.
ĐỪNG IM LẶNG TRƯỚC BẠO LỰC GIA ĐÌNH

Hãy nhìn vào mắt con!

.

Trước tòa, cặp vợ chồng trẻ mặc sức chì chiết  nhau. Chỉ có những đứa trẻ vẫn lặng câm đứng đó, không biết nói gì, đôi mắt trong veo ngơ ngác đến tội nghiệp nhìn hai đấng sinh thành. Con đường phía sau phiên tòa đối với chúng bỗng trở nên tối sầm lại.

Gia đình hạnh phúc giúp trẻ phát triển toàn diện về nhân cách.  (Ảnh chỉ mang tính minh họa)
Gia đình hạnh phúc giúp trẻ phát triển toàn diện về nhân cách. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

“Bố ơi, đừng làm mẹ đau!”

Bố nhậu về, say xỉn, quát to: “Con H., L., M. đâu hết cả rồi? Toàn là lũ vịt giời ăn hại”, rồi vớ lấy cái chổi đi tìm người sinh ra lũ “vịt giời” để tính sổ. Mẹ lật đật từ dưới bếp chạy lên, dang tay che cho đàn con, hứng trọn những trận đòn của bố. Lưng mẹ rướm máu. Nhưng mắt mẹ ráo hoảnh, không khóc được nữa. Hình ảnh ấy đến giờ vẫn còn ám ảnh H., dù bây giờ H. đã là học sinh cấp 3. “Khi ấy, em chỉ mới 5 tuổi. Lần nào nhậu say về, bố cũng diễn đi diễn lại cái cảnh ấy. Ba chị em còn rất nhỏ, chỉ biết ôm mẹ khóc và hét lên: “Bố đừng làm mẹ đau. Con xin bố!”, H. đau đớn nhớ lại. Những hố sâu trong tâm hồn H. đến nay vẫn chưa thể lấp đầy.

Rồi bố và mẹ dắt nhau ra tòa như một lẽ tất yếu khi nước đã vỡ bờ. Chị em H. lếch thếch theo mẹ đến tòa để chứng kiến kết cục của gia đình nhỏ bị chia lìa. Bố bảo mẹ không biết đẻ, không thể sinh con trai, đã thế lại còn ở nhà ăn bám. Mà mẹ còn có thể làm gì hơn khi quần quật với đàn con cũng đủ mệt. Mẹ vẫn vậy, vẫn cam chịu, không biết nói gì ngoài những giọt nước mắt lăn dài trên má, chỉ xin tòa cho nuôi ba cô con gái bé nhỏ. Bố không níu kéo. Ngay sau phiên tòa, có một người đàn bà đã chờ sẵn, đi cùng bố trên con đường ngược hướng với mẹ con H.. Và mãi về sau, H. không còn gặp bố nữa.

Còn với L.T (21 tuổi, ở quận Thanh Khê), tuổi thơ của em không bị ám ảnh bởi những trận đòn như H. nhưng vết hằn về chuyện bố mẹ ly hôn vẫn còn đó. Khi ấy, T. mới 10 tuổi. Bố bảo mẹ học cao rồi nên coi thường bố, đi “cặp bồ” với mấy tay trí thức. Mẹ bảo, bố ngày càng đổi tính, ghen tuông thái quá, lại suốt ngày ở nhà chì chiết, căn vặn từng chút một. T. ước sao mẹ không lên chức trưởng phòng, ước sao nhà mình vẫn nghèo như vài năm trước để bố mẹ không “chiến tranh lạnh” rồi thành “chiến tranh nóng” như bây giờ. Khi được tòa hỏi muốn về với mẹ hay bố, T. quệt nước mắt: “Con muốn có cả bố lẫn mẹ. Mình là một gia đình cơ mà!”. Những giọt nước mắt mặn chát của cô con gái nhỏ cũng không níu giữ được hai con người đã từng đầu ấp tay gối trở lại với nhau.

Tác động đến hình thành nhân cách

H. bây giờ trở thành tay quậy “có tiếng” của trường. Không vừa ý ai, H. đều gọi đàn em đến “xử”. Đặc biệt, H. rất ghét nam sinh bắt nạt bạn gái. Đã có không ít anh chàng phải bầm mày, tím mặt sau những trận đòn của H. và đàn em. Ngổ ngáo, hung dữ, bất cần đời là hình ảnh của cô bé ngày nào vẫn chứng kiến cảnh đánh nhau của bố mẹ. Còn với T., dù là sinh viên đại học nhưng rất ngại tiếp xúc với bạn trai. T. lầm lì, lặng lẽ, không thích chơi với ai ngoài chú chó nhỏ trong nhà. “Có lẽ sau này, em chẳng muốn yêu ai bởi hạnh phúc, tình yêu dường như quá mong manh. Em ngại phải bước vào cuộc hôn nhân không hạnh phúc”, T. nói.

Tại thành phố Đà Nẵng, từ năm 2000 đến nay, số cặp vợ chồng ly hôn tăng cao và tỷ lệ các vụ ly hôn gần bằng 20% tổng số cặp kết hôn hằng năm. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Đà Nẵng: “Bạo lực gia đình là một trong những nguyên nhân trực tiếp và chiếm tỷ lệ khá cao trong các vụ ly hôn. Nguyên nhân do không hòa hợp tình dục; thiếu hiểu biết, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, kỹ năng chung sống; thiếu thời gian dành cho nhau..., dẫn đến việc “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”.

Khi tiếp xúc với H. và T., chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Còn các bậc cha mẹ, hãy một lần nhìn vào mắt con trẻ!

CHUYÊN MỤC DO TỔ CHỨC HỢP TÁC VÀ PHÁT TRIỂN TÂY BAN NHA TÀI TRỢ
Nạn nhân bị BLGĐ hãy liên hệ số điện thoại: 0511.3829558

Bài và ảnh: KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.