.

Già làng Bùi Văn Cầm

.

Về thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, nói đến già làng Bùi Văn Cầm (ảnh), đồng bào Cơtu ở đây ai cũng yêu quý và nể trọng. Cuộc đời ông gắn bó với mảnh đất Giàn Bí này như một phần máu thịt không thể tách rời.

Ông Bùi Văn Cầm sinh ra trên miền quê nghèo, là xã Tư, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Thời thơ ấu gắn bó với mảnh đất quê hương, chứng kiến cảnh đạn bom tàn phá, đã nuôi trong lòng ông mối thù không “đội trời chung” với giặc. Năm 1959, chàng trai Bùi Văn Cầm hăng hái lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Lúc đó cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta bước vào thời kỳ gay go và ác liệt. Ông Bùi Văn Cầm được phân công về Hòa Vang, cùng với lực lượng du kích cơ động địa phương đảm nhận hỗ trợ trực chiến cho lực lượng bộ đội chủ lực.

Những năm tháng cuộc chiến đấu ác liệt, nhiều lần chạm trán với địch, nhiều ngày phải ăn rau rừng với muối nhưng ông và đồng đội vẫn kiên trì bám đất bám làng. “Trong một lần khi máy bay trực thăng Mỹ rà sát, chúng bắn xối xả để uy hiếp tinh thần các chiến sĩ, lúc ấy sắp có đoàn bộ đội hành quân qua, anh em du kích chúng tôi quyết phải tiêu diệt chúng và đã đánh được, may mắn không có ai hy sinh cả”, ông Cầm bồi hồi nhớ lại. Thành tích tiêu biểu nhất của ông và anh em du kích địa phương là bắn rơi 6 máy bay trực thăng của Mỹ. Với những chiến công ấy, ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhất và Huân chương Độc lập hạng ba.

Sau giải phóng, cựu chiến binh Bùi Văn Cầm trở lại cuộc sống của một người nông dân Cơtu thôn Giàn Bí. Đời sống của đồng bào Cơtu còn khó khăn về nhiều mặt. Họ chủ yếu phá rừng làm nương rẫy, cuộc sống đắp đổi qua ngày. Nhiều người bỏ làng ra đi để tạo lập cuộc sống ở vùng đất mới. Còn ông quyết tâm bám trụ với núi rừng và kiên trì vận động bà con ở lại. Buổi đầu lập nghiệp với bao khó khăn nhưng với ý chí của một cựu chiến binh, ông vẫn hăng say lao động, quyết tâm thoát khỏi cái nghèo. Ông đã vận động bà con khai hoang đất rừng để trồng các loại cây công nghiệp, tận dụng và khai phá những vùng đất trũng bên dòng sông Cu Đê để trồng lúa nước. Nhờ cần cù, chịu thương chịu khó, gia đình ông đã có của ăn, của để. Đời sống của bà con thôn Giàn Bí từng bước được cải thiện. Năm 1999, ông được UBND huyện Hòa Vang trao tặng Giấy khen vươn lên xóa đói giảm nghèo trong hai năm thực hiện xóa đói giảm nghèo xã trọng điểm của thành phố Đà Nẵng.

Ông còn luôn tận tình giúp đỡ bà con xây dựng đời sống mới. Mỗi khi trong làng có xảy ra bất hòa, ông đứng ra hòa giải, chỉ cho họ cái đúng cái sai. Lời nói của ông không “đao to búa lớn” mà nhẹ nhàng nhưng cứng rắn nên được bà con nể trọng. Ông còn động viên các gia đình cho con em đến trường, vận động bà con thực hiện tốt phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới. Khi được hỏi về ông Cầm, vợ chồng ông Trương Văn Xô và bà Bùi Thị Lem - người dân trong thôn - cho biết: “Già làng của chúng tôi đó, ông ấy tốt lắm, nhờ có ông ấy mà bà con chúng tôi ai cũng vui vẻ, phấn khởi, lo làm ăn, nuôi dạy con cái”. Những cố gắng của ông Bùi Văn Cầm đã góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng, làm đổi thay quê hương. Năm 2009, ông được Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc trao tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc”.

Cùng với việc chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông Cầm luôn làm tốt công tác Đảng địa phương. Là Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Giàn Bí, ông luôn nhiệt huyết trong các phong trào của chi hội, vận động các hội viên tham gia sinh hoạt đầy đủ, quan tâm giúp đỡ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn. Nhiều năm liền, ông được Đảng bộ, UBND xã Hòa Bắc tặng Giấy khen.

Đến nay, mặc dù đã hơn 80 tuổi nhưng hằng ngày ông vẫn cần mẫn lao động, làm gương cho con cháu noi theo. “Để có được ngày hôm nay, tôi đã phải đi qua chiến tranh và may mắn sống sót, vì vậy phải cố gắng làm lụng để có cuộc sống đủ đầy. Mà nếu không có sự hy sinh của anh em, đồng đội thì mình đâu có được cuộc sống bình yên để mà làm ra như thế, nên mình phải cố gắng. Tôi mong các thế hệ con cháu cũng cố gắng để xứng đáng với công lao của cha anh”, câu nói mộc mạc của người cựu chiến binh già Cơtu để lại trong chúng ta niềm cảm phục.

LÊ NỮ HOÀNG HÂN

;
.
.
.
.
.