Những năm qua, phong trào thanh niên xung kích (TNXK) ở xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang) phát triển rộng khắp, với nhiều cách làm năng động, sáng tạo và đạt kết quả thiết thực.
Thanh niên xung kích xã Hòa Phú phát dọn cây cỏ trên tuyến đường ĐT 604. |
Trời mưa lớn, nước sông Lổ Đông dâng lên ngập cả khu vực cổng chợ Hòa Phú. Những chàng trai tay đeo băng đỏ, mặc cho mưa gió vẫn khẩn trương điều khiển hai chiếc ghe để vận chuyển người và phương tiện qua lại. Đó là những TNXK ở xã Hòa Phú. Bên trong chợ cũng có hàng chục TNXK đang hối hả giúp bà con tiểu thương vận chuyển hàng hóa lên gác, hoặc đưa đến nơi an toàn.
Đội TNXK xã Hòa Phú do Bí thư Đoàn xã Lê Văn Thân làm đội trưởng có hơn 30 thành viên - những đoàn viên, thanh niên khỏe mạnh và giàu nhiệt huyết. Hằng năm, anh chị em hăng hái tham gia làm đường giao thông, dọn vệ sinh môi trường, cùng với lực lượng dân quân xã giúp dân phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai... Như trường hợp nhà bà Nguyễn Thị Nhạn ở Đông Lâm bị gió bay tốc mái và được các thành viên đội TNXK đến lợp lại. “Khi thấy nhà bị tốc hết mái, tôi lo không biết tiền đâu để thuê người lợp lại, nhưng hôm sau đã có lực lượng TNXK đến lợp lại giúp”, bà Nhạn bộc bạch.
Đặc biệt, đội TNXK Hòa Phú đã đến giúp các hộ dân tộc nghèo ở thôn Phú Túc trồng vườn chuối cao sản và hướng dẫn cho bà con kỹ thuật canh tác các loại cây ngắn ngày, có năng suất cao. Ông Đinh Văn Nhôm, Trưởng thôn Phú Túc hồ hởi nói: Anh em TNXK thường đến đây giúp người Cơtu mình. Nhân dân thôn mình quý anh em nhiều lắm!
Ở Hòa Phú có nhiều gương thanh niên nghèo vượt khó vươn lên lập thân lập nghiệp, thiết thực góp phần phát triển kinh tế của xã. Đó là anh Nguyễn Tấn Quang, Bí thư Chi đoàn thôn Hội Phước, hằng năm nuôi 3 lứa heo, mỗi lứa 20 con và trồng nhiều chuối, rau lang để làm thức ăn cho heo. Anh chuyên nuôi heo thịt, lúc mua heo đã được vài tháng tuổi, nuôi tiếp từ 3-4 tháng thì có heo bán. “Trừ chi phí, bình quân mỗi con lãi được 800.000 đồng”, anh Quang cho hay.
Hằng năm, Xã Đoàn Hòa Phú chú trọng phối hợp tổ chức các hoạt động chuyển giao kỹ thuật, tạo điều kiện cho các hộ nghèo vay vốn ưu đãi, tích cực tư vấn hướng nghiệp, chủ động nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn, giới thiệu thanh niên theo học các lớp đào tạo nghề phù hợp… Nhờ đó, phong trào thanh niên lập thân lập nghiệp ở xã miền núi này phát triển mạnh, với nhiều cách làm sáng tạo. Anh Mạc Như Nguyên (thôn Hội Phước) là chủ nhân của 2 chiếc xe tải và kinh doanh đạt hiệu quả cao ở tuổi 26. “Nhận thấy việc trồng rừng đang phát triển mạnh, đoán là nhu cầu vận chuyển gỗ sẽ tăng nhanh nên mình quyết tâm học nghề lái xe, rồi vay tiền mua xe tải để làm dịch vụ vận chuyển và thu hồi đủ vốn chỉ trong thời gian ngắn”, anh Nguyên chia sẻ. Còn anh Lê Văn Hoàng, người dân tộc Cơtu ở thôn Phú Túc, đã mạnh dạn đầu tư trồng 7 hecta rừng, làm cả vườn ươm cây giống và trở thành tấm gương thanh niên lập thân lập nghiệp điển hình.
Còn rất nhiều gương sáng trong phong trào TNXK của tuổi trẻ Hòa Phú vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương, từ đó đã và đang làm đổi thay bộ mặt nông thôn nơi đây, mang lại sinh khí mới cho vùng đất cách mạng năm xưa.
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM