.
Chủ trương, văn bản và cuộc sống

Kỳ 2: Luật Cư trú không theo kịp thực tiễn

.

“Nếu không giải quyết được bài toán phân bổ dân cư ngay bây giờ, để rồi tương lai là cảnh sống chen chúc, kẹt xe, bức tranh thành phố đáng sống bị phá vỡ, thì lãnh đạo UBND, HĐND thành phố có tội với nhân dân, với lịch sử. Vì vậy, lãnh đạo thành phố phải lựa chọn quyết liệt, hoặc bảo đảm cho cuộc sống của người dân tốt hơn, cho sự phát triển của Đà Nẵng, hoặc buông xuôi”, ông Nguyễn Bá Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh.

Giải quyết đăng ký thường trú tại quận Thanh Khê.                                                                                                      Ảnh: Sơn Trung
Giải quyết đăng ký thường trú tại quận Thanh Khê.                                         Ảnh: Sơn Trung

* Việc Đà Nẵng tạm dừng đăng ký nhập cư vào nội thành đối với những người đang sống nhà thuê, nhà mượn, hoặc ở nhờ đã gây ra rất nhiều tranh cãi. Vậy quyết định này của Đà Nẵng dựa trên cơ sở nào, thưa ông?

- Chưa nói đến việc Đà Nẵng phạm luật hay không với quyết định tạm dừng đăng ký nhập cư, trước hết bàn về các quy định của Luật Cư trú, Luật Tổ chức HĐND và UBND.

Khoản 3, Điều 6, Luật Cư trú quy định giao cho UBND các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý Nhà nước về cư trú tại địa phương theo quy định của Luật này, các quy định khác của pháp luật có liên quan và phân cấp của Chính phủ. Khoản 3, Điều 26, Luật Tổ chức HĐND và UBND cũng quy định trao cho HĐND các địa phương quyền quyết định biện pháp quản lý dân cư đô thị và tổ chức đời sống nhân dân trên địa bàn nhằm bảo đảm sự phát triển hài hòa, bền vững của đô thị.

Như vậy, Đà Nẵng có quyền đề ra những giải pháp để quản lý dân cư đô thị trong phạm vi địa bàn của mình. Luật Tổ chức HĐND và UBND cùng Luật Cư trú có giá trị pháp lý ngang nhau. Không thể vì Đà Nẵng thực hiện theo Luật Tổ chức HĐND và UBND thì nói là “phạm luật” (Luật Cư trú).

Thực tế, không có chuyện Đà Nẵng “cấm cửa dân nhập cư”. Điểm 9 khoản 3, Điều 1 - Nghị quyết HĐND thành phố nêu rõ: “… Trong khi chờ xin ý kiến của Trung ương về một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện Luật Cư trú trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú mới vào khu vực nội thành đối với các trường hợp chỗ ở là nhà thuê, mượn, ở nhờ mà không có nghề nghiệp hoặc có nhiều tiền án, tiền sự…”.

* Như vậy, Luật Cư trú đã thể hiện những bất cập?

- Đúng vậy. Một trong những nguyên tắc quan trọng của Luật Cư trú được quy định tại khoản 2, Điều 4 là phải bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của Nhà nước, cộng đồng, xã hội; kết hợp giữa việc bảo đảm quyền tự do cư trú, các quyền cơ bản khác của công dân và trách nhiệm của Nhà nước với nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Nhưng nếu vin vào quy định này mà nói Đà Nẵng “phạm luật” thì cách nói như vậy chưa nhìn đầy đủ và chưa toàn diện. Quyền của công dân không phải là quyền đơn lẻ mà phải vừa được bảo vệ đúng quy định của pháp luật, vừa được đặt tổng hòa trong các mối quan hệ khác.

Cuộc sống thực tiễn luôn vận động và những quy phạm pháp luật cũng cần được nghiên cứu sửa đổi kịp thời, phù hợp. Cuộc sống đặt ra vấn đề: thiếu chế tài mạnh. Song, khi Đà Nẵng thực hiện chế tài mạnh thì bị “thổi còi”. Có thể thấy Đà Nẵng đang bị kẹt giữa 2 yếu tố: tính pháp chế của văn bản và nhu cầu của người dân.

* Ông đã từng nhắc đến việc thiếu thiết chế về chính quyền đô thị. Vấn đề này cụ thể như thế nào, thưa ông?

- Quả thật chúng ta chưa có thiết chế về chính quyền đô thị. Diện tích sàn tối thiểu đối với mỗi đầu người được quy định cho Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là 5m2. Về mặt quản lý Nhà nước, diện tích sàn 5m2/đầu người không ngang tầm với sự phát triển.

* Nếu Đà Nẵng không hạn chế nhập cư vào trung tâm, nơi có mật độ dân cư cao, tất yếu sẽ xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông và quá tải đối với các dịch vụ y tế, giáo dục… như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh?

- Không thể phủ nhận sự đóng góp của một bộ phận dân nhập cư đối với sự phát triển của Đà Nẵng. Nhưng một bộ phận khác gồm những người không nghề nghiệp, không có nhà cửa, không có nơi ở ổn định, hoặc có nhiều tiền án, tiền sự… đang tạo áp lực đối với Chương trình “5 không” và “3 có” của Đà Nẵng. Chúng ta không thể khoanh tay để tụt đi thành quả 15 năm xây dựng và phát triển kể từ khi Đà Nẵng là thành phố trực thuộc Trung ương. Chúng ta cũng không thể để có “bệnh” rồi mới chữa như trường hợp của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh khi lượng dân nhập cư lớn làm tăng dân số cơ học nhưng không bảo đảm về chất lượng cư dân đô thị, mà cần phải phòng “bệnh” từ xa.

Nếu không giải quyết được bài toán phân bổ dân cư ngay bây giờ, để rồi tương lai là cảnh sống chen chúc, kẹt xe, bức tranh thành phố hài hòa, thân thiện, an bình, hấp dẫn và đáng sống bị phá vỡ, thì lãnh đạo UBND, HĐND thành phố có tội với nhân dân, với lịch sử. Vì vậy, lãnh đạo thành phố phải lựa chọn quyết liệt, hoặc bảo đảm cho cuộc sống của người dân tốt hơn, cho sự phát triển bền vững của thành phố, hoặc buông xuôi.

* Xin cảm ơn ông!

QUÝ LÂM - TÚ PHƯƠNG thực hiện

Kỳ tới: Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm!

;
.
.
.
.
.