.

Cần quy định hệ thống tổ chức Công đoàn các cấp

.

(ĐNĐT) - Ngày 25-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) và Luật giáo dục đại học.

ĐB Huỳnh Nghĩa phát biểu tại hội trường
ĐB Huỳnh Nghĩa phát biểu tại hội trường

Chăm lo đời sống và bảo vệ quyền lợi người lao động của Công đoàn rất mờ nhạt

Phát biểu về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa tham gia làm rõ vấn đề tổ chức bộ máy và tài chính công đoàn. Theo ĐB, đây chính là hai nội dung rất quan trọng, thể hiện địa vị pháp lý, tăng cường sức mạnh và là điều kiện đảm bảo thực hiện tốt chức năng của công đoàn.

ĐB Huỳnh Nghĩa cho rằng, qua theo dõi, giám sát và phản ảnh của cử tri, tổ chức bộ máy các cấp công đoàn hiện nay còn nhiều tồn tại, nhiều cấp trung gian, mang nặng tính hành chính cấp trên - cấp dưới, chưa phù hợp với chức năng nhiệm vụ; chưa phân biệt rõ chức năng nhiệm vụ của công đoàn cấp trên và cấp trên trực tiếp; chưa xác định rõ địa vị pháp lý và vai trò của từng cấp công đoàn trong chỉ đạo cơ sở cũng như tổ chức những hoạt động liên quan đến người lao động.

Theo ĐB, hiện nay ở Trung ương có Tổng Liên đoàn lao động; cấp tỉnh có Liên đoàn lao động tỉnh; cấp huyện có công đoàn huyện, nhưng tại cấp huyện lại có công đoàn giáo dục huyện; công đoàn cơ sở trường học là 5 cấp công đoàn, dẫn đến chồng chéo trong chỉ đạo hoạt động, tình trạng “cha chung” nên khi nảy sinh những vướng mắc về quan hệ lao động, công đoàn rất lúng túng khi đề ra các giải pháp để cùng với cơ quan nhà nước giải quyết kịp thời. Đối với các cấp công đoàn tổ chức theo ngành nghề cũng tương tự như vậy.

Muốn giải quyết tồn tại trên, theo ĐB Huỳnh Nghĩa, Điều 7 phải chỉ rõ tổ chức bộ máy của cả hệ thống công đoàn và từng cấp công đoàn theo nguyên tắc gì? Theo mối quan hệ nào? Tổ chức theo nguyên tắc lãnh thổ, nguyên tắc ngành nghề? Hay theo số lượng đoàn viên? Mỗi cấp công đoàn có đặc thù riêng nên cần luật hóa và quy định rõ ràng, tránh sự tùy tiện, chủ quan, duy ý chí khi hình thành một cấp nào đó trong hệ thống công đoàn.

ĐB Huỳnh Nghĩa nêu thực trạng bộ máy công đoàn hiện nay khá cồng kềnh, trong khi hai chức năng cơ bản của công đoàn là chăm lo đời sống và bảo vệ quyền lợi người lao động thì lại rất mờ nhạt. Chính vì vậy, ĐB hoàn toàn nhất trí ý kiến của nhiều vị đại biểu Quốc hội, đề nghị sửa đổi Điều 7 theo hướng, quy định rõ trong luật hệ thống tổ chức công đoàn gồm 4 cấp: Tổng Công đoàn Việt Nam, Công đoàn tỉnh, công đoàn huyện và công đoàn cơ sở. Không giao vấn đề này cho Tổng Công đoàn Việt Nam quy định trong Điều lệ Công đoàn.

Theo ĐB Huỳnh Nghĩa, vấn đề quản lý, sử dụng, kiểm tra, giám sát tài chính công đoàn thời gian qua được dư luận đặc biệt quan tâm và đã đóng góp nhiều ý kiến xác đáng. Nay Điều 27, điều 29 dự thảo đã tiếp thu và chỉnh sửa. Nhưng dù sao kinh phí công đoàn phải được kiểm tra, giám sát chặt chẽ bởi các cơ quan chức năng theo đúng quy định pháp luật, nhằm đảm bảo nguồn kinh phí này được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng địa chỉ và bảo đảm hiệu quả, chủ yếu tập trung chăm lo đời sống vật chất và bảo vệ quyền lợi người lao động. Do đó, ĐB đề nghị Quốc hội xem xét, đánh giá một cách toàn diện, khách quan về việc thu và sử dụng khoản 2% nhằm mục tiêu nâng cao thực chất hiệu quả hoạt động công đoàn, góp phần chăm lo quyền lợi của người lao động, đồng thời đáp ứng quyền lợi người sử dụng lao động, tạo bình đẳng giữa các đơn vị sử dụng lao động, từ đó có những chính sách thực sự phù hợp, công bằng.

Luật giáo dục đại học: không rõ ràng giữa lợi nhuận - không lợi nhuận

Tham gia thảo luận dự thảo Luật giáo dục đại học, đại biểu Quốc hội chuyên trách thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, xã hội hóa giáo dục đại học là chủ trương đưa ra từ nhiều năm nay, đã có nhiều văn bản quy định nhưng việc triển khai còn rất chậm, thậm chí lệch hướng sang thương mại hóa giáo dục đại học.

Với qui định tại Khoản 3, Điều 7 dự thảo luật về cơ sở giáo dục đại học có 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài, cơ sở giáo dục đại học liên doanh giữa nhà đầu tư nước ngoài với nhà đầu tư trong nước, chúng ta đã chính thức chấp nhận sự tồn tại của thị trường giáo dục và đồng nghĩa với việc chấm dứt cuộc tranh luận có hay không có, nên chấp nhận hay không chấp nhận loại thị trường này ở nước ta.

Theo ĐB, sự tồn tại thị trường giáo dục không phải là thảm họa, tuy nhiên cần phải đưa vào luật phân biệt như thế nào cho rõ ràng hai loại hình dịch vụ giáo dục, đó là dịch vụ vì mục đích lợi nhuận và không vì mục đích lợi nhuận, có như thế thì chúng ta mới có những chính sách phù hợp với mỗi loại hình. Việc chấp nhận chia lợi tức và giành thẩm quyền cao nhất cho các cổ đông ở trường tư thục không khác gì nguyên tắc tổ chức hoạt động của công ty cổ phần.

ĐB cho rằng, do phải thỏa mãn yêu cầu về lợi nhuận của các cổ đông làm cho các trường tư thục vì lợi nhuận không thể đáp ứng được chức năng giáo dục thường có của một trường đại học công lập. Bởi những hạn chế thường là thương mại hóa giáo dục, chạy theo lợi nhuận, chạy theo ngành đào tạo chi phí thấp, nhu cầu lớn, không có đầu tư lớn vào nghiên cứu cơ bản, thậm chí có những hành vi vi phạm về quy chế tuyển sinh cũng như quy chế đào tạo. Mặt khác, nguyên tắc hoạt động vì lợi nhuận cũng đã giải thích vì sao ở Việt Nam không ít trường đại học ngoài công lập phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp nội bộ gay gắt, kéo dài, mà ở những trường đại học như vậy thì rất khó phát triển.

Bày tỏ sự rất tiếc rằng, dự thảo luật đang duy trì một tình trạng không rõ ràng về mục đích hoạt động vì lợi nhuận, không vì lợi nhuận và kéo dài sự ưu đãi của Nhà nước cho những cơ sở kinh doanh giáo dục, bà Kim Thúy đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc lại, làm rõ vấn đề này.

Về gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học và với đơn vị sử dụng lao động, theo ĐB Kim Thúy, thực tế ở nước ta có nhiều cơ sở đào tạo chưa thấy nghiên cứu khoa học vốn là một khâu không thể thiếu trong chương trình đào tạo để đảm bảo chất lượng giảng dạy, học tập. Thậm chí phần lớn các trường ngoài công lập không bố trí kinh phí cho công tác này. Về phía giảng viên thì do thù lao số giờ giảng cao đem lại thu nhập tức thời và cao hơn thu nhập từ nghiên cứu khoa học, đồng thời do ngại tiến hành các thủ tục như đăng ký đề tài, đấu thầu, nghiệm thu, quyết toán…nên ít dành thời gian tham gia nghiên cứu khoa học và hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học. Thực tế cho thấy, hàng chục năm qua chính sách này được giao cho các bộ nghiên cứu xây dựng nhưng chưa thành công. Đến lúc này luật không đưa ra được những quy định cụ thể mà giao cho các bộ tiếp tục nghiên cứu thì giải pháp gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học lại tiếp tục phải chờ thêm nhiều năm nữa.

PHẠM HỮU HOA

;
.
.
.
.
.