của các bộ đã bước đầu làm rõ nguyên nhân của các vụ cháy nổ xe cơ giới thời gian qua, Thiếu tướng Trần Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết, để ngăn ngừa những trường hợp này, Bộ Công an đã có những khuyến cáo phòng cháy chữa cháy đến người dân để lưu ý trong quá trình sử dụng.

Ông Dũng cũng cho biết, các bộ liên quan sẽ tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, nghiên cứu thêm các nguyên nhân gây cháy xe cơ giới và sẽ công bố khi có đầy đủ cơ sở kết luận.

Theo khuyến cáo của Bộ Công an, người dân không nên lắp đặt thêm thiết bị, phụ kiện không đúng thiết kế; thường xuyên kiểm tra, phát hiện xử lý phương tiện khi có dấu hiệu khác lạ; không mua xăng dầu ở các điểm không rõ nguồn gốc; không để chất dễ cháy, bắt lửa trong xe…

Bộ Công an cũng đề nghị các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô xe máy nâng cao chất lượng các chi tiết sản phẩm, tăng hệ số an toàn của hệ thống điện, nhiên liệu và các vật liệu chế tạo thích ứng với xăng dầu đang sử dụng trong nước…

TTXVN

;
.
.
.
.
.