.

Cuộc chiến đấu trong tù

.

Cựu chiến binh (CCB) Lê Minh Xuân (ảnh), (tổ 16, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) bồi hồi nhớ lại cuộc đấu tranh biến ngục tù đế quốc thành trường học cách mạng trong những năm kháng chiến chống Pháp.

...Đầu năm 1952, tôi là Bí thư chi bộ Nho Bán, kiêm Thư ký Công đoàn Trần Cung, có nhiệm vụ xây dựng các cơ sở cách mạng trong số tàu thuyền ngư dân tại khu vực cảng Tiên Sa (Đà Nẵng). Giữa tháng 7-1952, do có kẻ chỉ điểm, tôi bị sa vào tay địch, bị cực hình tra tấn tàn khốc, rồi mang án khổ sai chung thân và đày ra Côn Đảo vào đầu tháng 10-1952. 102 tù chính trị ngồi trong hầm tàu, động viên nhau giữ vững ý chí, tiếp tục cuộc chiến đấu mới ở nơi “địa ngục trần gian”.

Ngay từ khi vừa tới đảo, chúng tôi đã bị địch dùng dùi cui phang tới tấp vào người suốt từ cầu tàu cho tới trại giam. Máu của hàng trăm tù nhân thấm đỏ cả đoạn đường dài. Đến trại, chúng phát cho mỗi người một bộ đồ tù, trên áo có in 3 con số. Áo tù của tôi mang số 751. Giữa bốn bề trùng khơi, gió rét thấu xương, nhưng áo quần tù nhân lại làm bằng loại vải rất mỏng, che không kín da.

Tôi và những anh em mà chúng xếp vào loại “nguy hiểm” đã bị nhốt vào căn cấm cố. Trong căn này có 51 tù nhân (cả cũ và mới), trong đó có 21 đảng viên, Bí thư chi bộ là đồng chí Đỗ Văn Đích. Hằng ngày, chi bộ tổ chức cho anh em học chính trị và ca hát. Sau một thời gian vào đây, tôi được anh em bầu bổ sung vào chi ủy. Các đồng chí trong chi ủy thay nhau giảng bài và duy trì thảo luận rất sôi nổi. Dù bị còng chân vào những thanh sắt to, nhưng cả người dạy lẫn người học đều hào hứng, say sưa với nội dung bài học. Hoàn toàn không giấy, không bút, người dạy dùng kiến thức của mình để giảng giải, phân tích. Người học chú ý lắng nghe, chỗ nào chưa hiểu thì hỏi lại. Chi ủy tập trung giảng 4 nội dung: Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; những lời dạy của Người; Điều lệ Đảng; đường lối trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi. Anh em nhớ rất nhanh những lời dạy của Bác và rất thích hai câu thơ: “Gốc có vững, cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Chúng tôi giảng kỹ nội dung “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Bác Hồ và liên hệ rằng, anh em dù ở trong tù nhưng vẫn giữ vững tinh thần kiên trung, bất khuất và nêu cao ý chí đấu tranh, như vậy cũng góp phần vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thực hiện lời kêu gọi của Bác.

Những bài hát chúng tôi thường tập là “Tiến quân ca”, “Quốc tế ca”, “Chiến sĩ Việt Nam”... Ai cũng gầy guộc, ốm yếu, nhưng đều say sưa hát. Mỗi tuần học chính trị 2 buổi vào sáng thứ 3 và sáng thứ 6. Khi học, chúng tôi phân công người canh, hễ thấy cai tù đến là dừng học. Riêng việc hát thì tập thường xuyên hằng ngày và cũng chẳng cần phải canh. Nhiều lần cai tù và trật tự viên xông vào đàn áp, đánh đập dã man; nhưng sau đó, việc học, việc hát của chúng tôi vẫn tiếp tục.

Trong dịp kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1953), cả căn phòng chúng tôi hát vang những bài hát ngợi ca công ơn Người. Chi ủy tập trung kể lại những mẩu chuyện hay về Bác và phân tích một số bài thơ của Người trong tập “Nhật ký trong tù”. Tất cả anh em, ai cũng thuộc lòng 4 câu thơ của Bác: “Thân thể ở trong lao/Tinh thần ở ngoài lao/Muốn nên sự nghiệp lớn/Tinh thần cần phải cao”. Và dường như tài năng, đức độ, tâm huyết vì dân vì nước của Người đã làm cho đối phương cảm phục, nên suốt ngày 19-5 năm ấy, cả khu cấm cố liên tục vang lên những bài hát ca ngợi Người mà cai tù vẫn giả lơ như không biết.

Cuối tháng 7-1954, tù chính trị ở Côn Đảo được trả tự do theo tinh thần Hiệp định Geneva. Chiếc tàu vận tải chở chúng tôi cập bến Sầm Sơn (Thanh Hóa). Như chim sổ lồng, chúng tôi hát vang những bài ca cách mạng và ngập tràn niềm vui của những đứa con được trở về trong lòng đất mẹ thân yêu.

LÊ VĂN THƠM ghi
 

;
.
.
.
.
.