.
Hoạt động kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII

Luật phải rõ để tránh quảng cáo trá hình

.

Quy định mức phạt tiền phải phù hợp

Sáng 30-5, Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường, thảo luận về dự thảo Luật Quảng cáo. Trong đó, có ý kiến đại biểu (ĐB) cho rằng, luật cần phải quy định cụ thể thế nào là nội dung quảng cáo và nội dung khác để tránh nhập nhèm quảng cáo trá hình trên các phương tiện truyền thông.

Đại biểu Thân Đức Nam phát biểu tại hội trường. Ảnh: TTXVN
Đại biểu Thân Đức Nam phát biểu tại hội trường.                                                 Ảnh: TTXVN

Cần tạo khung pháp lý chặt chẽ hơn với quảng cáo

Theo ĐB Lê Hữu Phước (Bình Dương), mục đích quản lý hoạt động quảng cáo chính là quản lý nội dung, sản phẩm quảng cáo. Ngoài việc bảo đảm tính thông tin, chính xác còn phải hàm chứa yếu tố văn hóa, thẩm mỹ phù hợp với các chuẩn mực đạo đức và thuần phong mỹ tục. Vì vậy, việc giao Bộ VH-TT&DL chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về quảng cáo là phù hợp. Các bộ, ngành khác và UBND các cấp phối hợp quản lý với Bộ VH-TT&DL theo chức năng của mình như trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, ĐB Hà Minh Huệ (Bình Thuận) cho rằng, Bộ Thông tin và Truyền thông là nơi quản lý trên 80% quảng cáo thì Bộ này nên quản lý Nhà nước về vấn đề quảng cáo.

ĐB Lê Thị Tám (Nghệ An) đề nghị QH cân nhắc thêm hành vi một số doanh nghiệp đang lạm dụng các vấn đề về nhân đạo vào hoạt động quảng cáo các sản phẩm của mình. Theo ĐB, cần tạo khung pháp lý chặt chẽ hơn, tránh tình trạng “nói một đường làm một nẻo” và không được phép lợi dụng lòng tốt của khách hàng cũng như hình ảnh của những người bất hạnh để quảng cáo.

ĐB Nguyễn Thị Tuyết Thanh (Quảng Nam) đề nghị cần bổ sung việc cấm các quảng cáo có hình ảnh và lời nói thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam. ĐB Nguyễn Văn Minh (thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị bổ sung quy định cấm quảng cáo các trò chơi mang tính cờ bạc...

Bàn về thời lượng quảng cáo trên báo nói, báo hình, đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho rằng, quy định về “thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền không vượt quá 5% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng, trừ kênh, chương trình chuyên quảng cáo” là chưa thật sự hợp lý. Bởi lẽ, hoạt động của truyền hình trả tiền tại Việt Nam đang phát triển không ngừng về số lượng và các nhà cung cấp, nhưng chất lượng phát sóng và chương trình chưa đáp ứng được mong đợi của khán giả. ĐB Đặng Thuần Phong cũng đề nghị luật phải quy định rõ hơn việc không được chen ngang quảng cáo vào giữa chương trình trên các kênh truyền hình trả tiền, vì hiện có tình trạng lạm dụng, làm khán giả - người tiêu dùng mua sản phẩm truyền hình rất bực bội.

Quy định mức phạt tiền phải phù hợp

Chiều cùng ngày, QH thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính (VHPC). ĐBQH thành phố Đà Nẵng Thân Đức Nam tán thành sự cần thiết ban hành Luật Xử lý VPHC. Đây là dự án luật có những quy định liên quan trực tiếp đến quyền cơ bản của công dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước, quản lý xã hội; khắc phục những bất cập, tồn tại trong thực tiễn thi hành các quy định của pháp luật về xử lý VPHC, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của công dân, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống VPHC trong tình hình hiện nay.

Về mức phạt tiền đối với hành vi VPHC quy định tại Điều 23 và Điều 24 dự thảo luật, ĐB Thân Đức Nam cho rằng, mức phạt tối đa đến một tỷ đồng đối với cá nhân, 2 tỷ đồng đối với tổ chức theo quy định tại khoản 1, Điều 23 là quá cao. Theo ĐB, mức phạt tiền cao không phải là biện pháp hữu hiệu để hạn chế vi phạm và còn dễ dẫn đến tiêu cực. ĐB đề nghị cân nhắc mức phạt tối đa trong các lĩnh vực cho phù hợp, vừa bảo đảm tính răn đe, xử lý nghiêm hành vi VPHC, đồng thời phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay.

Về quy định mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực cụ thể tại Điều 24 dự thảo luật, ĐB Thân Đức Nam đề nghị ngoài việc cần nghiên cứu mức phạt hợp lý trong từng lĩnh vực thì cần quy định rõ những mức tiền phạt được áp dụng cho cá nhân hay tổ chức. Về quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng tối đa không quá 2 lần mức phạt tiền chung được áp dụng đối với cùng hành vi VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ, môi trường, quản lý đô thị tại khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương, ĐB thống nhất phương án thứ nhất, vì những hành vi VPHC xảy ra trong nội thành sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, có mức độ ảnh hưởng rộng lớn hơn các khu vực khác. Theo ĐB, việc quy định mức phạt cao hơn sẽ bảo đảm tính răn đe và nghiêm minh của pháp luật, đáp ứng nhu cầu quản lý Nhà nước đặc thù ở khu vực nội thành của các thành phố lớn. Tuy nhiên, ĐB đề nghị cần làm rõ nội hàm của khái niệm quản lý đô thị vì đây là khái niệm rất rộng, bao gồm cả quản lý về trật tự an ninh, giao thông, xây dựng, môi trường, nhân khẩu, thương mại… Trong khi đó, theo quy định tại điểm a, khoản 14, Điều 24, mức phạt tối đa trong lĩnh vực quản lý đô thị chỉ là 50 triệu đồng.

ĐB đề nghị xem xét lại khoản 8, Điều 125 quy định phương tiện giao thông VPHC thuộc trường hợp bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt nếu tổ chức, cá nhân có địa chỉ rõ ràng, có điều kiện bến bãi, bảo quản phương tiện hoặc khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được giữ phương tiện vi phạm dưới sự quản lý của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. ĐĐ Thân Đức Nam cho rằng, đây là quy định không có tính khả thi, vì cơ quan chức năng không có khả năng đến tận bến bãi, địa chỉ của người dân để theo dõi, quản lý hàng trăm, hàng ngàn phương tiện giao thông bị tạm giữ mỗi ngày. Hơn nữa, đối chiếu với quy định tại khoản 4, Điều 125, nếu người vi phạm không có tiền nộp phạt, cũng không có giấy phép lái xe hoặc giấy tờ cần thiết khác thì sẽ bị tạm giữ phương tiện để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt; nhưng khoản 8 lại quy định cho phép đặt tiền bảo lãnh để tự giữ phương tiện là mâu thuẫn và không hợp lý.

TTXVN - HỮU HOA

;
.
.
.
.
.