.

Hạnh phúc hoàn lương

.

“Hơn 10 năm làm nô lệ của ma túy, tôi mới bắt đầu tỉnh ngộ. Làm lại cuộc đời, tôi quyết tâm làm người tốt”, Hoàng Trung H. (33 tuổi, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) tâm sự.

Anh Đàm Quang T. hạnh phúc bên gia đình khi giã từ ma túy.
Anh Đàm Quang T. hạnh phúc bên gia đình khi giã từ ma túy.

10 năm nô lệ “nàng tiên nâu”

“Lúc đó tôi mới 19 tuổi, đám bạn trong xóm bảo hít thử cho hưng phấn để đón Giao thừa. Đó là năm 1999..., và chỉ một lần thử ấy mà tôi đánh mất tuổi thanh xuân!”, H. nhớ lại.

Sinh ra trong một gia đình gia giáo, mẹ là giáo viên, bố là công chức, H. là con trai một nên rất được yêu thương. Bố mẹ H. đã lặng người khi biết cậu con trai duy nhất dính vào “nàng tiên nâu”.

Năm 2004, vì nghiện ngập nên H. bị một công ty cơ khí đuổi việc. Hàng xóm xa lánh H. Nhưng tất cả những điều này không thức tỉnh được anh. Trái lại, bao nhiêu tài sản trong nhà đều lần lượt bay theo những làn khói trắng của H. Năm 2009, H. được Công an phường Hòa Minh đưa vào cai nghiện tập trung tại Trung tâm Giáo dục - dạy nghề 05-06. Sau 2,5 năm nỗ lực cai nghiện với sự động viên của cha mẹ, các bác sĩ và quản giáo, H. đã trở về địa phương.

Một trường hợp khác là Đàm Quang T. (SN 1981, trú tổ 19, phường Hòa Minh) tâm sự: “Cầm trên tay hàng trăm triệu đồng cha mẹ đưa để xây nhà, tôi đã “nướng” vào ma túy. Căn nhà xây dở dang rồi cũng đem bán. Ngày tôi đi trại, vợ mang thai đứa con thứ hai 7 tháng”. T. nhớ như in, vào tháng 2-2007, khi đi mua vật liệu xây dựng thì gặp nhóm bạn ngồi nhậu và T. đã tham gia. Sau khi nhậu, hưng phấn, cả nhóm rủ nhau đi vũ trường. Tại đây, bạn bè đã mua ma túy và cả nhóm cùng xài. Thế là T. bắt đầu sử dụng cho đến khi bị Công an phát hiện, bắt giữ, đưa đi cai nghiện tập trung sau đó 6 tháng. Buồn phiền, cha của T. lâm bệnh rồi qua đời. Ngày anh đi cai nghiện, vợ bụng mang dạ chửa mà nước mắt ngắn dài. T. càng xúc động hơn khi lần đầu tiên vợ ẵm đứa con chưa đầy 3 tháng tuổi đến trung tâm thăm anh. Giọt nước mắt thương cảm lần đầu tiên lăn xuống là động lực thôi thúc anh cai nghiện. T. về đoàn tụ với vợ con sau đó một năm.

Mong sự sẻ chia

“Nếu đi tù vì trộm cắp, cướp giật, người ta bảo là do nông nổi nhất thời, còn với những người đi cai nghiện thì bị cho rằng sẽ không bao giờ hoàn lương nên thái độ của mọi người đối với người cai nghiện luôn có sự miệt thị. Vì vậy, ngày trở về, tôi rất chán chường và tiếp tục sử dụng ma túy. Tuy nhiên, tôi được khuyên đi điều trị bằng Methadone. Với sự động viên của gia đình, Công an phường, các bác sĩ, đến nay tôi đã quên hẳn ma túy”, Hoàng Trung H. chia sẻ. Lần đầu tiên sau hơn 10 năm, căn nhà của anh rộn rã tiếng nói cười hạnh phúc.

Hiện tại, H. sản xuất lồng chim tại nhà. Vừa qua, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu đã đến thăm, động viên và tạo điều kiện để anh vay 20 triệu đồng đầu tư phương tiện sản xuất. Sự sẻ chia của chính quyền đã giúp anh có thêm động lực vượt qua mọi khó khăn, trở ngại trong cuộc sống. Song, H. trăn trở: “Những người bạn cùng hoàn cảnh sau khi cai nghiện ra không có công ăn việc làm thường đến đây để xin làm công. Nhưng tôi không thể giúp được vì cơ sở của mình còn quá nhỏ, chỉ đủ trang trải cuộc sống gia đình. Tôi mong muốn mở rộng cơ sở để giúp những người từng một thời lầm lỡ như tôi có cơ hội làm việc, nhưng hiện nay nguồn vốn không có”.

Cũng như H., sau khi cai nghiện thành công, Đàm Quang T. bắt đầu tu chí làm ăn bằng nghề quét sơn vôi. Chị Ph. - vợ anh T. cho biết, ngày ngày anh đi làm công trình, tối về cần mẫn chăm chút cho vợ con. Có một điều còn vấn vương trong anh là do chưa có vốn mua sắm phương tiện đầu tư cho công việc nên cuộc sống vẫn còn khó khăn, vất vả...

Đại úy Nguyễn Công Hà, Phó trưởng Công an phường Hòa Minh cho hay: “T. và H. là hai tấm gương biết vượt qua mặc cảm, vươn lên sau thời gian dài lầm lỗi. Chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện để giúp họ có cuộc sống tốt hơn, trở thành người có ích cho xã hội”.

Bài và ảnh: BÙI NGỌC

;
.
.
.
.
.