.

Phân làn đường: Nảy sinh những bất cập

.

(ĐNĐT) – Việc Đà Nẵng tổ chức và triển khai quyết liệt phân làn giao thông trên một số tuyến đường được đa số người dân đồng tình ủng hộ và cho rằng đây là giải pháp hay để hạn chế tai nạn giao thông. Tuy nhiên, mới áp dụng được một ngày nhưng đã lộ ra những bất cập.

Tùy từng tuyến đường mà phân làn

Nhiều người dân cho rằng không nên phân làn trên tuyến đường Lê Duẩn vì quá hẹp
Việc phân làn thực hiện tốt sẽ góp phần chống ùn tắc và hạn chế tai nạn giao thông, tuy nhiên theo một số người dân, chỉ nên áp dụng trên một số tuyến đường rộng rãi, bởi những tuyến đường hẹp sẽ bất hợp lý (Ảnh chụp trên đường Đống Đa, quận Hải Châu, Đà Nẵng, sáng 2-4).

Ông Nguyễn Bá Lộc (trú Tổ 21 phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết, ông đồng tình với việc làm này vì nó sẽ góp phần chống ùn tắc và hạn chế tai nạn giao thông, tuy nhiên chỉ nên áp dụng trên một số tuyến đường rộng rãi. Bởi những tuyến đường hẹp như đường Đống Đa, đường 3-2 thì việc phân làn là bất hợp lý.

“Cả hai tuyến đường này chỉ có 3 làn đường, theo quy định làn bên trái giành cho ôtô, bên phải giành cho xe máy và xe thô sơ. Nhưng dọc đoạn đường, chỉ cần ôtô dừng đỗ là sẽ choán hết phần đường dành cho xe máy, xe thô sơ. Đương nhiên xe máy và xe thô sơ sẽ phải lách sang phần đường dành cho ôtô để tiếp tục lưu thông thì vô hình chung, người điều khiển phương tiện giao thông là xe máy, xe thô sơ đã vi phạm quyđịnh và bị xử phạt”, ông Lộc nói.

Trung tá Huỳnh Bá Bút, Trạm trưởng Trạm CSGT Cửa ô Hòa Phước làm nhiệm vụ trên tuyến đường 3-2 cho biết, qua hai ngày ra quân xử lý trên tuyến đường này đa số người dân chấp hành tốt. Còn một số ít người hợp vi phạm thì đều rất nghiêm túc nộp phạt. Trong buổi sáng ngày 2-4, đã có 40 trường hợp (tất cả là xe máy) vi phạm trên tuyến đường 3-2 bị xử phạt.

“Đúng là tuyến đường 3-2 vẫn còn sự bất cập khi xử lý đi sai làn, bởi lượng môtô, xe gắn máy lưu thông nhiều nhưng ít làn đường hơn ôtô. Đó là hai ngày nay học sinh còn nghỉ lễ, chứ có thêm học sinh đi xe đạp tham gia giao thông, mà ôtô dừng, đậu thì làn đường dành cho phương tiện thô sơ và xe máy bị chiếm, đương nhiên họ sẽ phải lấn qua đường của ôtô và sẽ vi phạm. Nhưng việc ô tô dừng đỗ thì chưa xử phạt được vì không có biển cấm”, trung tá Bút giải thích.

Ông Bút cũng cho rằng, việc phân làn giao thông hiện nay chỉ dễ ở những tuyến đường lớn như Ngô Quyền, 2-9, Cách Mạng tháng Tám, Điện Biên Phủ…

Riêng về việc phân làn trên tuyến đường Lê Duẩn, đa số các ý kiến người dân hai bên đường đều cho rằng, tuyến đường nội thị này khá hẹp (chỉ có 3 làn), trong khi số lượng môtô, xe máy lưu thông nhiều hơn ôtô. Bên cạnh đó, trên tuyến đường này lại có nhiều đường rẽ ngang nên không nhất thiết phải phân làn vì nó sẽ gây ra tình trạng giao thông trở nên lộn xộn hơn.

Nhiều người dân cho rằng không nên phân làn trên tuyến đường Lê Duẩn vì quá hẹp
Nhiều người dân cho rằng, không nên phân làn trên tuyến đường Lê Duẩn.

Bà Nguyễn Thị Thu (nhà số 362 Lê Duẩn) thắc mắc: với cách phân làn hiện tại trên tuyến Lê Duẩn, khi bà muốn rẽ trái sẽ phải tạt qua đầu ôtô và ngược lại, ôtô đang đi theo làn đường bên trái, muốn rẽ phải để về nhà (nằm bên phải đường) buộc phải tạt qua bên phải và lấn đường của xe máy, xe thô sơ. Trường hợp này có bị coi là đi sai làn hay không?

Ông Nguyễn Ngọc Vinh (trú Tổ 39 phường Tân Chính, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cho rằng, đường Lê Duẩn lưu lượng xe máy là chủ yếu, nhưng lại được bố trí đến hai làn đường ôtô. Đường hẹp, xe máy đông, ôtô đậu vào làn dành cho xe thô sơ, nếu ép xe máy vào một làn, tất yếu sẽ xảy ra ùn tắc.

“Hơn nữa, dải phân cách làn đường Lê Duẩn đa số kẻ vạch đứt quãng nên theo quy định chỉ đi một đoạn, tôi lại được phép chuyển làn nhưng cũng không thể xử phạt tôi được. Việc phân làn không mang tính liên tục khiến giao thông trở nên lộn xộn”, ông Vinh phân trần.

Còn theo anh Trần Đình Bình, nhân viên Công ty cổ phần Xây lắp 3 Petrolimex tại Đà Nẵng (trên đường Lê Văn Hiến, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), phân làn trên tuyến đường Lê Văn Hiến là tốt. “Nhưng hàng ngày có cả trăm chiếc xe bồn tới cung cấp xăng, dầu và tất nhiên phải đậu đỗ trong làn đường dành cho xe thô sơ và xe máy. Như vậy là buộc các phương tiện này phải lấn qua làn đường khác, rất là nguy hiểm”, anh Bình nói. 

Xe buýt "đánh võng"

Các tuyến đường được phân làn thường không có đường dành riêng cho xe buýt cũng là bất cập lớn cho kế hoạch này.

Nhiều người dân cho rằng không nên phân làn trên tuyến đường Lê Duẩn vì quá hẹp
Hầu hết các điểm dừng, đỗ xe buýt đều được bố trí ở bên phải làn đường. Khi ra vào các điểm đón khách sẽ ép ô tô, xe máy nhường đường, dễ dẫn tới xung đột giao thông.

“Hầu hết các điểm dừng, đỗ xe buýt đều được bố trí ở bên phải làn đường. Do đó, khi đang đi từ làn đường bên trái, tài xế gần như “đánh võng” khi ra vào các điểm đón khách, tất yếu sẽ ép ô tô, xe máy nhường đường. Điều đó rất dễ dẫn tới xung đột giao thông”, ông Nguyễn Ngọc Vinh nói.

Đồng tình với vấn đề này, ông Nguyễn Bá Lộc cho rằng, hai tuyến đường Đống Đa và đường 3-2 vốn hẹp mà khi có xe buýt tấp vào đón khách (tất nhiên là có trạm dừng đã quy định) thì sẽ gây cản trở giao thông, nguy hiểm cho người đi đường.

Theo quan sát của chúng tôi, đa số người tham gia giao thông chủ yếu là đi bằng phương tiện xe máy, nhưng làn dành cho xe máy còn hẹp, dẫn đến việc đi lại rất khó khăn. Mong các cơ quan chức năng sớm có biện pháp điều chỉnh cho phù hợp.

Bài và ảnh: Đắc Mạnh

;
.
.
.
.
.