.

Sinh viên kinh tế với lính biển

.

“Hành trình đến với trái tim người lính” - góp đá xây Trường Sa là chủ đề của đêm giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa hơn một ngàn sinh viên Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng với cán bộ, chiến sĩ trẻ Vùng 3 Hải quân được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 81 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã để lại ấn tượng tốt đẹp, thể hiện tình yêu, trách nhiệm của tuổi trẻ Việt Nam với biển, đảo quê hương.
 

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng giao lưu với cán bộ, chiến sĩ trẻ Vùng 3 Hải quân. 						           		Ảnh: Văn Phiên
Sinh viên Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng giao lưu với cán bộ, chiến sĩ trẻ Vùng 3 Hải quân. Ảnh: Văn Phiên

Mới 18 giờ 30 phút nhưng hội trường Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng đã chật kín người, màu xanh của áo Đoàn xen lẫn màu trắng áo Hải quân hòa quyện với ánh đèn sân khấu lung linh chiếu sáng từng khuôn mặt vui tươi rạng ngời của tuổi trẻ, tất cả đã xích lại gần nhau để xua tan khí lạnh của đợt gió mùa Đông Bắc mới tràn về miền Trung. “Đêm giao lưu văn hóa-văn nghệ Hành trình đến với trái tim người lính - góp đá xây Trường Sa do tuổi trẻ Khoa Kinh tế phối hợp với tuổi trẻ Vùng 3 Hải quân không chỉ đóng góp về vật chất mà là đóng góp lớn về tinh thần đối với những người lính đang ngày đêm nơi đầu sóng ngọn gió. Điều quan trọng nhất là khẳng định được các bạn trẻ đã ý thức được trách nhiệm của mình với biển đảo quê hương. Mong muốn rằng những nhà kinh tế trẻ tương lai sẽ đóng góp tài năng, trí tuệ của mình vào phát triển kinh tế biển, đưa đất nước ta mạnh lên từ biển, làm giàu từ biển, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) của Đảng về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”. Đó là lời phát biểu khai mạc của thầy Bùi Quang Bình, Chủ nhiệm khoa Kinh tế, đã khơi dậy cho tuổi trẻ một đêm giao lưu cởi mở, ân tình.

Không khí “nóng” dần khi những tràng pháo tay không ngớt cổ vũ cho những bài ca, điệu múa hào hùng về tình yêu quê hương đất nước, về biển đảo quê hương. Sôi động khi hát, và lặng yên khi những thước phim ngắn kể về những công việc thầm lặng của những người lính biển thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển, giúp đỡ nhân dân trong mưa lũ của lính biển Vùng 3 được Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị Vùng phát trên màn ảnh rộng là khởi điểm cho những câu hỏi về công việc, cuộc sống, cũng như những ước mơ, hoài bão được sinh viên hỏi, lính biển trả lời, lính biển hỏi, sinh viên chia sẻ đã làm cho họ xích lại gần nhau, cởi mở, đầm ấm lạ thường. Bạn Hồ Thị Mỹ Phượng, sinh viên năm 3, không ngần ngại chia sẻ: Bạn cũng như rất nhiều sinh viên khác muốn được đến với đảo Trường Sa, đến với các anh lính biển, làm thế nào để biến mong muốn ấy thành hiện thực? Trung úy Lê Ngọc Thiện, Chính trị viên đại đội Thông tin, Phòng Tham mưu Vùng đã xung phong tâm sự với  Phượng và hàng nghìn sinh viên rằng: Để đến với Trường Sa, đến với những người lính Hải quân trên các đảo, nhà giàn thì có rất nhiều con đường như: thông qua các đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội hành trình ra thăm các chiến sĩ trên đảo, hay chính từ trái tim của các bạn gửi gắm qua các hoạt động vì biển đảo quê hương, phong trào góp đá xây Trường Sa…

Nhưng với những sinh viên kinh tế, các bạn hãy học tập thật tốt để trở thành những doanh nhân, những nhà doanh nghiệp giỏi đến với Trường Sa, đến với những đơn vị trong Quân chủng Hải quân để được cống hiến tài năng, chung sức xây dựng biển, đảo quê hương, xây dựng Quân chủng Hải quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, quyết tâm giữ gìn biển đảo như Bác Hồ kính yêu đã từng căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển, bờ biển ta dài tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.

Theo anh Đoàn Thanh Ngân, Bí thư Liên chi Đoàn Khoa Kinh tế: Không những tổ chức Đoàn của khoa mà những hoạt động của Đoàn trường những năm gần đây đều có những nội dung hướng về biển, đảo, sinh viên Trường Đại học Kinh tế với chiến sĩ Vùng 3 Hải quân hằng năm cũng có nhiều hoạt động giao lưu văn hóa-văn nghệ, TDTT, nhưng đây là một buổi giao lưu thực sự có ý nghĩa cả về vật chất và tinh thần, không những để lại ấn tượng cho sinh viên khoa kinh tế mà là tất cả cán bộ, giáo viên, sinh viên của Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng và nhất là các sinh viên năm nhất, lần đầu tiên họ được tham gia một chương trình có ý nghĩa như vậy. Trong buổi giao lưu này, các đại biểu, giảng viên, sinh viên của khoa đóng góp về vật chất tuy nhỏ nhưng đã thể hiện được tình cảm, trái tim của tuổi trẻ Khoa Kinh tế đối với biển, đảo và các chiến sĩ Hải quân đang ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ quốc. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động hơn nữa để các sinh viên thể hiện những ước mơ, hoài bão của mình với biển đảo quê hương.

Kết thúc đêm giao lưu, các sinh viên tiễn chúng tôi ra tận cổng. Bạn Dương Thị Thanh Hoa, sinh viên lớp 37K04, Khoa Kinh tế tâm sự: “Em sinh ra và lớn lên tại Tuyên Hóa, Quảng Bình, là một vùng quê miền núi nên chỉ biết về biển, đảo qua phim ảnh, sách báo. Từ khi là sinh viên Trường Đại học Kinh tế, được sống trên thành phố biển Đà Nẵng, được tham gia một số hoạt động với chiến sĩ Hải quân nên đã hiểu nhiều về biển, đảo, nhất là trong buổi giao lưu đêm nay em đã hiểu hơn về công việc, cuộc sống của các anh, em cũng như các bạn càng đồng cảm với những người lính biển, chia sẻ với các anh bằng việc góp những viên đá nhỏ để xây dựng Trường Sa”. Chia tay ra về, chúng tôi cảm nhận được tình yêu, trách nhiệm về biển, đảo quê hương của sinh viên Khoa Kinh tế đã in đậm trong trái tim những người lính biển.  

DUY KHANH

;
.
.
.
.
.