(Tiếp theo)
Tại Công văn số 372 ngày 23-4-2012, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trả lời như sau:
Thực hiện chức năng giám sát tối cao của Quốc hội, tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII, ngày 15 tháng 11 năm 2008, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 28/2008/QH12 về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2009, trong đó Quốc hội tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước”. Mục đích của cuộc giám sát này là đánh giá tình hình ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước; qua đó đánh giá những kết quả đã đạt được trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cũng như những vướng mắc trong hệ thống văn bản pháp luật và những khó khăn, hạn chế, yếu kém trong tổ chức thực hiện; làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, các bộ, ngành và của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước; từ đó đưa ra các đề xuất, kiến nghị để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, thực hiện nghiêm và có hiệu quả chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty.
Theo đó, tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XII, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo kết quả giám sát về chuyên đề nói trên gửi đến các đại biểu Quốc hội, trong đó nêu rõ những kết quả đã đạt được cũng như những hạn chế, bất cập trong việc ban hành văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách quản lý vốn, tài sản Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Báo cáo giám sát cũng đưa ra kiến nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức và mô hình hoạt động của tập đoàn kinh tế, xây dựng thị trường kinh doanh lành mạnh. Trên cơ sở Báo cáo kết quả giám sát, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 42/2009/QH12 ngày 27 tháng 11 năm 2009 về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Tại Nghị quyết này, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để điều chỉnh toàn diện, đồng bộ và thống nhất các vấn đề về quản lý, quản trị doanh nghiệp, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước; trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan và sớm trình để ban hành Luật Sử dụng vốn và tài sản Nhà nước đầu tư vào kinh doanh. Nghị quyết cũng yêu cầu Chính phủ cần có quy định cụ thể về chế độ báo cáo và công khai, minh bạch kết quả hoạt động, bao gồm cả phân phối lợi nhuận của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước trên cơ sở các tiêu chí được xác định rõ ràng làm cơ sở để kiểm tra, kiểm soát, thanh tra và giám sát.
Tiếp đó, tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XII, thực hiện Nghị quyết số 42/2009/QH12 ngày 27-11-2009 của Quốc hội, Chính phủ đã có Báo cáo số 163/BC-CP về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 23-2-2010 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 42/2009/QH12 của Quốc hội. Theo đó, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành rà soát và triển khai tập trung xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về quản lý, quản trị doanh nghiệp, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã trực tiếp nghe và xử lý các vấn đề vướng mắc của tập đoàn, tổng công ty, kiên quyết chỉ đạo việc sắp xếp, tổ chức lại các tập đoàn, tổng công ty kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ. Chỉ đạo việc thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh; công tác cổ phần hóa, ngăn ngừa thất thoát tài sản Nhà nước tại một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Tại kỳ họp này, Ủy ban Kinh tế cũng có báo cáo số 1855/UBKT12 ngày 5-11-2010 về việc thực hiện Nghị quyết số 42/2009/QH12 của Quốc hội. Trong đó, Ủy ban Kinh tế đề xuất, kiến nghị Quốc hội sớm thông qua Luật Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc quản lý và sử dụng vốn, tài sản tại các doanh nghiệp Nhà nước.
Ngoài các nội dung nêu trên, tại các kỳ họp của Quốc hội, trong các báo cáo thẩm tra kinh tế - xã hội hằng năm, Ủy ban Kinh tế cũng có đề cập đến hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước. Như tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII, trong báo cáo thẩm tra đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011; phương hướng, nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, Ủy ban Kinh tế đã nhấn mạnh các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm là:“Chú trọng công tác cải cách khu vực doanh nghiệp, trọng tâm là doanh nghiệp Nhà nước. Cần có giải pháp quyết liệt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị doanh nghiệp Nhà nước...” và Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 cũng đề nghị cần “Tái cấu trúc doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế theo hướng phát triển bền vững, trong đó trước mắt tập trung tái cấu trúc các doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước để lực lượng này trở thành công cụ dẫn dắt thị trường theo mục tiêu phát triển của Nhà nước. Xây dựng lộ trình cổ phần hóa các công ty Nhà nước kinh doanh ngoài lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính; rút dần vốn đầu tư vào khu vực tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, quỹ đầu tư), bất động sản và chấm dứt vào năm 2015”.
Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến nêu trên của cử tri, Ủy ban Kinh tế sẽ tiếp tục quan tâm, lưu ý và có ý kiến khi Quốc hội xây dựng Chương trình giám sát hoặc trong các chương trình nghị sự khác của Quốc hội.
(Còn nữa)
H.B.P tổng hợp