Chính sách vay vốn còn bó hẹp, nguồn vốn vay hạn chế khiến thanh niên khó lập nghiệp, làm giàu nếu không có sự trợ giúp từ gia đình.
Chính sách bó hẹp, nguồn vốn ít
Với mong muốn vay vốn để mở tiệm sửa xe máy, anh Nguyễn Đình Hiệp (23 tuổi, trú phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) đã mạnh dạn làm hồ sơ gửi lên tổ quản lý vốn vay của Đoàn phường An Hải Tây, quận Sơn Trà. Sau bao ngày háo hức, chờ đợi, anh Hiệp thất vọng khi hồ sơ không được chấp nhận với lý do rằng, trước đó thông qua kênh vốn vay cho hộ nghèo, gia đình anh đã vay 20 triệu đồng. Cũng vì lý do tương tự, chị Lê Thị Ý Nhi (20 tuổi, trú xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) đã không thể mở được quán cà-phê “cóc”. Trong khi đó, khác với anh Hiệp và chị Nhi, Hoài Hương (trú quận Sơn Trà) dù được vay vốn 20 triệu đồng nhưng để mở tiệm cho thuê băng đĩa, cô phải vay tiếp từ bạn bè.
Một cửa hàng cho thuê truyện tranh được mở tại nhà nhờ vay vốn 20 triệu đồng. |
Những trường hợp trên chỉ là ba trong số ít thanh niên chưa thể tiếp cận được nguồn vốn vay ủy thác do Đoàn quản lý, cũng như khó biến ý tưởng thành hiện thực với số vốn ít ỏi đó. Lý giải về điều này, chị Nguyễn Thị Anh Thư, Bí thư Đoàn phường An Hải Tây cho biết: “Hiện tại, Đoàn phường An Hải Tây đang quản lý 3 tổ cho vay vốn với hơn 1 tỷ đồng từ nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố. Tuy nhiên, đối tượng vay vốn chủ yếu là hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (100 hộ), còn thanh niên đứng ra vay riêng rất hiếm. Vì lãi suất khá ưu đãi nên hầu như gia đình nào đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đều làm hồ sơ xin vay. Trong khi đó, theo quy định, trong một hộ gia đình, chỉ giải quyết cho một đầu mối đứng ra vay (thông thường là bố hoặc mẹ) nên khi thanh niên có nhu cầu vay thì thường không vay được. Vì quy định đối tượng vay vốn bó hẹp như vậy nên phần lớn thanh niên chưa tiếp cận được nguồn vốn này để lập nghiệp”.
Hiện nay, có 4 kênh vay vốn chủ yếu mà Đoàn Thanh niên tham gia quản lý, bao gồm: nguồn vốn giải quyết việc làm; vốn cho học sinh, sinh viên; giúp đỡ hộ nghèo; xuất khẩu lao động. Trong đó, nguồn vốn của kênh giải quyết việc làm hiện khá ít. Chị Thư cho biết, một năm chỉ có 1-2 đợt cho vay từ kênh này với số tiền từ 20-30 triệu đồng. Chính sách vay vốn còn bó hẹp cộng với số tiền vay ít nên thanh niên khó thực hiện được dự án lập nghiệp và làm giàu từ nguồn vốn này. Vì thế, không ít trường hợp thanh niên vay vốn chỉ để... mua xe máy, máy tính.
Khó thu hồi nợ
Trong khi phần lớn thanh niên chưa tiếp cận được nguồn vốn vay thì việc quản lý các tổ vay vốn yếu, có số dư nợ quá hạn nhiều, chây ì khi đến hạn trả khiến tổ chức Đoàn cơ sở phải đau đầu. Chẳng hạn, Đoàn Thanh niên xã Hòa Khương hiện quản lý 4 tổ với gần 1 tỷ đồng vốn vay. Nhưng trong đó, có đến 17 hộ nợ quá hạn với tổng số tiền hơn 67 triệu đồng. Tổng nguồn vốn mà Đoàn xã Hòa Phú quản lý gần 700 triệu đồng, trong đó số dư nợ hơn 51 triệu đồng. Các tổ vay vốn do Đoàn xã Hòa Phước quản lý cũng chung tình trạng hoạt động kém với gần 60% số hộ vay đến hạn trả nhưng vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Anh Đinh Ngọc Dũng, Bí thư Đoàn xã Hòa Khương nói: “Đoàn xã quản lý nguồn vốn không nhiều nhưng để thu hồi lại rất khó. Không phải chúng tôi quản lý kém mà vì các hộ gia đình vay đều có hoàn cảnh khó khăn, nhiều người chây ì. Nhiều lúc anh em đi thu lãi cả buổi cũng chỉ về tay không. Chúng tôi có lúc thấy nản”.
Anh Nguyễn Huy Bình, Bí thư Quận Đoàn Sơn Trà cho biết: “Số thanh niên “bứt” lên làm giàu từ nguồn vốn vay vẫn rất ít, nhất là thanh niên ở các vùng đô thị thì nguồn vốn vay giải quyết việc làm chưa thật sự thể hiện được vai trò trong việc hỗ trợ thanh niên. Tuy nhiên, qua thực tế vay vốn của thanh niên, tôi nghĩ nếu được tin tưởng cho vay số vốn lớn hơn, họ sẽ phát huy được hiệu quả, không những cho bản thân họ mà còn cho cộng đồng”.
Bài và ảnh: HOÀNG LINH